Đi ô tô, mua nhà ở xã hội
Vừa qua, khi chủ đầu tư tổ chức bốc thăm mua 149 căn nhà ở xã hội tại dự án NHS Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, đã có hơn 1.300 người xếp hàng làm thủ tục. Đáng chú ý, dù là dự án nhà ở xã hội dành cho đối tượng người thu nhập thấp, khó khăn về nhà ở, nhưng theo ghi nhận, nhiều người đi ô tô đến bốc thăm mua nhà ở xã hội tại dự án này.
Hiện tượng “đi ô tô, mua nhà ở xã hội” không phải là quá lạ lẫm. Trên thực tế, ở các khu nhà ở xã hội, số người sở hữu ô tô cũng rất nhiều, các hầm gửi xe hầu như không có đủ chỗ cho ô tô.
Nếu chỉ nhìn vào hiện tượng trên, có thể thấy dường như việc mua bán nhà xã hội đang có biểu hiện sai đối tượng. Một số người có thu nhập cao, nhưng bằng cách nào đó “lách luật” để đủ điều kiện nộp hồ sơ. Số khác thì tìm cách mua lại suất từ những người không có nhu cầu ở hoặc không đủ tiền để mua nhà ở xã hội.
Theo quy định, người đủ điều kiện mua nhà ở xã hội phải có thu nhập ở mức không phải nộp thuế thu nhập cá nhân thường xuyên, do mức thu nhập thấp dưới 9 triệu đồng trên tháng. Với mức thu nhập được khống chế như vậy, rất khó để mua, thuê nhà ở xã hội. Theo tính toán, giả sử tổng thu nhập của hai vợ chồng khoảng 18 triệu đồng/tháng, sau khi chi tiêu cho gia đình sẽ không còn lại bao nhiêu, và nếu mua nhà ở xã hội sẽ phải rất vất vả để trả được khoản tiền vay trong vòng 10 năm (không phải trả lãi).
Để sở hữu căn nhỏ nhất (diện tích 69,9 m2) tại dự án NHS Trung Văn, người mua cần bỏ ra khoảng 1,39 tỷ đồng và 1,52 tỷ đồng cho căn lớn nhất diện tích 76,8 m2. Trong khi đó, người thuê sẽ phải bỏ ra hơn 7 triệu đồng/tháng để thuê căn hộ dự án. Những con số này vượt quá khả năng chi trả của người có thu nhập thấp.
Hiện nay, đối tượng mua nhà ở xã hội chủ yếu thuộc ba nhóm: Gia đình chính sách, người lao động tại khu công nghiệp và người thu nhập thấp tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nếu như nhóm đầu tiên và thứ hai, các tiêu chí khá rõ ràng, việc xác định nhóm người mua thứ ba lại gây nhiều tranh cãi bởi đây là nhóm có nhu cầu đông đảo nhất. Việc phải có hàng chục loại giấy tờ xác nhận khiến nhiều người thu nhập thấp thực sự không thể đủ điều kiện mua nhà ở xã hội. Trong khi đó, nhiều người không thuộc nhóm thu nhập thấp hoặc đã có nhà vẫn có suất. Những người có nhu cầu thực gần như không thể mua trực tiếp từ chủ đầu tư, họ chỉ có thể mua lại bằng hình thức ủy quyền, thừa kế để né luật, đương nhiên với giá chênh lệch từ 300-400 triệu đồng.
Nhà ở xã hội là chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho những người thu nhập thấp, những gia đình khó khăn. Nhưng thực tế, theo phản ánh của nhiều bạn đọc, những đối tượng này đa phần không đủ khả năng để mua nhà, cũng như đủ tiêu chí để vay ngân hàng. Thế nên, họ thường sẽ bán suất của mình cho những người đủ khả năng để kiếm một khoản. Những người đó có thu nhập khá hơn, nhưng chưa có nhà, hoặc thậm chí là đã có nhà, nay mua thêm để đầu tư, sau này bán lại kiếm lời. Như vậy, ý nghĩa ban đầu của chính sách đã không thực hiện được.
Một số ý kiến cho rằng, thay vì Nhà nước xây rồi bán nhà ở xã hội, thì nay không bán nữa mà chỉ xây rồi cho thuê với giá ưu đãi. Đây có lẽ là giải pháp thực tế hơn, giúp giảm bớt nạn đầu cơ vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn có thể chảy vào các ngành nghề sản xuất, nghiên cứu phát triển khác.
Để có câu trả lời và giải quyết đúng đối tượng có nhu cầu mua nhà ở xã hội, cần thiết phải có sự can thiệp mạnh mẽ của cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, cần có chế tài xử phạt với những trường hợp không thuộc diện mua nhà ở xã hội nhưng vẫn cố tình mua để trục lợi. Đây là hành vi làm mất cơ hội mua chỗ ở của người thực sự có nhu cầu, gián tiếp ảnh hưởng tới sự phát triển của nền kinh tế.