Giao thông

Hiểm họa tai nạn giao thông trên cao tốc Hạ Long - Hải Phòng

Trần Khanh 31/05/2023 - 16:31

Mặc dù tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng có lưu lượng phương tiện di chuyển đông đúc, nhưng việc đảm bảo an toàn giao thông, bảo hộ tính mạng cho người lao động vẫn chưa được đơn vị thi công dự án quan tâm.

Theo ghi nhận của PV, trong những ngày cuối tháng 5, đoạn Km18 hướng cao tốc Hạ Long - Hải Phòng xuất hiện đại công trường thi công mở rộng làn đường đấu nối cao tốc, thường xuyên có khoảng 5 công nhân làm việc thiếu trang bị bảo hộ lao động, khu vực công trường không có bảng cảnh báo từ xa, không có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông.

Đáng chú ý, thiết bị thi công, máy trộn vữa, vật liệu cát nằm ngổn ngang ở làn đường cao tốc mới mở rộng, bên cạnh dòng xe đang lưu thông tốc độ cao tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, đặc biệt là đe dọa tính mạng người lao động. Thỉnh thoảng, các phương tiện phục vụ thi công ra vào công trường di chuyển giảm tốc độ, nhưng không có người hướng dẫn cảnh báo nguy hiểm.

Ông Đinh Nghiêm Trợ (SN 1963, trú tại thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: “Tôi thường lái xe qua khu vực đang thi công trên cao tốc, nhưng rất ngạc nhiên khi thấy máy móc, vật liệu xây dựng để bừa bãi trên mặt đường. Tuy có hàng cọc cảnh báo, nhưng việc không có bảng cảnh báo từ xa và người điều hướng phương tiện tại công trường sẽ rất nguy hiểm cho các lái xe”.

cao_toc_ha_long_hai_phong.jpg
Công nhân không được trang bị bảo hộ lao động đi lại trên cao tốc rất nguy hiểm.

Theo ông Trợ, công nhân tại công trường hầu như không mặc đồ bảo hộ lao động có phản quang, vận chuyển vật liệu xây dựng cạnh dòng xe nườm nượp lưu thông tốc độ cao là vô cùng nguy hiểm. Không chỉ tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, gây lo lắng cho người điều khiển phương tiện, mà còn đe dọa tính mạng người lao động.

Trao đổi về việc thi công mất an toàn trên cao tốc, ông Đinh Quang Tuấn, Phòng điều hành dự án 1 (thuộc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Ninh) cho hay: Sau khi nắm được thông tin phản ánh của PV, chủ đầu tư đã nghiêm khắc yêu cầu nhà thầu chấn chỉnh việc đảm bảo an toàn khi thi công, nhắc nhở bổ sung biển cảnh báo từ xa tại công trường. Công nhân đang làm việc không được trang bị quần áo bảo hộ lao động là lỗi của nhà thầu, sai quy định pháp luật.

cao_toc_ha_long_hai_phong_nguy_hiem.jpg
Máy móc, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang trên cao tốc.

Theo đại diện Ban quản lý dự án, việc máy trộn vữa, vật liệu xây dựng nằm ngổn ngang tại làn đường mới mở rộng trên cao tốc vẫn thuộc khu vực thi công của dự án. Trước đây, khu vực này có hàng rào tôn bảo vệ, nhưng sau đó được yêu cầu tháo dỡ sớm cho “đỡ sốt ruột”.

Được biết, khu vực thi công thiếu an toàn được khởi công từ tháng 10/2020, thuộc Dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến đường tỉnh 338, do Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Giao thông Phương Thành thi công, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Quảng Ninh làm chủ đầu tư.

cao_toc_ha_long_hai_phong_31_5.jpg
Việc đảm bảo an toàn lao động cho công nhân chưa được đơn vị thi công quan tâm. 

Theo quy định tại Điều 36, Thông tư 39/2011/TT-BGTVT ngày 28/5/2011 của Bộ Giao thông vận tải, thì trong suốt thời gian thi công nhất thiết phải có người cảnh giới, hướng dẫn giao thông; khi ngừng thi công phải có báo hiệu an toàn theo quy định như: biển chỉ dẫn, cờ và đèn đỏ vào ban đêm. Người cảnh giới hướng dẫn giao thông phải đeo băng đỏ bên cánh tay trái, được trang bị cờ, còi và đèn vào ban đêm.

Bên cạnh đó, căn cứ điểm c khoản 1 Điều 13, Nghị định 171/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ, thì tổ chức thực hiện thi công công trình có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt từ 2-6 triệu đồng, buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả là bố trí những người cảnh giới tại những nơi có tình trạng giao thông phức tạp.

Trần Khanh