Loại bỏ ô nhiễm nhựa cho một tương lai an toàn hơn
Nhựa là một sản phẩm dựa trên nhiên liệu hóa thạch được tìm thấy ở hầu hết mọi nơi trên hành tinh, từ đáy đại dương sâu nhất tới đỉnh những ngọn núi cao nhất, từ dạ dày của các loài chim biển tới bên trong cơ thể con người.
Sau 5 ngày đàm phán tại Paris về ô nhiễm nhựa, cuối tuần qua, các đại biểu tại Ủy ban đàm phán liên chính phủ về rác thải nhựa đã đồng ý đưa ra một dự thảo nhằm chấm dứt tình trạng ô nhiễm nhựa toàn cầu trước cuộc họp tiếp theo ở Kenya vào tháng 11.
Ủy ban này chịu trách nhiệm phát triển hiệp ước quốc tế, ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa, trên đất liền và trên biển. Đây là một bước sơ bộ nhưng quan trọng để giải quyết một trong những nguồn chất thải lâu dài nhất của con người.
Hơn 40 nước tham gia Liên minh Tham vọng cao (HAC) vì Thiên nhiên và Con người mong muốn hiệp ước được xây dựng dựa trên các biện pháp bắt buộc trên thế giới, bao gồm cắt giảm sản xuất nhựa và hạn chế một số hóa chất được sử dụng trong sản xuất nhựa. Các nước này tin rằng nếu không có khung pháp lý quốc tế chung, chúng ta sẽ không thể giải quyết thách thức toàn cầu đang ngày càng tăng về ô nhiễm nhựa.
Tuy nhiên, các quốc gia có ngành công nghiệp dầu khí lớn như Mỹ, Trung Quốc và Arab Saudi đang tập trung vào tái chế nhựa và muốn có các quy tắc riêng cho từng quốc gia thay vì các giới hạn chung cho toàn cầu.
Stew Harris, Giám đốc cấp cao về chính sách nhựa toàn cầu tại Hội đồng Hóa học Mỹ, cho rằng nên cho phép mỗi chính phủ “sử dụng các công cụ phù hợp dựa trên hoàn cảnh riêng của họ”. Theo ông, tính tuần hoàn hay tái sử dụng nhựa “nên được đặt lên hàng đầu trong các cuộc đàm phán như một phương tiện để giải quyết ô nhiễm và bền vững hơn trong sản xuất và tiêu thụ nhựa”.
Trong khi đó, Bjorn Beeler, điều phối viên quốc tế của Mạng lưới Loại bỏ chất ô nhiễm quốc tế (IPEN) có trụ sở tại Thụy Điển cho biết, việc để nó cho từng quốc gia sẽ là không công bằng đối với các khu vực như châu Mỹ Latinh và châu Phi, nơi không sản xuất nhiều nhựa hoặc hóa chất. “Vì vậy, mô hình khí hậu tiếp cận quốc gia (thay vì các quy tắc toàn cầu ràng buộc) sẽ thất bại vì bạn không thể thực sự xử lý một vấn đề toàn cầu ở cấp quốc gia”, Beeler nói.
Hơn 2.000 đại biểu từ gần 200 quốc gia, bao gồm cả chính phủ và các nhà quan sát, đã tham gia các cuộc đàm phán tuần trước. Các cuộc đàm phán này là vòng thứ 2 trong số 5 vòng họp để hoàn tất các cuộc đàm phán.
Năm ngoái, hơn 2.000 đại biểu đến từ 160 nước đã họp tại Uruguay trong vòng đầu tiên đàm phán về ô nhiễm nhựa do Ủy ban Đàm phán liên chính phủ (INC) thuộc Liên hợp quốc về ô nhiễm nhựa chỉ đạo nhằm hướng đến việc thiết lập một hiệp ước ràng buộc pháp lý đầu tiên về ô nhiễm nhựa vào cuối năm 2024.
Các nhà lãnh đạo thế giới đang trên đường tạo ra một “tương lai sạch hơn và an toàn hơn, nhưng việc thực hiện Hiệp ước cần phải có quyết tâm.
Tổng Giám đốc của WWF Quốc tế Marco Lambertini
Các cuộc tranh luận về các quy tắc thủ tục - bao gồm cả việc liệu các quyết định có cần sự đồng thuận hay chỉ cần 2/3 phê duyệt - đã kéo dài quá trình đàm phán của vòng 2. Tuy nhiên, cuối cùng các đại biểu đã đồng ý sẽ đưa ra một dự thảo hiệp ước vào tháng 11, giúp mọi thứ đi đúng hướng để có thể đưa ra được một hiệp ước cuối cùng trước thời hạn mục tiêu là cuối năm 2024. Inger Andersen, Giám đốc điều hành Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), cho biết đây này là “thỏa thuận môi trường đa phương quốc tế quan trọng nhất kể từ Hiệp định khí hậu Paris”.
Trong những năm gần đây, các quốc gia đã thực hiện nhiều nỗ lực nhằm kiềm chế tình trạng ô nhiễm nhựa đang gia tăng và đe dọa sức khỏe của các hệ sinh thái trên toàn thế giới.
Trong khi các nhà ngoại giao vẫn còn đang trong quá trình đàm phán để đạt được tiến bộ trong hiệp ước chấm dứt rác thải nhựa, ô nhiễm nhựa toàn cầu đã và đang trở nên cấp bách như một “quả bom hẹn giờ”.
Mặc dù mức độ ô nhiễm nhựa trên đất liền chưa được nghiên cứu đầy đủ, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra nhựa chiếm 80% nguồn ô nhiễm của biển. Melanie Bergmann, một nhà sinh học biển tại Viện Alfred Wegener của Đức, đã tìm thấy nhựa đông cứng trong băng biển Bắc Cực, bên trong tảo, trong động vật phù du nhỏ và cả trong các mẫu trầm tích dưới đáy biển sâu.
Sản xuất nhựa đã tăng theo cấp số nhân trong những thập kỷ qua và hiện lên tới hơn 430 triệu tấn nhựa mỗi năm, hai phần ba trong số đó là những sản phẩm có thời gian sử dụng ngắn, nhanh chóng trở thành chất thải “lấp đầy” đại dương và thường xâm nhập vào chuỗi thức ăn của con người, Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho biết trong một báo cáo vào tháng Tư vừa qua.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, chất thải nhựa được sản xuất trên toàn cầu sẽ tăng gấp đôi vào năm 2040 và gần gấp ba lần vào năm 2060, với khoảng một nửa kết thúc ở bãi rác và chưa đến 1/5 được tái chế nếu chúng ta không có những hành động kiềm chế kịp thời và hiệu quả.
Trong một thông cáo báo chí, Liên minh Tham vọng cao (HAC) vì Thiên nhiên và Con người đã chỉ ra, thế giới không thể đối phó với mức độ chất thải ngày càng tăng của việc sản xuất nhựa sử dụng một lần. Eide, Bộ trưởng Khí hậu và môi trường Na Uy cho biết, họ muốn tập trung hơn vào cách sản xuất nhựa để tránh các hóa chất nguy hiểm và giúp tái chế dễ dàng hơn.
Trong khoảng thời gian chỉ bằng một đời người, chúng ta đã gây ra thiệt hại không thể tưởng tượng được đối với môi trường toàn cầu, khiến mọi đại dương "nghẹt thở" bởi ô nhiễm nhựa. Và, mặc dù hiện tại còn nhiều việc phải làm để hoàn thiện một hiệp ước loại bỏ ô nhiễm nhựa có ảnh hưởng sâu rộng, giờ đây chúng ta có thể bắt đầu khép lại chương xấu xí này.
Bộ trưởng môi trường Vương quốc Anh Zac Goldsmith
Theo nghiên cứu gần đây của IPEN, việc tái chế nhựa vô tình làm tồn tại các hóa chất độc hại. Theo UNEP, ít nhất 3.200 trong số 13.000 hóa chất khác nhau liên quan đến nhựa ảnh hưởng tới sức khoẻ của con người.
Tiến sĩ Tadesse Amera cho biết: “Các tính toán cho thấy một đứa trẻ sinh ra ngày nay sẽ phải chứng kiến lượng nhựa sản xuất tăng gấp đôi khi chúng 18 tuổi và chúng ta biết rằng hậu quả của việc gia tăng sản xuất nhựa sẽ là thảm họa đối với sức khỏe, hành tinh và khí hậu của chúng ta. Nguy cơ cao, nhưng chúng tôi lạc quan bởi nhận thức ngày càng tăng của cộng đồng về tầm quan trọng trong việc kiểm soát sản xuất nhựa trên toàn cầu”.
Thực hiện: Hà Mai