ĐBQH: Cần có tiêu chí đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri của các địa phương
Chiều 26/5, tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, các ĐBQH đã thảo luận về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Theo đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng), đây là lần đầu tiên Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, điều đó chứng tỏ hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai và minh bạch hơn. Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giám sát đã tiếp tục có những đổi mới, chú trọng hơn vào việc hoàn thiện thể chế, ban hành các Nghị quyết, kết luận, hướng dẫn, cải tiến cách thức hoạt động một số hoạt động giám sát.
Cho rằng, công tác dân nguyện liên quan đến 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng… đại biểu Trịnh Xuân An (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai) đề nghị “cần xác định được nguồn để thực hiện giám sát những kiến nghị của nhân dân và cử tri tại mỗi kỳ họp, qua các đoàn ĐBQH, thông qua tiếp xúc cử tri, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, sẽ đầy đủ, đồng bộ hơn".
Về chất lượng việc trả lời kiến nghị của cử tri, đại biểu Trịnh Xuân An đề nghị “cần phải có kênh thông tin để thấy được cử tri và nhân dân đồng tình với việc giải trình, cung cấp thông tin hay không. Ngoài ra, hiện nay còn một khối lượng lớn kiến nghị đang được tiếp thu, giải quyết, trong đó có kiến nghị chưa có lộ trình giải quyết, cần làm rõ nội dung này. Do đó, cần có tiêu chí để đánh giá việc trả lời kiến nghị cử tri của các địa phương”.
Trước việc trả lời một số Bộ, ngành nhiều khi còn chung chung, “mang tính viện dẫn luật nọ, điều kia mà không hướng dẫn lộ trình giải quyết cụ thể”… đại biểu Nguyễn Tiến Nam (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) kiến nghị, để công tác giải quyết kiến nghị cử tri hiệu quả, thực chất thì đối với những vấn đề mang tính sự vụ cụ thể, hay các kiến nghị tháo gỡ vướng mắc về quy trình, thủ tục mà địa phương đang bế tắc, “trả lời cần có sự hướng dẫn cụ thể, cần có sự rà soát kỹ hồ sơ vụ việc, trả lời chi tiết, để từ đó cử tri các sở, ngành liên quan áp dụng giải quyết được tận gốc…”, đại biểu Nam nói.
Đáng chú ý, đi vào các vụ việc cụ thể, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề cập đến việc cử tri của TP Gia Nghĩa đã nhiều lần kiến nghị di dời đường dây điện 500KV đi cắt ngang giữa TP ra khỏi TP để có thêm không gian phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo mỹ quan và đảm bảo an toàn sức khỏe, tính mạng, sinh hoạt cho người dân.
“Nhiều cử tri phản ánh, khi trời mưa đi qua các nơi đường điện trũng, thấp gần mặt đường, nhiều người bị điện giật ở cấp độ khác nhau, nhất là khi đi xe máy”, ông Dương Khắc Mai cho biết.
Đại biểu đoàn Đắk Nông cũng cho hay, kiến nghị này đã được Ban Dân nguyện báo cáo Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp 3. Do đó, ông tiếp tục kiến nghị các cơ quan chức năng sớm di chuyển đường dây điện 500KV ra khỏi TP Gia Nghĩa.
Ngoài ra, theo ý kiến nhiều đại biểu tại phiên họp, trước đây đã có đề án thành lập Ủy ban Dân nguyện. Hiện nay Ban Dân nguyện thực hiện khối lượng công việc rất lớn, quan trọng, tác động trực tiếp tới người dân, cử tri, tới hệ thống chính trị; mong muốn Ban Dân nguyện sẽ có một vị thế thực sự phù hợp thực hiện nhiệm vụ được giao.