Điều gì sẽ xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Theo nhiều dự báo, Mỹ chỉ còn vài ngày nữa là có khả năng vỡ nợ, một kết quả thảm khốc và sẽ tàn phá người tiêu dùng cũng như nền kinh tế nước này. Nếu xảy ra, nó sẽ gây ra làn sóng xung kích trên toàn bộ hệ thống tài chính toàn cầu. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden và lãnh đạo Hạ viện Cộng hòa Kevin McCarthy vẫn chưa thống nhất được trong vấn đề nâng trần nợ.
Trần nợ là gì?
Trần nợ hay còn được gọi là giới hạn nợ, là tổng số nợ mà Bộ Tài chính có thể vay để đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình. Trong số các nghĩa vụ đó có các khoản thanh toán an sinh xã hội, lãi suất nợ quốc gia, hoàn thuế, trả lương cho quân đội,…
Mỹ đã đạt giới hạn nợ hiện tại là 31 nghìn tỷ đô la vào tháng Giêng. Bộ Tài chính vào thời điểm đó tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp đặc biệt để thực hiện nghĩa vụ của Chính phủ.
Việc nâng trần nợ không cho phép chi tiêu mới, mà cho phép Mỹ chi tiêu cho các chương trình đã được các chính quyền và phiên họp trước của Quốc hội thông qua.
Ngày “vỡ nợ” là ngày Mỹ sẽ không thể thực hiện nghĩa vụ tài chính của mình.
Bà Janet Louise Yellen, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, người trước đây từng nói "không thể dự đoán chắc chắn" ngày chính xác điều đó sẽ xảy ra, đã đưa ra "thời hạn chót" cho Nhà Trắng và Quốc hội là ngày 1/6 để nâng mức trần.
Bà cho biết "tỷ lệ đến ngày 15/6 vẫn có thể thanh toán tất cả các hóa đơn của chúng tôi là khá thấp".
Điều gì xảy ra nếu Mỹ vỡ nợ?
Chính phủ Mỹ sẽ không thể thanh toán lương cho các thành viên của quân đội hoặc những người sống dựa vào lương hưu hay trợ cấp xã hội. Lãi suất sẽ tăng cao, dẫn đến các khoản thanh toán thế chấp, vay mua ô tô và thẻ tín dụng tăng lên.
Nó gần như chắc chắn sẽ đẩy Mỹ vào suy thoái, với tỷ lệ thất nghiệp cao. Ngay cả trong ngắn hạn, một vụ vỡ nợ sẽ chấm dứt 1/10 hoạt động kinh tế của Mỹ và khiến 2 triệu người mất việc làm, các phân tích riêng biệt từ chương trình của Goldman Sachs và Moody's cho biết.
Các nhà kinh tế của Nhà Trắng ước tính rằng một vụ vỡ nợ sẽ xóa sổ 8 triệu vị trí công việc và thị trường chứng khoán sẽ lao dốc 45%. Xếp hạng tín dụng của Mỹ rất có thể cũng sẽ bị hạ bậc.
Nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu Mỹ vỡ nợ. 60% dự trữ ngoại tệ của thế giới là bằng đô la Mỹ, và việc vỡ nợ sẽ làm suy yếu nghiêm trọng tình trạng của đồng đô la khi các nhà đầu tư mất niềm tin vào chứng khoán kho bạc.
Với việc đồng đô la Mỹ bị suy yếu trong kịch bản này, nó sẽ mở ra cơ hội cho một loại tiền tệ khác thách thức nó với tư cách là nguồn dự trữ của thế giới.
Hơn nữa, nếu đồng tiền của quốc gia yếu đi, nó sẽ khiến các khoản thanh toán trở nên đắt đỏ hơn đối với các quốc gia có thu nhập thấp đang phải vật lộn với nợ nần.
Bên cạnh đó, giao dịch toàn cầu cũng sẽ suy giảm trong trường hợp suy thoái kinh tế xảy ra khi người tiêu dùng tìm cách hạn chế số lượng hàng hóa họ mua, gây tổn hại cho các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết: "Việc vỡ nợ có thể gây ra khó khăn trên diện rộng khi người Mỹ mất thu nhập mà họ cần phải có. Cú sốc thu nhập này có thể dẫn đến suy thoái kinh tế, phá hủy nhiều công việc và doanh nghiệp của Mỹ".
Các nền kinh tế mong manh cũng sẽ có nguy cơ rơi vào suy thoái.