Xây dựng sân bay Long Thành: “Phải xây đúng thời điểm mới hiệu quả”
Đời sống - Ngày đăng : 05:00, 04/11/2014
Chưa đủ điều kiện thành lập sân bay Long Thành
Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Dự án xây sân bay Long Thành) là vấn đề "nóng” được đưa ra bàn luận trong kỳ họp Quốc hội đang diễn ra. Phóng viên báo điện tử Công lý đã có cuộc trò chuyện với Tiến sỹ Lê Duy Hiếu, Viện kinh tế Việt Nam xoay quanh tính hiệu quả của dự án này.
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu, Viện kinh tế Việt Nam
- Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng trình trước Quốc hội chủ trương xây dựng sân bay Long Thành với tổng đầu tư 17,8 tỉ USD kéo dài với 3 giai đoạn. Là một chuyên gia kinh tế, ông có bình luận gì?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Khi xây dựng sân bay với tư cách là một trạm trung chuyển phải đảm bảo các điều kiện nhất định. Trên thế giới đã xác nhận, muốn xây dựng được một sân bay cần phải có 2 điều kiện bắt buộc:
Thứ nhất, sân bay phải đảm bảo có khả năng cạnh tranh với những vùng lân cận và những nước trong khu vực.
Thứ hai, phải có một lượng hành khách tối thiểu, chứ không phải xây sân bay, không có khách mà nói là trung chuyển của thế giới thì không có giá trị.
Xét về góc độ kinh tế, đã là một dự án với nguồn vốn 17,8 tỉ USD dù nguồn vốn có thể huy động được nhưng dự án không hiệu quả. Bởi:
Thời điểm thành lập sân bay chưa hợp lý. Tại thời điểm này, Việt Nam đang cần rất nhiều vốn để đầu tư hàng loạt các lĩnh vực có hiệu quả hơn.
Ví dụ, đường sắt Bắc-Nam vận chuyển có hiệu quả nhất nhưng đến nay vẫn là một đường sắt tương đối cổ lỗ. Nếu như đầu tư có hiệu quả phải nghĩ ngay đến tuyến đường sắt Bắc-Nam vì vận tải đường sắt hiệu quả hơn rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được hiện đại hóa, rất lạc hậu.
Chúng ta cũng đang cần rất nhiều nguồn vốn để phát triển công nghệ cao. Nếu tính trên góc độ để phân bổ các nguồn lực có hiệu quả, đầu tư 17,8 tỉ USD vào sân bay Long Thành là một sự phân bổ không hợp lý..
- Theo ông, các tính toán của Bộ GTVT đưa ra trong chiến lược xây sân bay Long Thành từng giai đoạn như vậy có hợp lý không?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Đối với một sân bay của thế giới, khi xây dựng người ta phải tính đến hiệu quả huy động vốn. Nếu tính nguyên vốn vay theo các giai đoạn như dự án của Bộ trưởng Đinh La Thăng xác định thì hiệu quả sử dụng vốn là thấp.
Thứ nhất khả năng thu hồi vốn kém, thời gian thu hồi vốn dài so với các nước khác. Không nước nào xây sân bay kéo dài dằng dặc nhiều năm như vậy sẽ không hiệu quả về mọi mặt.
Thứ hai, nợ công hiện nay của chúng ta đã vượt ngưỡng, nếu tiếp tục đầu tư dẫn đến tình trạng áp lực làm tăng nợ công, gia tăng nợ xấu, tạo nên gánh nặng, sức ép về mặt tài chính, mất cân đối về tài chính.
Phải thừa nhận sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, nhưng ở Việt Nam, phần lớn mọi cái đều quá tải, không riêng gì sân bay Tân Sơn Nhất, ngay cả sân bay Nội Bài cũng quá tải. Nếu nói quả tải như một phương cách để buộc phải có sân bay Long Thành là không thuyết phục. Bởi, người ta có thể tính phương án hiệu quả hơn là mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, hoặc những sân bay lân cận chứ không nhất thiết phải xây sân bay Long Thành.
Hơn nữa, nếu nói lượng khách của năm 2020 sẽ tăng vọt như báo cáo là không có căn cứ, không có sức thuyết phục.
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu cho rằng, xây xân bay Long Thành là cần thiết nhưng phải đúng thời điểm
Không có khả năng cạnh tranh
- Với diện tích của sân bay Long Thành rộng 5000ha, sẽ có khoảng hơn 4000 hộ dân bị ảnh hưởng. Điều này có đáng lo ngại?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại, xét cả về điều kiện và tính khả thi của dự án, những tồn tại và thách thức cần giải quyết.
Chưa nói đến việc phải di chuyển hơn 4000 hộ dân, một lượng đất đai khai thác khoảng 5000 ha để xây sân bay Long Thành dẫn đến tình trạng đất đai đang được sử dụng tạo ra của cải vật chất nhưng khi xây sân bay phải mất một thời gian dài không có thu là thách thức lớn.
Việc di chuyển hơn 4000 dân không phải là đơn giản. Chúng ta có nhiều dự án giãn dân, việc di chuyển một vài trăm hộ đã rất khó khăn như Thủy điện Sơn La di chuyển 2000 dân rất khổ sở vất vả, mất bao nhiêu năm vẫn chưa ổn định. Chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người lao động.
Ngoài ra, một điều cần phải tính toán, nguồn vốn vay ở đâu?. Việt Nam chắc chắn chưa có đủ nguồn vốn. Liệu nước ngoài có thể đáp ứng nguồn vay dự án này không?
- Nhiều ý kiến Đại biểu Quốc hội cho rằng Việt Nam cần thiết phải xây sân bay Long Thành?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Nói xây sân bay Long Thành là cần thiết nhưng cho đến thời điểm này, chúng ta vẫn chưa đưa ra được minh chứng thuyết phục ngoài chuyện quá tải sân bay Tân Sơn Nhất.
Xưa nay, có rất nhiều chuyện nói là cần thiết nhưng lập luận của chúng ta không dựa trên một cơ sở vững chắc. Lập luận cần thiết để xây sân bay Long Thành phải tính đến điều kiện cần và đủ. Ngoài ra, còn phải xét đến tính khả thi và tính hiệu quả kinh tế của dự án.
- Theo Bộ GTVT, việc xây dựng sân bay Long Thành sẽ giúp hình thành và phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam. Ông có đánh giá như thế nào?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Nói rằng xây dựng sân bay Long Thành trở thành một trạm trung chuyển và nằm trong chiến lược phát triển của ngành hàng không Việt Nam là một ham muốn.
Như tôi đã nói, việc xây sân bay Long Thành cần xét điều kiện hiệu quả kinh tế, tính khả thi. Trong bối cảnh nợ công đang gia tăng, nguồn ngân sách nhà nước khó khăn, việc xây dựng sân bay Long Thành cần phải suy xét kỹ.
-Tức là không cần thiết phải xây sân bay Long Thành?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Việc xây sân bay Long thành là cần thiết nhưng phải xây đúng thời điểm mới mang lại hiểu quả. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta đang thiếu điều kiện về hiệu quả kinh tế và tính khả thi thấp. Thời điểm này chưa đáp ứng được vì không thể cạnh tranh với thế giới và các nước trong khu vực.
- Việc xây sân bay Long Thành có làm thay đổi sự phát triển ngành hàng không?
Tiến sỹ Lê Duy Hiếu: Giả định xây dựng sân bay Long Thành nhằm phát triển một cảng hàng không quốc tế trung chuyển có quy mô trong khu vực nhưng trên thực tế tồn tại bất cập là lượng khách có đảm bảo hay không? Trong khi phải đầu tư một lượng vốn rất lớn giữa một cơ sở đã được tạo ra và một thực tế cần có để vận hành.
Nếu là trạm trung chuyển nhưng không có khách thì không thể gọi là trung chuyển. Muốn tạo nên sự chuyển biến lớn, việc quan trọng phải phù hợp và có hiệu quả, nhưng sân bay Long Thành chỉ mang tác động ngược nhiều hơn.
Nếu có một sân bay Long Thành hiện đại, đó như là một khoảng chờ, tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển, nhưng phải đợi thời điểm, nếu xây sẵn phải đợi thời gian. Việc duy tu bảo dưỡng vận hành không thể nói là không tốn kém, nếu trong lúc không có khách sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành hàng không.
Đề án xây dựng sân bay Long Thành tạo điều kiện cho ngành hàng không phát triển nhưng cần đúng thời điểm
-Có chuyên gia cho rằng, chi phí xây sân bay Long Thành lá quá đắt?
Về mặt kỹ thuật chưa thế nói là đắt hay rẻ, nhưng so với thế giới, nguồn vốn ban đầu như vậy là cao hơn tiêu chuẩn của thế giới. Tuy nhiên, đây chưa phải là vấn đề quan trọng.
Cái chính của sân bay Long Thành là nó ra đời chưa đúng thời điểm và chưa có hiệu quả. Trong khi nguồn vốn rất cần thiết để đầu tư vào lĩnh vực khác có hiệu quả. Trước mắt, cần phải có một ngành đường sắt hiện đại thì lại chưa làm được. Đây là ngành đầu tiên mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất và vận chuyển mạnh nhất.
Xin cám ơn Tiến sỹ.
Box: Sân bay quốc tế Long Thành là một dự án xây dựng một sân bay tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai ở miền Nam Việt Nam, cách Thành phố Hồ Chí Minh khoảng 40km về hướng Đông Bắc. Theo tìm hiểu, dự án này được dự kiến khánh thành vào trước năm 2020, chia thành 3 giai đoạn với tổng mức đầu tư là 18/7 tỉ USD. Trong đó, giai đoạn 1: (đến năm 2025) là 7/8 tỉ USD (bao gồm 21.849 tỉ đồng vốn từ ngân sách nhà nước; 47.859 tỉ đồng vốn ODA, đáp ứng 25 triệu khách/năm và 1,2 tấn hàng hóa/năm) Giai đoạn 2: (đến năm 2030) hơn 3,8 tỉ USD với 50 triệu khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm. Giai đoạn 3: (sau năm 2030) hơn 7 tỉ USD với 100 triệu khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm Đây được coi là sân bay lớn nhất Việt Nam trong tương lai. |