Hà Giang: Nắng nóng kéo dài ảnh hưởng đến hoa màu và đời sống người dân
Từ đầu tháng 3 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang xuất hiện nhiều đợt nắng nóng, khô hạn kéo dài, nhiệt độ trung bình cao, có thời điểm nhiệt độ lên đến 42 độ C, gây ảnh hưởng đến nhiều diện tích cây trồng và đời sống sinh hoạt người dân.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đồng Văn, do nắng nóng, khô hạn kéo dài, khoảng hơn 234 ha cây ngô đang trong giai đoạn ra từ 5-12 lá, 0,1 ha mạ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy chưa có diện tích ngô bị chết hoàn toàn do khô hạn, tuy nhiên nếu tiếp tục kéo dài, một số diện tích có thể bị chết và sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất, sản lượng sau này. Bên cạnh đó, cây rau các loại sinh trưởng kém, còi, vàng lá. 4,5 ha cây hoa Hướng dương tại 6 xã, thị trấn đều bị ảnh hưởng, cây sinh trưởng kém, còi cọc. Đối với vật nuôi, đặc biệt là gia súc thiếu nguồn thức ăn xanh do khô hạn, cây cỏ phát triển chậm.
Để tạm thời ứng phó với thời tiết khắc nghiệt, cực đoan, Phòng Nông nghiệp và PTNT đã cử cán bộ đến các xã cùng cán bộ khuyến nông kiểm tra tình hình khô hạn thực tế của cây trồng; ở những nơi có điều kiện, hướng dẫn bà con dùng máy bơm phun để hạn chế khô hạn, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả. Chỉ đạo các xã, thị trấn theo dõi thường xuyên diện tích ngô không thể tiếp tục sinh trưởng tiến hành trồng thay thế rau, màu đảm bảo các diện tích không bị bỏ trống.
Bên cạnh đó, hướng dẫn, hỗ trợ người dân cung cấp thức ăn, nước uống cho vật nuôi, không để vật nuôi bị đói, khát nước, bổ sung chất khoáng đảm bảo sinh trưởng và phát triển. Tích cực vận động nhân dân nạo vét kênh mương, khe lạch, khơi thông dòng chảy, quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ thất thoát nước; sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; chuẩn bị các phương tiện lấy nước để chủ động tưới…
Theo ghi nhận, mặc dù đã có 1 đến 2 cơn mưa nhưng với lượng mưa nhỏ nên chưa đủ để tích trữ tại các bể chứa nước hoặc các hồ treo. Khô hạn kéo dài không chỉ ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất của người dân. Thiếu nước, cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng vô cùng khó khăn.
Anh Ly Mí Hờ, thôn Má Tìa, thị trấn Đồng Văn, chia sẻ: Nhiều tháng nay, do khô hạn kéo dài, dẫn đến tình trạng thiếu nước sinh hoạt. Tôi và các hộ dân trong thôn phải đi chở từng can nước từ thị trấn Đồng Văn, cách 6 km vào để sử dụng cho người và chăn nuôi gia súc. Đường đi trong thôn lại vô cùng khó khăn nên mỗi chuyến cũng chỉ chở được 2 can với 40 lít nước, vì thế việc sử dụng nước phải tiết kiệm. Chưa khi nào người dân chúng tôi mong chờ một cơn mưa rào như bây giờ.
Huyện Đồng Văn có 128 công trình cấp nước sinh hoạt, phục vụ cho trên 64.000 người. Trong đó cấp nước bằng công nghệ hồ treo có 44 công trình tại 18 xã, thị trấn, với tổng dung tích trên 201.000 m3. Số công trình thủy lợi là 47 công trình/12 xã, thị trấn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các hồ treo đều khô cạn nước.
Tại huyện Xín Mần, tổng diện tích cây trồng bị hạn hán là hơn 1.803 ha thuộc 4.871 hộ trên địa bàn 14 xã, thị trấn, trong đó thiệt hại từ 30 – 70% là 1.096 ha, thiệt hại trên 70% là hơn 706 ha. Cụ thể: Cây lúa: 239 ha (thiệt hại 30 - 70% là 218 ha, thiệt hại 70% trở lên là 20 ha); cây ngô 1.072 ha (thiệt hại 30 - 70% là 583 ha, thiệt hại 70% trở lên là 489 ha); đậu tương 385 ha (thiệt hại 30 - 70% là 232 ha, thiệt hại 70% trở lên là 152 ha); cây lạc 105 ha (thiệt hại 30 - 70% là 62 ha, thiệt hại 70% trở lên là 43 ha); cây quế có 3 ha bị thiệt hại trên 70%.
Trước tình hình nắng nóng kéo dài gây nhiều thiệt hại cho người dân, UBND huyện Xín Mần đề nghị UBND các xã, thị trấn hướng dẫn người dân thu gom những diện tích ngô đã thiệt hại có bắp nhưng không có hạt làm thức ăn chăn nuôi, ủ chua làm thức ăn cho vụ đông. Tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết trong thời gian tới, đồng thời chỉ đạo cán bộ khuyến nông các xã, thị trấn theo dõi bám sát đồng ruộng, có báo cáo kịp thời về tình hình thiệt hại do thiên tai gây ra…
Theo đánh giá của ngành chuyên môn, mặc dù trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh đã lác đác xuất hiện mưa dông, nhưng do lượng mưa nhỏ và thời gian mưa ngắn nên chưa thể giúp các loại cây trồng hồi phục. Vì vậy, nhiều diện tích cây trồng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị giảm năng suất. Một số diện tích có nguy cơ mất trắng nếu như tình hình thời tiết không được cải thiện.