Xã hội

Tây Ninh phấn đấu năm 2030 phát triển 20 vùng nông nghiệp UDCNC

Kim Sáng 30/05/2023 - 14:00

Từ năm 2022 - 2030, Tây Ninh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (UDCNC). Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025 phát triển 9 vùng, giai đoạn 2026 – 2030 phát triển 11 vùng.

Tây Ninh là tỉnh nằm ở phía Bắc khu vực Đông Nam Bộ và thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Diện tích đất sản xuất nông nghiệp khoảng 342.143 ha, chiếm 84,6% tổng diện tích đất tự nhiên; số hộ sản xuất nông nghiệp gần 276.000 hộ, chiếm 82,4% số hộ trên địa bàn tỉnh.

Ngành nông nghiệp Tây Ninh chiếm khoảng 20,2% trong cơ cấu kinh tế của tỉnh với diện tích sản xuất nông nghiệp 342.144 ha, chiếm 84,65% so với diện tích tự nhiên.

Trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp, ngành trồng trọt chiếm 75% giá trị, chăn nuôi chiếm 21% giá trị ngành. 

Tây Ninh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, cận xích đạo với các ưu thế về tổng lượng bức xạ cao và ổn định, nhiệt độ bình quân cao đều quanh năm, tổng tích ôn lớn, số giờ nắng nhiều, mưa nhiều, ít bão… Đây là lợi thế để tỉnh phát triển nông nghiệp theo hướng thâm canh, tăng vụ, xen canh, gối vụ, UDCNC.

Cạnh đó, nguồn nước mặt của Tây Ninh dồi dào, được cung cấp bởi sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và hồ Dầu Tiếng (diện tích mặt nước 27.000 ha, dung tích 1,58 tỷ m3 cùng hệ thống kênh mương thủy lợi dài 2.062,12 km).

Năng lực của hệ thống thủy lợi có thể đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, nuôi trồng thủy sản.

z4375017159120_3ac033caf8409ebf87dd2ae6d342c570-2-.jpg
Ông Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh thông tin về tình hình sản xuất NNCNC trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, địa bàn Tây Ninh có nhiều mô hình nông nghiệp UDCNC được ứng dụng ngày càng rộng rãi. 

Về trồng trọt, tổng diện tích cây trồng áp dụng CNC đạt 98.745 ha, tập trung chủ yếu như nhóm cây ăn quả (mãng cầu, sầu riêng, cây có múi chuối, xoài, nhãn, mít, thanh long...): 20.345 ha; nhóm cây thực phẩm (rau các loại và đậu các loại): 19.900 ha; một số loại cây khác như mía, mì: 58.500 ha.

Về chăn nuôi, đến cuối năm 2021, tỉnh có khoảng 612 trang trại gia súc và 112 trang trại gia cầm với 192.578 con gia súc và 5,6 triệu con được nuôi theo hình thức trang trại tập trung. Tất cả các trang trại đều áp dụng CNC trong sản xuất như hệ thống thức ăn tự động, dùng công nghệ thông tin quản lý đàn và dịch bệnh...

Nhìn chung, việc ứng dụng tiến bộ, khoa học kỹ thuật, CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước chuyển biến đáng kể, góp phần gia tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất đáp ứng yêu cầu thay đổi, đa dạng của thị trường.

Các biện pháp áp dụng CNC trong sản xuất có thể ứng dụng như: Hệ thống tưới tự động và bán tự động được trang bị trong các nhà màng, nhà lưới; sử dụng công nghệ thiết bị điều khiển thông minh được hiển thị trên điện thoại thông minh và qua các thiết bị cảm biến nhiệt độ, ẩm độ để điều chỉnh lượng nước tưới và điều chỉnh nhiệt độ, ẩm độ thích hợp để cây trồng phát triển tốt;

Sử dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước như hệ thống tưới phun, tưới nhỏ giọt; ứng dụng phầm mềm truy xuất nguồn gốc điện tử (KIPUS); ứng dụng một số kỹ thuật canh tác mới trên cây trồng... 

Bên cạnh những tiềm năng, việc sản xuất nông nghiệp UDCNC trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn, thách thức như chi phí đầu tư cao trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh, địch họa, biến đổi khí hậu và biến động thị trường.

Mặt khác, liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa chặt chẽ, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước có nhiều biến động, giá cả thiếu ổn định. Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ, nhất là giao thông nội đồng, điện phục vụ sản xuất. Nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Theo Đề án vùng sản xuất nông nghiệp UDCNC của tỉnh Tây Ninh, tỉnh định hướng phát triển 20 vùng nông nghiệp UDCNC. Trong đó, giai đoạn 2022 – 2025 phát triển 9 vùng (5 vùng trồng trọt với diện tích 2.950 ha, 3 vùng chăn nuôi gà thịt với quy mô 972.000 con/lứa và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.646,1 ha).

Giai đoạn 2026 – 2030 phát triển 11 vùng (8 vùng trồng trọt với diện tích 5.714,7 ha; 2 vùng chăn nuôi bò sữa, lợn thịt với quy mô 50.000 con/năm và 1 vùng hỗn hợp trồng trọt và chăn nuôi với diện tích 1.000 ha).

Kim Sáng