Sức Khỏe

Bé 2 tuổi tử vong vì mắc "vi khuẩn ăn thịt người"

Chí Tâm 03/06/2023 - 14:49

Đắk Lắk vừa ghi nhận trường hợp tử vong vì nhiễm "vi khuẩn ăn thịt người" Whitmore là bệnh nhi 2 tuổi.

Ngày 3/6, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk cho biết, địa phương vừa ghi nhận một trường hợp bệnh nhi tử vong vì mắc bệnh Whitmore.

Người tử vong là cháu V.T.Y.N. (2 tuổi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk).

vi-khuan-whitmore.png
Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore. Ảnh: Aljazeera

Theo thông tin từ người nhà, ngày 21/5, bé N. xuất hiện các triệu chứng sốt kèm tiêu chảy, ở nhà chưa điều trị.

Đến ngày 28/5, N. được người thân đưa đi khám và điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán, N. bị suy hô hấp độ 2, viêm phổi nặng, theo dõi nhiễm trùng huyết, tiêu chảy cấp không mất nước; Chưa loại trừ viêm não màng não, theo dõi u não.

Ngày 29/5, bé N. chuyển nặng với chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng, nhiễm trùng huyết, tổn thương đa cơ quan, viêm phổi nặng, viêm mủ màng phổi phải, rối loạn đông máu nhẹ.

Đến 17h20 ngày 30/5, bé N. tử vong và có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Hiện, CDC chưa rõ nguyên nhân bé mắc bệnh Whitmore. Người thân của bé không xuất hiện triệu chứng bệnh tương tự.

Bệnh "vi khuẩn ăn thịt người" (tên khoa học Whitmore) là căn bệnh truyền nhiễm rất khó phát hiện và điều trị kịp thời do dễ nhầm lẫn với các bệnh khác.

Bệnh Whitmore (còn gọi là melioidosis) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cấp tính do vi khuẩn gram âm có tên Burkholderia pseudomallei gây nên. Bệnh do bác sĩ Afred Whitmore mô tả năm 1912 tại Miến Điện, từ đó lấy tên Whitmore. 

Vi khuẩn này sống trên bề mặt nước và trong đất đặc biệt là bùn đất, lây sang người qua vết trầy xước trên da hoặc qua đường hô hấp khi hít phải các hạt bụi đất hoặc giọt nước li ti trong không khí có chứa vi khuẩn, nhất là vào mùa mưa.

Tại Việt Nam, khoảng 70% ca Whitmore nhập viện từ tháng 9-11 hàng năm. Số bệnh nhân thường liên quan và tỷ lệ thuận với tình trạng mưa lũ. Hiện chưa có vaccine phòng bệnh.

Whitmore nhiều năm trước được xem như "căn bệnh nguy hiểm bị lãng quên" tại Việt Nam, do sau chiến tranh không còn được ghi nhận. Hơn 10 năm qua, các ca mắc vi khuẩn này được phát hiện nhiều hơn do được thầy thuốc chú ý khi khám lâm sàng và kỹ thuật xét nghiệm tiến bộ hơn.

Chí Tâm