Những kỳ vọng của đại biểu, cử tri vào phiên chất vấn hôm nay
Hôm nay (6/6), Quốc hội bắt đầu ngày đầu tiên của phiên chất vấn các nhóm vấn đề thuộc trách nhiệm của 4 Bộ trưởng, trưởng ngành.
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung sẽ trả lời chất vấn về giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao; thực trạng việc làm và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tạo việc làm; các vấn đề liên quan đến giáo dục nghề nghiệp và bảo hiểm xã hội.
Tiếp đến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh sẽ trả lời về trách nhiệm của Ủy ban và công tác phối hợp với các Bộ, ngành trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia; chính sách thu hút nguồn lực hỗ trợ đầu tư phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; việc giải quyết khó khăn về đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc, khắc phục tình trạng du cư, du canh tự phát, chặt phá rừng…
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt sẽ trả lời về Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia; việc ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó là việc bố trí, quản lý, sử dụng ngân sách chi cho nghiên cứu khoa học; hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường; cơ chế, chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ…
Cuối cùng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng sẽ trả lời về giải pháp hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, hạn chế tai nạn và giảm ùn tắc; trách nhiệm quản lý nhà nước trong hoạt động kiểm định, đào tạo và cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông.
Đây đều là những vấn đề nóng, thiết thực với người dân, doanh nghiệp được cả xã hội quan tâm. Phiên chất vấn cũng là dịp “sát hạch” các Bộ trưởng, trưởng ngành trong thực hiện lời hứa, cam kết của mình trong thực thi nhiệm vụ đối với cử tri và người dân cả nước.
Các đại biểu đánh giá, các vấn đề được lựa chọn chất vấn tại kỳ họp lần này đều là những vấn đề được đông đảo cử tri và nhân dân quan tâm. Trong đó, có những vấn đề rất nóng, đang tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc trên thực tế như: công tác kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp; tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, nợ tiền bảo hiểm xã hội, người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần…
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, đây đều là những vấn đề lớn ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của nhân dân, vì vậy, đại biểu kỳ vọng, tại phiên chất vấn, các Bộ trưởng sẽ trả lời thẳng thắn, đúng và trúng các vấn đề, qua đó nâng cao trách nhiệm của những người đứng đầu trong các lĩnh vực có liên quan, đồng thời gợi mở giải pháp để tháo gỡ các bất cập đang tồn tại, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, phát triển kinh tế đất nước.
Đại biểu cho biết, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri thấy rằng, trong các vấn đề đang tồn tại khá phổ biến tại các doanh nghiệp đó là tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, chiếm dụng, chậm đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nhiều ý kiến cử tri phản ánh điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của họ. Đa phần, người lao động không nắm bắt được thông tin đóng – nộp BHXH, BHYT cho người lao động của doanh nghiệp, chỉ khi có sự vào cuộc, thanh tra, kiểm tra của các cơ quan quản lý hoặc khi phát sinh sự kiện được hưởng bảo hiểm theo quy định thì người lao động mới biết rằng quyền lợi của mình đã và đang bị xâm phạm.
Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều này, đã trốn đóng, chậm đóng BHXH để tận dụng nguồn vốn, gây ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền lợi hưởng bảo hiểm của người lao động, tác động tiêu cực đến việc đảm bảo an sinh xã hội nói chung.
Xu hướng rút bảo hiểm xã hội một lần của người dân để trang trải sự thiếu thốn trước mắt cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Điều này sẽ gây hệ lụy lâu dài cho người lao động và quỹ bảo hiểm xã hội. Do vậy, việc tìm ra giải pháp hạn chế tình trạng này rất quan trọng giúp bảo toàn hệ thống bảo hiểm xã hội và bảo vệ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm, đại biểu đánh giá.
Cũng theo đại biểu, bên cạnh việc trả lời chất vấn mong muốn các Bộ trưởng, trưởng ngành có quyết sách trên thực tế và có những giải pháp tổng thể đồng bộ để cải thiện vấn đề này, góp phần đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Đại biểu Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình cũng đặt nhiều kỳ vọng vào phiên chất vấn.
Theo đại biểu, trong phiên chất vấn, các Bộ, ngành sẽ có thời gian để chia sẻ sâu về các vấn đề, khó khăn của nền kinh kế, của ngành, những vấn đền mà trong các phiên thảo luận, một số Bộ trưởng có ý kiến giải trình, nhưng thời gian ngắn, có thể chưa nói hết.
Trong bối cảnh hiện nay, mong rằng các Bộ trưởng cũng thẳng thắn, xác định tâm thế là tham gia phiên chất vấn không phải để đánh giá trả lời tốt hay không, mà là cùng bàn để tìm ra giải pháp thực hiện.
Chẳng hạn như đối với những khó khăn của doanh nghiệp, cần có các chính sách nhằm hỗ trợ chi phí, dòng tiền để cầm cự, chờ khi có cơ hội thì nhanh chóng phục hồi trở lại, nếu không cả khi có cơ hội cũng sẽ không làm được.
Tiếp đến là các giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng, trợ cấp trực tiếp cho người lao động, san sẻ gánh nặng với doanh nghiệp chắc sẽ là những giải pháp sẽ được đưa ra, bên cạnh các giải pháp đang được triển khai, như giãn hoãn một số khoản phải nộp…
"Mong rằng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những vướng mắc mà chúng ta đã nêu ra", đại biểu Hiếu kỳ vọng.