ĐBQH: Bỏ quy định đấu thầu tập trung với thuốc hiếm, lấy thuốc nào chữa bệnh?
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Anh Trí cho rằng, nếu không đấu thầu tập trung với thuốc hiếm sẽ không có thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh hiếm, ở xa...
Đề nghị giữ quy định đấu thầu tập trung thuốc hiếm
Sáng 24/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về tiếp thu, giải trình, chỉnh lý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).
Luật Đấu thầu (sửa đổi) quy định nhiều trường hợp chỉ định thầu giúp đẩy nhanh các gói thầu mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế.
Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn ĐBQH Hải Phòng) cho biết, các quy định về đấu thầu mua thuốc, hóa chất, thiết bị y tế của dự thảo luật còn chưa đủ căn cứ thực hiện, cần được tiếp tục nghiên cứu, chỉnh lý đầy đủ.
Điểm a khoản 1 Điều 53 quy định "trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua với số lượng ít có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung để đảm bảo có đủ thuốc phục vụ nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh".
Theo đại biểu, hiện nay điểm hạn chế lớn nhất của mua sắm tập trung là mất nhiều thời gian chờ đợi. Mua sắm tập trung thường làm theo đợt, được tổng hợp từ nhiều cơ quan, đơn vị.
Do đó, ông Tân cho rằng, nếu thuốc hiếm có số lượng ít mà mua sắm tập trung là không hợp lý, không thể đảm bảo được nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh. Vì vậy, ông đề nghị bỏ nội dung này.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, có ý kiến ĐBQH đề nghị bỏ quy định đấu thầu tập trung với thuốc hiếm tại Điều 53 của dự thảo luật: "trường hợp mua thuốc hiếm, thuốc cần mua số lượng ít thì có thể áp dụng hình thức mua sắm tập trung". Đại biểu Nguyễn Anh Trí đặt lại câu hỏi nếu bỏ quy định này thì lấy đâu ra thuốc chữa cho bệnh nhân, nhất là với những bệnh hiếm, bệnh nhân ở xa…
Chia sẻ kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, đại biểu Nguyễn Anh Trí cho biết, nhiều trường hợp thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân do đấu thầu quá ít khiến nhà cung cấp không bán.
Do đó, Bộ Y tế đã có một đơn vị đấu thầu tập trung để đấu thầu chung cho cả nước. Từ thực tế trên, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị giữ quy định này trong luật.
Đề nghị quy định rõ hơn trường hợp cấp bách trong y tế
ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho hay, tại dự luật quy định được chỉ định thầu với gói mua sắm thuốc, hóa chất, thiết bị y tế, vật tư y tế để cấp cứu người bệnh theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).
Tuy nhiên, trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) không có quy định nào về vấn đề này.
Do vậy bà đề nghị thay thế cụm từ "cấp cứu người bệnh" thành "trong tình trạng khẩn cấp, cấp bách". Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trường hợp cấp bách trong y tế, cơ quan nào xác định trường hợp cấp bách.
ĐBQH Phạm Thị Kiều (đoàn ĐBQH Đắk Nông) cũng cho rằng, qua đại dịch Covid-19 đã cho thấy, năng lực đáp ứng và tiếp cận các vật tư y tế, hóa chất, sinh phẩm, vaccine, trang thiết bị còn nhiều hạn chế, trở ngại do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng; các quy định về quản lý, đấu thầu trang thiết bị y tế còn nhiều bất cập.
Để tháo gỡ những hạn chế, bất cập này, đại biểu Phạm Thị Kiều đề nghị nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật nội dung: "Khi có tình huống khẩn cấp, tổ chức được giao mua sắm có thể ứng trước hàng hóa để phục vụ đúng mục đích, yêu cầu cấp bách theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền, sau đó thực hiện quy trình chỉ định thầu rút gọn theo quy định".
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (đoàn ĐBQH Hà Nội) đồng ý với quy định về các trường hợp được chỉ định thầu. Trong đó bổ sung trường hợp gói thầu cung cấp thuốc, hóa chất, thiết bị y tế để cấp cứu người bệnh trong trường hợp cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không đủ thuốc, hóa chất, thiết bị y tế.
Ông nói gói thầu mua thuốc, thiết bị y tế chỉ duy nhất có một hãng sản xuất trên thị trường do yêu cầu giải pháp công nghệ.
Do đó áp dụng chỉ định thầu trong trường hợp này là giải pháp kịp thời đối với các trường hợp cấp bách. Tuy nhiên để tránh bị lạm dụng, ông cho rằng cần cân nhắc và quy định chi tiết tiêu chí, điều kiện áp dụng, hình thức chỉ định thầu.