Huyết áp tăng cao liên tục do khối u hiếm
Bé trai 14 tuổi bị huyết áp cao liên tục, khám nhiều nơi nhưng bệnh không thuyên giảm, cho đến một lần bị tai nạn giao thông mới phát hiện mắc u tuyến thượng thận.
Bé N.Q.Đ. (14 tuổi, trú tỉnh Nam Định) được phát hiện tăng huyết áp khi khám sức khỏe định kỳ ở trường. Sau đó, gia đình có đưa Đ. đi kiểm tra tại bệnh viện địa phương và được chẩn đoán viêm cầu thận. Bác sĩ cho thuốc về điều trị ngoại trú.
Tuy nhiên, 10 ngày sử dụng thuốc tình trạng của Đ. vẫn không thuyên giảm. Một tuần sau, Đ. gặp tai nạn giao thông vào viện kiểm tra và được bác sĩ phát hiện khối u ở tuyến thượng thận hai bên kích thước khá lớn 6x7cm.
Đến ngày 4/5, Đ. được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Tại đây, em được thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu, siêu âm, chụp X-quang để xác định chính xác chẩn đoán về khối u.
PGS.TS Vũ Chí Dũng - Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, u tuyến thượng thận là một loại khối u hiếm gặp, ước tính chiếm khoảng 0,2 - 0,4% trong 100.000 người mỗi năm, đối với trẻ em còn hiếm hơn nữa, chỉ chiếm 10% trong tổng số u thượng thận phát hiện được. Khối u cả hai bên lại càng cực kì hiếm hơn nữa, chỉ 10% của số trẻ em mắc bệnh.
"Mỗi năm, tại Bệnh viện Nhi Trung ương có khoảng 1 - 2 bệnh nhi điều trị về u tuyến thượng thận và bé N.Q.Đ. này là ca đầu tiên chúng tôi gặp u tuyến thượng thận hai bên trong 20 năm trở lại đây", PGS Dũng nói.
PGS Vũ Chí Dũng cũng chia sẻ thêm, mặc dù rất bé, nhưng tuyến thượng thận lại đóng vai trò rất quan trọng. Nếu bệnh này chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, trẻ có thể khỏi và có chất lượng cuộc sống bình thường; nhưng nếu chẩn đoán và điều trị muộn người bệnh có thể tử vong.
Xác định rõ đây là ca bệnh hiếm gặp và quá trình điều trị có thể gặp nhiều diễn biến phức tạp, PGS.TS Phạm Duy Hiền - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương đã chủ trì cuộc hội chẩn gồm nhiều chuyên khoa Nội tiết, Ngoại khoa, Can thiệp tim mạch, Hồi sức tim mạch, Gây mê hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Giải phẫu bệnh để tìm giải pháp tối ưu nhất đảm bảo phẫu thuật an toàn cho trẻ.
Một tháng trước phẫu thuật, bé Đ. đã được các bác sĩ điều trị để đưa huyết áp về bình thường nhằm hạn chế những biến động nguy hiểm về tăng huyết áp trong phẫu thuật. Ngoài ra, các bác sĩ phải thực hiện nút tắt tĩnh mạch dẫn lưu khối u và động mạch nuôi dưỡng u bên trái và bên phải, nhằm giảm bài tiết catecholamin trực tiếp vào máu và giảm nguy cơ chảy máu ồ ạt trong quá trình phẫu thuật.
Bệnh nhi được phẫu thuật nội soi nhằm giảm tối đa tổn thương, cắt hoàn toàn 2 khối u tuyến thượng thận, song song với đó, cố gắng giữ lại một phần tuyến thượng thận bên phải. Trong khi mổ, các bác sĩ luôn hết sức thận trọng và tỉ mỉ từng thao tác, vì việc chạm vào khối u, rất dễ gây ra cơn tăng huyết áp kịch phát dẫn tới xuất huyết não, suy tim cấp, nhồi máu cơ tim.
Sau gần 5 giờ, ca phẫu thuật cắt bỏ khối u đã thành công, an toàn tuyệt đối.
Sau mổ, tình trạng của Đ. đã ổn định, hiện bệnh nhi đã tự thở, tỉnh táo, huyết áp trở về bình thường và mọi chỉ số đều tốt. Hiện Đ. đang được chăm sóc đặc biệt để kiểm soát các yếu tố nguy cơ.