Nguyễn Thị Oanh: Từ cô gái từng bị teo cơ đến “nữ hoàng điền kinh” SEA Games
Ngưỡng mộ “quả ngọt” trong sự nghiệp của Nguyễn Thị Oanh nhưng ít ai biết rằng cô đã trải qua vô vàn những khó khăn từ ngoại hình, bệnh tật. Vượt qua tất cả, Oanh đã thành công, tạo kỳ tích chưa từng có tại SEA Games 32. Với thành tích xuất sắc, Nguyễn Thị Oanh đã được trao Huân chương Lao động Hạng Nhì. Sau bản lĩnh trên đường chạy, Oanh cũng đã chia sẻ bản lĩnh vượt những “chướng ngại vật” trong đời thực tại buổi giao lưu với Báo Công lý.
PV: Hành trình tại SEA Games 32 đã kết thúc hơn 1 tuần, nhưng những tấm HCV của Nguyễn Thị Oanh vẫn mang lại rất nhiều cảm xúc. Oanh có thể chia sẻ những cảm nghĩ của bạn về thành tích của mình?
Nguyễn Thị Oanh: Thành tích của em tại kỳ SEA Games 32 vừa qua, bên cạnh nỗ lực cố gắng của VĐV thì còn là sự quan tâm sát sao của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương, của các thầy cô và ban huấn luyện. Sự dõi theo của gia đình, bạn bè và đặc biệt là sự cổ vũ của người hâm mộ. Đó là thứ em luôn trân trọng và đã tiếp cho em nguồn sức mạnh rất to lớn để em hoàn thành nhiệm vụ. Từ việc kiên cường, bản lĩnh trong quá trình chuẩn bị, tập luyện cho đến khi thi đấu tại SEA Games 32.
PV: Vào năm 2017, Oanh đã thành công khi mang về 2 tấm HCV. Liên tiếp những kỳ Đại hội thể thao Đông Nam Á sau, bạn đều giành HCV và phá kỷ lục. Nhưng đến SEA Games 32, cái tên Nguyễn Thị Oanh mới bùng nổ trên truyền thông. Bạn có bị bất ngờ và điều gì đã làm nên sự khác biệt với những kỳ SEA Games trước?
Nguyễn Thị Oanh: Trải qua rất nhiều giải đấu, em đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo người hâm mộ. Nhưng đặc biệt đến kỳ SEA Games 32, em cũng bất ngờ về sự bùng nổ này. Tuy nhiên, không chỉ riêng mình em mà các VĐV ở các bộ môn khác cũng nhận được nhiều chú ý từ cổ động viên cả nước. Em nghĩ đó là nguồn động lực, cổ vũ tinh thần rất lớn cho em cũng như các VĐV khác trong quá trình thi đấu để luôn vượt lên chính mình và đạt thành tích tốt nhất.
Đây cũng là kỳ SEA Games mà em lo lắng nhất vì có rất nhiều cái đầu tiên: Lần đầu tiên em đăng ký thi ở cả 4 nội dung, lần đầu tiên phải thi hai nội dung quá sát giờ nhau và lần đầu tiên em đăng ký thi 10.000m. Chính sự quan tâm, động viên của lãnh đội và huấn luyện viên là yếu tố rất quan trọng giúp em mạnh mẽ vượt qua và đạt thành tích cao như vậy ạ.
Bản thân em cũng nhận thấy, đây là kết quả của sự cố gắng, nỗ lực, kiên trì với mục tiêu của mình thì “quả ngọt” sẽ đến. Mình sẽ không bao giờ bị cô đơn. Hãy luôn tự tin, bản lĩnh, bước đi vững chắc trên con đường phía trước.
PV: Việc phải thi liên tiếp 2 nội dung 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật đã gây khó khăn cho bạn như thế nào?
Nguyễn Thị Oanh: Khi biết lịch thi đấu từ Ban tổ chức SEA Games 32, em và Ban huấn luyện đã rất bất ngờ và cuộc họp bàn chiến thuật được diễn ra ngay trong buổi sáng ngày thi đấu. Việc khiếu nại hay than phiền trở nên vô nghĩa vì giờ thi đấu đã gần kề. Thầy của em - HLV Trần Văn Sỹ động viên đã tham dự SEA Games là phải chấp nhận luật chơi của nước chủ nhà. Cách duy nhất lúc này là tìm ra đối sách phù hợp đảm bảo chiến thắng ở cả 2 nội dung.
Rất khó khăn, thử thách khi hai nội dung thi cần nhiều sức mạnh, thể lực. Đặc biệt ở nội dung thứ 2 không chỉ phải đối mặt với việc chạy trên đường trường mà còn cần kỹ thuật để vượt qua chướng bao gồm cả hồ nước.
Sau khi bàn bạc, em được thầy và lãnh đội yêu cầu bứt tốc ngay từ đầu và thả lỏng cơ thể khi tạo ra khoảng cách an toàn với các VĐV còn lại ở nội dung thi 1.500m. Để từ đó sẽ giữ sức cho nội dung tiếp theo. Em đã cố gắng thực hiện đúng chiến thuật này. Sau 800m, em bứt lên dẫn dầu. Sau 1200m, có thể bỏ xa các đối thủ khoảng 100m và không cần chạy nước rút về đích. Nhờ vậy, chỉ với hơn 10 phút chuẩn bị, báo danh và chỉ kịp thời xoa bóp nhẹ, em đã tiếp tục vô địch nội dung 3.000m vượt chướng ngại vật.
PV: Khán giả muốn nghe chia sẻ của Nguyễn Thị Oanh về những hình ảnh đẹp của bạn cùng một VĐV người Indonesia trên đường đua, khi cả hai đang là đối thủ của nhau.
Nguyễn Thị Oanh: Đây là lần đầu em tham gia thi đấu ở nội dung 10.000m do vậy sự đánh giá về đối thủ vẫn chưa có nhiều. Khi bước vào đường đua, em xác định phải quyết tâm giành chiến thắng mang lại vinh quang cho Tổ quốc. Ngoài đời, chúng ta có thể là chị em, đồng đội, người bạn đến từ nhiều quốc gia. Nhưng khi thi đấu, tất cả đều là đối thủ, cạnh tranh sòng phẳng.
Như mọi người đã xem thì việc thi đấu 10.000m với các VĐV nữ là thử thách rất khó khăn. Vì chúng em phải chạy 25 vòng sân dưới thời tiết nắng nóng, oi bức nên cần phải có chiến thuật tỉnh táo, hợp lý trong quá trình thi đấu. Bên cạnh đó, các VĐV đều hỗ trợ nhau như tách đường cho mọi người lấy nước để có thể hoàn thành phần thi của mình. Khi đã về đích, tinh thần thể thao là sự đoàn kết, giao lưu, hữu nghị nên em nghĩ những hành động giúp đỡ nhau lúc đó là cần thiết. Mỗi một dịp thi đấu là một dịp em có thể kết giao với nhiều bạn bè mới để cùng nhau chia sẻ về kinh nghiệm rèn luyện và trong thi đấu.
PV: Giữ vững phong độ trong 4 kỳ SEA Games liên tiếp là điều không phải ai cũng làm được, đặc biệt là với VĐV nữ. Nguyễn Thị Oanh có thể chia sẻ về những bí quyết giúp bạn duy trì được thành tích trong tập luyện và khi đấu?
Nguyễn Thị Oanh: Sự nhiệt huyết, đam mê là điều giúp em vững vàng trên con đường mình đã chọn. Em luôn đặt cho mình những mục tiêu ngắn và dài hạn và lên kế hoạch cụ thể để thực hiện. Quan trọng là mục tiêu của ngày hôm sau sẽ từng bước lớn hơn những ngày trước đó. Giống như bản thân em sẽ luôn cố gắng để trở thành phiên bản tốt nhất qua từng ngày. Những thành tích sẽ là đòn bẩy giúp em chinh phục những mục tiêu cao hơn. Đặc biệt khi khoảng cách của điền kinh Đông Nam Á với các giải ở châu Á còn khá xa.
PV: Nhắc đến VĐV thường là những người có thân hình cao lớn, vạm vỡ. Nhưng với cô gái “bé nhỏ hạt tiêu”, Oanh có gặp những trở ngại gì trong hành trình thực hiện ước mơ làm VĐV điền kinh của mình hay không?
Nguyễn Thị Oanh: Đến với thể thao, thể hình hạn chế cũng là một khó khăn rất lớn. Khi tuyển chọn, em đã bị chê là không đủ tiêu chuẩn làm VĐV. Nhưng nhờ sự bảo vệ của thầy cô, ban huấn luyện viên, bằng sự cố gắng quyết tâm của bản thân. Em đã cố gắng tập luyện và chứng minh dù không có tố chất vẫn có thể trở thành VĐV bằng những điểm mạnh của bản thân.
PV: Người hâm mộ được biết bạn đã từng phải nghỉ một thời gian dài để chữa bệnh và cũng có ý định bỏ nghề. Oanh có thể chia sẻ một chút về thời gian đó không?
Nguyễn Thị Oanh: Cuối năm 2014, sau khi kết thúc Đại hội Thể thao toàn quốc, cơ thể em xuất hiện các triệu chứng phù đột ngột. Đi khám, bác sĩ nói em bị viêm cầu thận cấp phải nghỉ tập luyện thể thao để điều trị. Lúc ấy em bị sốc, em còn trẻ đang có đà phát triển, thành tích mới bắt đầu cải thiện chút ít thì cánh cửa tương lai đóng sập lại.
Em học ở trường đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, một buổi đi học văn hóa, buổi kia dành tập luyện. Ở sân vận động các bạn tập luyện còn em ra đó đi bộ. Nhìn các bạn tập luyện em thèm chạy lắm. Lúc đấy có người nói căn bệnh ấy không chữa được, em sẽ phải điều trị suốt đời. Em rơi vào trầm cảm, không muốn nói chuyện với ai.
Khi uống thuốc điều trị theo chỉ định của bác sĩ em gặp thêm triệu chứng bị teo cơ chân, cơ tay. Người em lúc ấy rất yếu, cơ thể cảm giác không còn chút sức lực, sinh khí nào. Điều ấy rất khủng khiếp với một vận động viên.
Bố mẹ, thầy cô, bạn bè xúm lại động viên em hãy cứ tập trung điều trị bệnh rồi tương lai như thế nào từ từ sẽ tính tiếp. Em tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ: uống thuốc tây, kiêng khem các loại thực phẩm không phù hợp và đi tái khám thường xuyên.
Cho đến một ngày, khoảng giữa năm 2015 kể từ khi mắc bệnh, bác sĩ báo một tin vui là việc điều trị tiến triển tốt, bệnh tình thuyên giảm, em sẽ khỏi, sẽ được tập luyện thể thao lại bình thường. Lúc ấy, em có cảm giác vỡ òa ra vì sung sướng.
Nhưng sau đó em không vận động mạnh được, cứ chạy được một chút xíu thì bị mệt. Cố gắng chạy được 1-2 vòng sân vận động thì toàn thân đau nhức rã rời. Em không biết mình sẽ quay trở lại với thể thao như thế nào, tự hỏi liệu mình có thể quay trở lại tập luyện như cũ được nữa hay không? Hay thật sự mình không có duyên với nghề.
Sau đó không biết có sức mạnh phi thường nào đó giúp em quay trở lại. Ban đầu là cố gắng chỉ được vài trăm mét rồi dần dần nhích được lên một cây số, hai cây số, bốn cây số, sáu cây số, tám cây, lên được mười cây. Em từ chạy chậm từ từ rồi đến chạy nhanh dần. Tuy chưa đạt được phong độ cũ nhưng em cảm nhận cơ bắp của mình đã có sức mạnh trở lại nên gặp các huấn luyện viên xin giáo án tập luyện bài bản.
PV: Với thành tích đang ở đỉnh cao của Đông Nam Á, mục tiêu tiếp theo của Oanh là gì? Bạn có nhắn nhủ gì với những người đang tập luyện với hy vọng sẽ đạt được thành tích ấn tượng như Oanh trong tương lai?
Nguyễn Thị Oanh: Thành tích của em không chỉ là sự cố gắng mà còn là công sức của rất nhiều người. Đó sẽ là những đòn bẩy giúp em tiến về phía trước mạnh mẽ hơn. Gần nhất sẽ là một kỳ Asiad tại Hàng Châu, Trung Quốc. Em sẽ phấn đấu để có thể đổi màu huy chương tại giải đấu này. Đó là một nhiệm vụ rất khó khăn khi khoảng cách của các VĐV châu Á với VĐV Đông Nam Á quá xa. Nhưng với sự quyết tâm mạnh mẽ hy vọng em sẽ tiếp tục mang vinh quang về cho Tổ quốc. Mục tiêu xa hơn gồm có những giải Vô địch châu Á, vô địch thế giới em mong muốn qua mỗi giải đấu, bản thân sẽ được học hỏi kinh nghiệm để hoàn thiện chính mình.
Mỗi hành trình chúng ta đi qua đều không trải sẵn hoa hồng mà còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Nên việc kiên trì, mạnh mẽ để quyết tâm chinh phục mục tiêu của mình là điều quan trọng nhất. Vì sau mỗi sự lao động vất vả kết quả chúng ta nhận được đều rất xứng đáng. Cũng từ đó, các bạn trẻ sẽ cảm nhận được có rất nhiều người luôn quan tâm, yêu thương và động viên chúng ta. Hãy luôn hướng về phía trước, tiến lên một cách bản lỉnh nhất để chinh phục ước mơ của mình.
PV: Xin cảm ơn những chia sẻ của Nguyễn Thị Oanh!