Bạn đọc

Vụ án lừa đảo từ việc bịa đặt bán vé máy bay “hồi hương”: Liệu có bỏ sót… bị hại?

K.Nguyên 25/05/2023 - 09:20

Trong vụ án “Lê Thị Vũ lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chị Lê Thị Thu Hà được xác định là “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” do từng được bị can chuyển trả 710 triệu đồng. Trong khi đó, quá trình điều tra, chị Hà tố cáo Vũ lừa đảo, chiếm đoạt của chị hàng tỷ đồng, đã được CQĐT làm việc với tư cách “bị hại” nhưng không hiểu sao sau đó lại bị “mất” tư cách này.

Bịa đặt kinh doanh vé máy bay “hồi hương”

Theo hồ sơ vụ án, đầu năm 2020, Lê Thị Vũ (SN 1987, ở quận Gò Vấp, TP.HCM) cần tiền kinh doanh vé máy bay nên đã vay chị H.T.L 2 tỷ đồng. Khoảng tháng 6/2021, Vũ cần tiền trả nợ và chi tiêu cá nhân nên đã đưa ra thông tin gian dối nhằm chiếm đoạt tiền của chị L. Cụ thể, Vũ nói mình đã chuyển sang kinh doanh bán vé máy bay “hồi hương” để đưa công dân từ những nước có dịch Covid-19 về Việt Nam… đồng thời khẳng định sẽ được lời từ 17- 47 triệu đồng/tháng/1vé và rủ chị L tham gia đầu tư. Vũ còn đề nghị chị L. dùng 2 tỷ đồng cho vay trước đó chuyển sang đầu tư vé máy bay “hồi hương”.

chuyen-bay-hoi-huong.png
Ảnh minh họa.

Để tạo lòng tin, Vũ vào trang hội nhóm vé máy bay, tải công văn của Cục Hàng không Việt Nam gửi Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao về thực hiện chuyến bay đưa công dân về nước từ 10-18/9/2021, rồi gửi qua Zalo cho chị L.

Do tin tưởng Vũ, chị L. đã đồng ý chung tiền kinh doanh. Từ ngày 14/6/2021 đến ngày 26/10/2021, chị L. đã chuyển tiền cho Vũ để đầu tư kinh doanh vé máy bay “hồi hương” tổng cộng hơn 38 tỷ đồng (gồm tiền gốc, lợi nhuận và 2 tỷ đồng Vũ vay trước đó chuyển thành tiền đầu tư).

Sau khi nhận được tiền của chị L. Vũ không kinh doanh vé máy bay “hồi hương” mà lấy tiền lần sau để trả tiền gốc, lợi nhuận cho lần trước và trả nợ cho các cá nhân mà Vũ đã vay trước đó. Trong số đó, Vũ trả lại cho chị L. tổng cộng hơn 17 tỷ đồng, còn lại 21 tỷ đồng (gồm tiền gốc và lợi nhuận), gồm tiền của chị L. và tiền do chị L. huy động của anh Đ. và anh S. (đều ở Quốc Oai, Hà Nội)…

Vũ bị VKSND TP Hà Nội cáo buộc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt hơn 10 tỷ đồng của chị L, hơn 7,2 tỷ đồng của anh Đ. và hơn 1,2 tỷ đồng của anh S.

Theo VKSND TP. Hà Nội, Vũ đã thừa nhận việc đưa ra thông tin gian dối về việc kinh doanh vé máy bay “hồi hương” có lợi nhuận cao để rủ chị L. đầu tư. Sau khi nhận được tiền, Vũ không kinh doanh mà dùng tiền lần sau để trả tiền gốc, lợi nhuận cho lần trước, trả cho các cá nhân Vũ đã vay tiền, hoặc chi tiêu cá nhân hết. Trong số đó có chị Lê Thị Thu Hà (SN 1988, ở thị xã Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên) được trả 710 triệu đồng.

Bị hại hay chỉ… liên quan?

Không đồng tình với nhận định của cơ quan truy tố, Lê Thị Thu Hà cho biết, việc Vũ chuyển trả 710 triệu đồng cho chị không phải là trả tiền vay, mà thực chất là Vũ trả tiền gốc và lợi nhuận cho chị do trước đó chị cũng được Vũ mời tham gia góp vốn kinh doanh vé máy bay hồi hương. Chị Hà cho rằng mình cũng bị Vũ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản tương tự như trường hợp chị L. Chị đã có đơn và được CQĐT lấy lời khai với tư cách bị hại trong vụ án nhưng không hiểu sao mà chị lại được coi là “người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan” do được Vũ chuyển trả 710 triệu đồng.

Trình bày rõ hơn, chị Hà cho biết, do là bạn cùng học đại học, Vũ đã rủ chị kinh doanh vé máy bay hồi hương và còn gửi cho chị Công văn của Bộ Ngoại giao về việc triển khai thực hiện các chuyến bay giải cứu công dân Việt Nam, đưa ra thông tin về việc công ty của Vũ được phép tham gia tổ chức các chuyến bay hồi hương. Do tin tưởng, từ tháng 01/2021 cho đến tháng 07/2021, chị Hà đã nhiều lần chuyển tiền cho Vũ với tổng số tiền 8,2 tỷ đồng qua ngân hàng. Sau đó, Vũ mới chỉ thanh toán cho chị Hà được hơn 2,4 tỷ đồng và còn chiếm đoạt hơn 5,7 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, vào tháng 10/2022, khi Vũ bị khởi tố, bắt giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, chị Hà đã từng được CQĐT Công an TP. Hà Nội lấy lời khai với tư cách là “người bị hại”. Tại bản khai, chị đã đề nghị CQĐT làm rõ nội dung sự việc để xử lý Vũ theo quy định và yêu cầu Vũ trả lại số tiền đã chiếm đoạt.

Nhưng sau đó, không hiểu vì lý do gì mà CQĐT xác định chị Hà tham gia tố tụng với tư cách “người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan” chứ không phải là bị hại.

Trước diễn biến trên, một số luật sư cho rằng, BLTTHS đã quy định rõ về trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng là xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ…Trong vụ án này, Vũ bị nhiều người tố cáo về hành vi chiếm đoạt tài sản, với cùng phương thức, thủ đoạn và cùng thời điểm. CQĐT Công an Hà Nội đã khởi tố Vũ thì cần xác minh cả nội dung tố cáo của chị Hà để đảm bảo việc xác định sự thật vụ án một cách toàn diện đầy đủ (về số tiền chiếm đoạt, về số lần chiếm đoạt), đảm bảo việc xử lý kịp thời vi phạm, bảo vệ quyền và lợi ích của công dân. Cùng với đó, số tiền 710 triệu đồng mà Vũ chuyển trả cho chị Hà cần được coi là số tiền liên quan trong vụ Vũ bị chị Hà tố cáo, chứ không thể coi là vật chứng trong vụ Vũ chiếm đoạt tiền của chị L.

Cũng theo các luật sư, nếu vì một lý do nào đó (tình tiết phức tạp, cần thời gian để xác minh…) mà CQĐT chưa thể xác minh đơn tố cáo của chị Hà thì có thể tách, rút tài liệu để tiến hành xử lý sau. Tuy nhiên, trong vụ án này, chị Hà đã không được thông báo về việc tách, rút tài liệu này, cũng không thấy được CQĐT trả lời về kết quả xác minh đơn tố giác tội phạm theo quy định.

Thiết nghĩ, làm rõ tư cách tham gia tố tụng cũng như đâu là tang vật của vụ án sẽ góp phần giải quyết vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

K.Nguyên