Về làng Thổ Hà xem phơi bánh đa trên...rác
Đời sống - Ngày đăng : 05:05, 08/11/2014
Làng Thổ Hà thuộc xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang, vốn xưa là một trong 49 làng quan họ xứ Kinh Bắc. Chợ “Thổ Hà” có nghĩa là đất ven sông, làng này nằm kề sát sông Cầu, một con sông nên thơ nhất miền Bắc.
Mấy chục năm trước, sông Cầu rất trong sạch, nước sông thậm chí có thể uống được, nhưng đến nay sông đang chết dần và rất ô nhiễm bởi rác thải.
Làng gốm Thổ Hà có thời từng sầm uất ngang với làng gốm Bát Tràng của đất kinh kỳ. Nghề gốm cũng giúp người dân Thổ Hà cách đây 300 trăm trở nên giàu có nhất nhì vùng Kinh Bắc. Dấu ấn của một thời phồn thịnh ấy còn đọng lại rất nhiều ở chùa, đình, cổng làng.
Thế nhưng, khi đồ nhựa ra đời thì người làng Thổ Hà không tìm được đầu ra cho sản phẩm, lượng gốm tiêu thụ giảm đi đáng kể và cứ thế gốm mất dần thị trường và Thổ Hà cũng bị mai một dần nghề cổ truyền.
Giờ cả làng không còn một nhà nào làm gốm, HTX làm gốm duy nhất còn lại của làng cũng đóng cửa im ỉm, chỉ còn có tấm biển chứng minh rằng trước đây, nó đã từng là một HTX sản xuất đồ gốm. Theo người dân ở đây thì việc làm gốm vất vả, lại không còn đầu ra cho sản phẩm nữa, giờ người Thổ Hà đi làm ăn xa, còn hầu hết người ở lại làng thì chuyển sang nghề làm bánh đa.
Nếu trước kia quá trình làm gốm, than củi, lò bễ, đất đai… ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống và dòng sông nơi đây thì tiếp đến khi nghề gốm phá sản, nghề làm bánh đa được thế chỗ. Tuy nhiên công đoạn đun nấu, phơi bánh đa ở những nơi bẩn thỉu, không đạt vệ sinh cũng là vấn đề rất đáng lo ngại.
Người dân Thổ Hà nơi đây có thói quen đưa rác ra bờ sông. Hàng năm nước lên sẽ cuốn tất cả rác rưởi đó trôi đi. Nhưng những năm gần đây, mực nước sông Cầu thường xuyên xuống rất thấp, do nguồn nước thượng nguồn cạn kiệt, nên không thể tống rác như trước, khiến nhiều bãi rác kẹt lại thường xuyên ở bờ sông.
Ấy vậy người dân không những không dọn đi mà lại tiếp tục dồn rác, tích tụ thành những núi rác cao cả chục mét. Nhiều hộ gia đình ở gần đó đã lợi dụng luôn những núi rác này đổ đất thêm vào rồi cơi nới, xây thêm nhà lấn chiếm lòng sông.
Đến làng Thổ Hà ta có thể dễ dàng nhận thấy dọc bờ sông biết bao nhiêu núi rác được mọc ra lô nhô, núi cao, núi thấp, tất cả đều chứa đầy rác thải sinh hoạt, và phế thải xây dựng. Các hộ dân khu vực này không những chấp nhận sống chung với mùi rác thải bốc lên nồng nặc mà còn tận dụng cả những bãi rác này để phơi bánh đa.
Ngày nay những ngôi nhà cổ dần đã được thay vào những ngôi nhà cao tầng nhưng sự thay đổi của Thổ Hà lại không ăn khớp với nhau. Nhà cao cửa rộng nhưng đường xá lại chật hẹp. Cứ mỗi khi mưa thì đường lầy lội, nước không thoát hết được đọng lại làm nơi sinh sôi cho những vi khuẩn gây bệnh.
Diện tích mỗi nhà ở đây không quá lớn vì thế họ tận dụng tối đa diện tích để có thể đủ sống và nuôi… heo. Heo nuôi ở chuồng được xây ngay dưới dưới tầng một hoặc ở một góc của sân nhà và đều sát đường đi. Ở trong một diện tích nhỏ và bẩn thỉu vừa khiến heo không thể khỏe mạnh, vừa khiến mùi hôi thối của phân heo bay khắp xóm làng. Điều này cũng làm ảnh hưởng rất lớn tới môi trường sống và sinh hoạt của người dân nơi đây.
Cổng làng Thổ Hà bề thế với lối kiến trúc cổ kính, trầm mặc
Những núi rác liền kề nhau, nhấp nhô dọc bên bờ sông Cầu
Nước thải được xả thẳng xuống sông Cầu. Rác từ chợ cũng dồn thẳng xuống bến sông
Những chiếc bánh đa của làng được phơi ngay dưới đường đi, chỉ cần một chiếc xe máy đi qua thì bụi bẩn hay nước cũng có thể bắn ngay vào những chiếc bánh đang phơi chờ ngày “xuất hàng”
Không những phơi bánh ở ngoài đường mà còn phơi trên cả những đống rác, cống rãnh quanh nhà
Trời mùa đông lạnh thường không có hoặc rất ít ruồi, muỗi đậu trên những chiếc bánh đa
Những chiếc bánh đa được phơi khô trên bãi rác đang chờ được thu hoạch và đóng gói đem đi bán
Diện tích mỗi nhà ở đây không quá lớn vì thế họ tận dụng tối đa diện tích để có thể đủ sống và nuôi… heo. Heo nuôi ở chuồng được xây ngay dưới dưới tầng một hoặc ở một góc của sân nhà và đều sát đường đi.