Ngành Ngân hàng nỗ lực hạ nhiệt mặt bằng lãi suất
Sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở một số kỳ hạn và cho biết đang tính toán, cân đối để có thể giảm lãi suất cho vay.
Sau 2 lần giảm lãi suất vào tháng 3 và tháng 4, tuần qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước đã có tới 3 đợt giảm lãi suất điều hành, một động thái quyết liệt trong nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm 0,5%/năm, xuống 5,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm.
Đáng nói, trần lãi suất huy động tiếp tục giảm. các khoản tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tiền gửi tại quỹ tín dụng nhân dân cũng giảm 0,5%/năm.
Như vậy, tổng mức giảm sau 3 lần của NHNN là 0,5 - 1,5%/năm tùy loại.
Ngay sau quyết định của NHNN, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động ở một số kỳ hạn và cho biết đang tính toán, cân đối để có thể giảm lãi suất cho vay.
Lãi suất các khoản tiền gửi từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tại nhiều ngân hàng đã giảm xuống dưới mức trần 5%/năm theo quy định, thấp nhất chỉ còn 4,1%. Các kỳ hạn khác cũng giảm từ 0,1 - 0,5%/năm tùy ngân hàng.
PVcomBank đã điều chỉnh giảm lãi suất 10 lần kể từ đầu năm tới nay. Tổng mức giảm lãi suất là 1,5% với các kỳ hạn chủ yếu là 6, 12, 15 tháng; 13 và 15 tháng là các kỳ hạn có mức lãi suất hợp lý, thu hút được nhiều khách hàng.
Quý IV/2022 và quý I/2023, lãi suất có thời điểm lên rất cao, nhưng sau quyết định của NHNN, lãi suất đang dần hạ nhiệt. Chỉ khi lãi suất trên thị trường hạ xuống, chi phí vốn giảm xuống, các ngân hàng thương mại mới có khả năng điều chỉnh lãi suất cho vay.
Giảm lãi suất tiền gửi là cơ sở quan trọng để giảm lãi suất cho vay, như Agribank vừa dành 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi suất cho vay trung dài hạn cho 2 triệu khách hàng hiện hữu. Từ đầu năm, các ngân hàng cũng thực hiện nhiều đợt hạ lãi suất, cả huy động và cho vay.
Agribank tiếp tục giảm lãi suất lần thứ 8 theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất đầu vào đã giảm tương đối so với năm 2022. Đây là điều kiện để giảm lãi suất cho vay. Thực tế, lãi suất cho vay đã giảm với từng đối tượng, lĩnh vực, có đối tượng đã giảm 4% so với đầu năm, bình quân giảm 1%.
Theo NHNN, lãi suất tiền gửi mới bình quân của các ngân hàng thương mại đã giảm 0,18% so với cuối năm 2022, trong khi lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới giảm khoảng 0,65%.
Mặc dù, một số ngân hàng đã đưa ra các gói cho vay ưu đãi lãi suất, tuy nhiên tính đến cuối tháng 4, tăng trưởng tín dụng mới khoảng 3%, cho thấy nhu cầu vốn còn thấp. Trong khi đó, hạ lãi suất cho vay vốn có độ trễ từ 3 - 6 tháng so với lãi suất huy động. Theo ông Lực, đợt giảm lãi suất lần này chỉ cải thiện được một phần khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp, vì lãi suất cho vay đã và đang giảm nhưng có độ trễ, thông thường từ 3 - 6 tháng.
Chính phủ và NHNN mong muốn đẩy độ trễ đó lên thì độ trễ có thể từ 1 - 3 tháng. Tuy nhiên quan trọng hơn là khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế hiện nay còn rất yếu. Nhiều ngân hàng, tổ chức tín dụng mong muốn cho vay khách hàng tốt nhưng tìm kiếm tương đối khó vì đầu ra, đơn hàng gần như rất ít. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp thu hẹp sản xuất trong thời gian qua dẫn đến nhu cầu vay vốn tương đối thấp. Dù vậy, theo tôi, thị trường sẽ dần phục hồi từ quý III. Đơn hàng xuất hiện thì khả năng hấp thụ vốn, nhu cầu tín dụng sẽ tăng dần lên.