Các Luật sửa sẽ bịt được "khe hở" để không sai phạm trong thực hiện dự án đầu tư
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV đã khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng về công tác lập pháp, giám sát những vấn đề quan trọng của đất nước với sự kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương) đánh giá, kỳ họp diễn ra với nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến công tác lập pháp.
Quốc hội sẽ thảo luận các dự án Luật mà cử tri rất quan tâm như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và các Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi)… Đây là những dự án Luật có tác động trực tiếp không chỉ đến đời sống của người dân mà còn ảnh hưởng nhiều đến kinh tế - xã hội.
Với tinh thần làm việc khẩn trương và quyết tâm của Chính phủ cùng sự đẩy mạnh của Quốc hội, kỳ họp này sẽ cố gắng triển khai thể chế hoá một số Nghị quyết của Đảng đã nêu và chưa hoàn thành, nhất là tập trung Nghị quyết 18-NQ/TW về Luật đất đai hiện hành và nhiều vấn đề cử tri mong muốn, đại biểu khẳng định.
Bên cạnh đó, đây cũng là kỳ họp có khối lượng công việc lớn không chỉ liên quan đến công tác lập pháp mà còn giám sát và quyết định vấn đề quan trọng quốc gia. Trong đó, có nhiều việc khó, phức tạp và nhạy cảm, tác động lớn liên quan đến pháp luật về đất đai, đấu thầu, giá, kinh doanh bất động sản, chính sách nhà ở,… đại biểu đánh giá.
Về việc bố trí kỳ họp chia làm 2 đợt, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) đánh giá là hợp lý, giúp các cơ quan của Quốc hội có thời gian chỉnh lý, tiếp thu, hoàn thiện các dự án luật, dự thảo Nghị quyết, bảo đảm chất lượng cao nhất. Việc bố trí 2 đợt họp sẽ giúp các đại biểu chuyên trách tại địa phương có thể linh hoạt trong xử lý công việc tại cơ quan, đơn vị, nghiên cứu kỹ hơn các dự thảo, tài liệu, đóng góp ý kiến với chất lượng cao nhất.
Đại biểu cũng cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, các ý kiến của người dân và doanh nghiệp đều mong muốn tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ thảo luận sâu hơn những tồn tại, hạn chế, bất cập và đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển kinh tế của đất nước.
Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, Quốc hội, UBTVQH luôn luôn lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của cử tri để có những quyết sách kịp thời với tinh thần trách nhiệm, từ sớm, từ xa, không quản ngại vất vả với tinh thần “làm hết việc chứ không hết giờ”. Các đoàn ĐBQH và các ĐBQH cũng luôn lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến của nhân dân, cử tri để tổng hợp, kịp thời phản ánh đến Quốc hội, đưa tiếng nói của cử tri tới nghị trường.
Theo đại biểu, kỳ họp này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 luật, 3 Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Những nội dung Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp đều là vấn đề quan trọng, đòi hỏi phải sớm giải quyết, phản ánh đúng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống hiện nay. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thu hút sự quan tâm rất lớn của cử tri. Dự thảo trình Quốc hội lần này đã có nhiều sửa đổi, tiếp thu, hoàn thiện tích cực so với dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, nhưng vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện nhằm thể hiện sâu rộng tinh thần Nghị quyết số 18/NQ-TW.
Còn theo đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam), Kỳ họp thứ 5 rất quan trọng khi tình hình phát triển kinh tế-xã hội trong bối cảnh tình hình kinh tế của khu vực và trên thế giới có nhiều biến động và khó lường. Quốc hội sẽ xem xét đánh giá cụ thể từng mặt tác động và có những giải pháp, chính sách cho phù hợp. Cùng với đó, điều chỉnh một cách kịp thời, sớm nhất để phục hồi phát triển kinh tế cũng như không bỏ lỡ cơ hội tạo thêm nguồn lực cho phát triển kinh tế.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn ĐBQH Hà Nội) cho hay, trong các dự án Luật được thông qua lần này, có rất nhiều dự án Luật liên quan trực tiếp đến tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế kinh tế như Luật Đấu thầu, Luật giá, Luật Giao dịch điện tử…
Đến thời điểm hiện tại, những sửa đổi của các luật này đã có sự thay đổi khá lớn, khắc phục được các vấn đề đang tồn tại như việc kéo dài thời gian, mất thời gian, chậm thời gian triển khai các dự án do thủ tục đấu thầu không hiệu quả. Bên cạnh đó, những sửa đổi trên cũng khắc phục được các sai phạm trong công tác đấu thầu, sai phạm trong công tác định giá.
Việc sửa đổi Luật Đấu thầu, Luật giá lần này nhằm đưa ra khuôn khổ pháp lý để bịt được những kẽ hở, và là chỗ dựa vững chắc cho những người thực thi trong quá trình quyết định các dự án đầu tư tránh được các sai phạm. Hy vọng những quyết sách, thay đổi đó sẽ tạo tiền đề để tháo gỡ những vướng mắc về mặt thể chế kinh tế trước mắt cũng như hướng tới sự phát triển dài hạn trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật cũng cho biết, kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 8 dự án luật và 3 Nghị quyết quy phạm pháp luật, trong đó có 2 dự án luật được xem xét thông qua theo quy trình 1 kỳ họp; đồng thời xem xét, cho ý kiến thêm 9 dự án luật khác (trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được cho ý kiến lần thứ hai).
Đây là dự án luật quan trọng trên cơ sở tổng kết quá trình thi hành các luật hiện hành cũng như tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Đảng để trình Quốc hội có sự điều chỉnh phù hợp với thực tiễn. UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan phải có sự phối hợp chặt chẽ từ sớm, từ xa trong công tác chuẩn bị khi xem xét cho ý kiến, thông qua các dự án Luật, Nghị quyết để phục vụ cho Kỳ họp thứ 5.
Bên cạnh đó, để các dự án luật, Nghị quyết đảm bảo chất lượng khi được xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5, UBTVQH cũng đã tổ chức Hội nghị ĐBQH chuyên trách, thảo luận đối với tất cả dự án luật được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 5. Trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) cũng được Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần thứ 2 tại kỳ họp này.