Khẩn cấp xin nhập thuốc giải độc Botulinum giá 8.000 USD
Vì tính cấp thiết cho các bệnh nhân ngộ độc tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) và các bệnh viện trên địa bàn TP, bệnh viện đề nghị Sở Y tế TP.HCM nhập khẩu khẩn cấp các loại thuốc giải độc tố Botulium.
Ngày 23/5, Bệnh viện Chợ Rẫy có văn bản gửi Bộ Y tế và Sở Y tế TP.HCM đề nghị khẩn cấp nhập khẩu thuốc giải độc tố Botulinum để cấp cứu bệnh nhân.
Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, hiện bệnh viện đang điều trị 2 bệnh nhân L.M.T. (26 tuổi) và L.N.Th. (18 tuổi, hai anh em ruột, cùng ngụ phường Thạnh Mỹ Lợi, TP Thủ Đức) bị ngộ độc Botulinum. Triệu chứng lâm sàng nổi bật của 2 bệnh nhân là chóng mặt, mỏi cơ, khó thở, sụp mi, suy hô hấp.
Cả 2 bệnh nhân đều cùng ăn bánh mì (bánh không) và chả lụa (ăn riêng), chả được mua của người bán dạo tại cầu Bà Cua, giao nhau giữa khu vực 1 - 2 của TP Thủ Đức. Sau khi ăn, cả 2 đều cùng xuất hiện các triệu chứng lâm sàng tương tự nhau.
Căn cứ vào yếu tố dịch tễ và lâm sàng, bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi ngộ độc Botulinum biến chứng liệt thần kinh cơ, suy hô hấp.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã thực hiện hội chẩn và hỗ trợ hồi sức cho 3 bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện Nhi Đồng 2 và 1 bệnh nhân ở Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Theo hướng dẫn và điều trị của Bộ Y tế và kết quả hội chẩn chuyên khoa về ngộ độc thì các bệnh nhân này cần thiết được chỉ định thuốc giải độc tố Botulinum (BAT). Tuy nhiên, thuốc này là loại thuốc hiếm, không có trên thị trường và giá thành cao nên không có lượng thuốc dự phòng.
Vì tính cấp thiết cần có thuốc này để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy và các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, dự phòng cho các trường hợp cấp cứu khác phát sinh trong thời gian tới, Bệnh viện Chợ Rẫy đề nghị Sở Y tế TP.HCM nhập khẩn cấp loại thuốc giải độc tố Botulinum để kịp thời sử dụng điều trị cấp cứu cho những bệnh nhân đang được hồi sức tích cực do ngộ độc Botulinum. Đồng thời, dự phòng một lượng thuốc cơ bản để đáp ứng kịp thời khi có bệnh nhân tiếp tục bị ngộ độc.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy cũng cho rằng, thuốc giải độc quý hiếm, đắt tiền như BAT cần được mua dự trữ như chương trình dự phòng quốc gia, có điều phối của nhà nước. Bởi nếu bệnh viện tự nhập thuốc về và để hết hạn, sẽ vừa gặp khó khăn về kinh phí, vừa dễ bị quy thành làm lãng phí.
Liên quan đến việc cần phải có dự trù thuốc hiếm, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, thuốc giải độc Botulinum hay một số huyết thanh kháng độc rắn, vaccine phòng dại… trong tình trạng "ăn đong từng bữa".
Khi thuốc nhập về, các bệnh viện vẫn chia sẻ với nhau nhưng hết sức bấp bênh. Việc đề xuất dự trữ kho thuốc hiếm quốc gia đã được nhắc đến rất nhiều lần.
"Vấn đề không ở cái kho mà ở dự trù. Giống như nhà nước dự trù gạo để khi thiên tai thảm họa xảy ra sẽ xuất gạo cứu dân, thuốc cũng cần dự trù để trường hợp bất ngờ xảy ra, có thể huy động ngay", bà Lan nói.
Vì vậy, bà Lan cho rằng, cần đưa danh mục vaccine, thuốc hiếm này vào trong danh mục dự trữ quốc gia khoảng 6-12 tháng. Đối với dự trù cho tình huống thiên tai, thảm họa thì tốn tiền cũng phải làm, vì tính mạng người dân là trên hết.