Dự án nhà máy thép Long Sơn sẽ không có bất kỳ giọt nước thải nào đổ ra biển
Đó là khẳng định của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng về dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dụng.
Ngày 2/6, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn và cảng chuyên dụng, chỉ đang ở bước nghiên cứu và lấy ý kiến người dân. Khi đầu tư, chắc chắn vấn đề quan tâm hàng đầu là môi trường.
Ông Dũng cũng khẳng định, nếu triển khai, dự án sẽ không có bất kỳ giọt nước thải nào đổ ra biển, việc này dựa trên cơ sở khoa học và thực tế, không phải nói để trấn an người dân.
Vậy, dự án gang thép Long Sơn sẽ dùng công nghệ như thế nào trong quá trình sản xuất?. Được biết, dự án Khu liên hợp gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu có tổng vốn đầu tư 53.500 tỷ đồng, với diện tích khoảng 480ha.
Nhà đầu tư cho biết, công nghệ chính là lò cao để luyện thép, công nghệ này thế giới sử dụng rộng rãi trong hơn 200 năm qua và ngày càng hoàn thiện, 70% sản lượng thép thế giới áp dụng công nghệ này.
Dự án cũng sử dụng công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới hiện nay và quy trình khép kín để hạn chế tối đa ảnh hưởng đến môi trường.
Đối với công đoạn luyện cốc, tại dự án nhà máy thép Formosa trước đây áp dụng công nghệ dập cốc ướt dẫn đến phát sinh lượng nước thải rất lớn và ô nhiễm, sau khi sự cố môi trường xảy ra phải chuyển sang môi trường dập cốc khô (thổi không khí để làm nguội than cốc), nên không phát sinh nước thải ở công đoạn này.
Dự án nhà máy thép Long Sơn sẽ áp dụng công nghệ cốc khô, ngoài ra sử dụng lò áp suất âm để hạn chế tối đa phát tán bụi và khí thải ra bên ngoài. Với công nghệ này không khí nóng sau khi dập cốc được thu hồi để phát điện với công suất phát điện là 162MW.
“Tôi đã làm việc với nhà đầu tư và đưa ra các tiêu chí về môi trường rất nghiêm ngặt, thì nhà đầu tư cam kết không có giọt nước nào thải ra biển. Vì đây là công nghệ tuần hoàn, dùng công nghệ dập cốc khô. Người dân vẫn tắm biển bình thường nên tôi tuyên bố có trách nhiệm, đây là sự thật”, ông Dũng nói.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Định cho rằng, tỉnh này từng từ chối dự án lọc hóa dầu 22 tỷ đô la. “Lần này, tỉnh cũng rất thận trọng, vấn đề lo nhất là xả nước ra biển thì dự án này sẽ không bao giờ có, tôi khẳng định và chịu trách nhiệm trên cơ sở khoa học và thực tế như thế, không phải nói để trấn an dân. Chúng tôi yêu cầu làm có cơ sở thận trọng, về môi trường chắc chắn không có vấn đề gì”, ông Dũng nói.
Thực tế, khí hậu tại Bình Định rất khắc nghiệt, nắng cháy da mưa như trút nước nên nền kinh tế, muốn đi lên cần dự án có động lực.
Việc thu ngân sách của Bình Định nếu trừ tiền bán đất thì chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu chi của tỉnh, 60% phải xin trung ương.
Quy mô kinh tế khá manh mún, nhiều lĩnh vực mang lại hiệu quả chưa cao, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn.
Bởi vậy, Bình Định cứ giữ nguyên như hiện nay và đi lên từ nông nghiệp thì sẽ rất khó. Vì thế, bên cạnh phát triển nông nghiệp, du lịch thì tỉnh cần có đột phá của công nghiệp. Tại Lộ Diêu, nếu làm du lịch lúc này thì không hiệu quả vì khoảng cách quá xa trung tâm Quy Nhơn.
Tỉnh Bình Định rất đắn đo trăn trở tìm động lực, muốn trở thành top đầu của miền Trung thì phải tìm những dự án công nghiệp tạo cú hích nhưng hết sức thận trọng. Trong khi đó, không riêng Bình Định mà nhiều địa phương khác cả nước cũng làm dự án gang thép.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng, dự án này muốn được tỉnh thông qua trước khi triển khai đầu tư phải đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường, người dân bị ảnh hưởng, tái định cư phải có được cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, tạo sinh kế ổn định, lâu dài hơn.
Dự án không vi phạm phạm vi bảo vệ các di tích lịch sử, danh thắng thiên nhiên đã được công nhận trên địa bàn. Địa danh thôn Lộ Diêu và các tổ chức chính trị xã hội của thôn Lộ Diêu được giữ lại như hiện nay.
"Nếu dự án đảm bảo các yếu tố đảm bảo yêu cầu về môi trường như: không đổ thải nước ra môi trường biển, không xả khói độc ra môi trường, mọi việc đều khép kín... thì tỉnh mới chấp thuận thông qua việc trình đề án đầu tư”, ông Dũng khẳng định.