Bàng hoàng “núi rác” sát các tòa nhà Chính phủ
Đời sống - Ngày đăng : 06:17, 30/10/2014
Công viên thành “núi rác”
Trong khi dự án chậm thi công, cỏ mọc um tùm, làm nhà, kinh doanh bất hợp pháp chưa được xử lý thì bỗng 3 năm trở lại đây, tại khu đất được quy hoạch làm Công viên Cầu Giấy, tọa lạc tại khu đô thị Yên Hòa (Cầu Giấy), một phần tiếp giáp với đường Dương Quảng Hàm, đường Phạm Hùng thuộc quận Nam Từ Liêm xuất hiện nhiều đống rác khổng lồ, những bãi phế liệu chất đống như núi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mỗi khi có gió to, bụi bay mù mịt.
Tại đây, toàn bộ diện tích công viên, khu trường học này đang bị tận dụng làm nơi đổ phế thải xây dựng, nhiều đến mức rác chất đống thành 7 quả núi to, độ cao tương đương 5 - 6 tầng của một tòa nhà, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường xung quanh. Kèm theo đó, một phần lớn diện tích đất công viên đã bị "xẻ thịt" thành địa điểm kinh doanh của nhiều hộ dân. Trong đó, nhiều hộ lấn chiếm, xây nhà bất hợp pháp và sinh sống nhiều năm trên khu đất công viên.
Theo người dân khu vực cho biết, bãi rác này xuất hiện từ năm 2011, do không có ai xử lý nên ngày càng phình to. Hằng ngày, tại bãi rác thải, nhiều xe cẩu nhỏ xúc phế liệu từ khu vực cao đổ xuống khu thấp, rác tiếp tục được lu và nén chặt xuống lòng đất. Ô tô ra vào đổ phế thải xây dựng tại đây diễn ra công khai mà không có bất kỳ ai ngăn cản. Phần lớn xe chở rác từ các công trình xây dựng lớn nhỏ muốn đổ rác ở đây đều thông qua các "đầu nậu" và phải bỏ ra một khoản chi phí.
Theo những người dân xung quanh khu vực phản ánh, hoạt động đổ phế thải xây dựng tại đây diễn ra một cách công khai. Để thuận tiện cho các xe lên bãi đổ phế thải, các đầu nậu của các bãi này còn làm cả một con đường riêng. Điều đáng nói ở đây con đường này sau khi được làm xong, vẫn không hề bị cơ quan chức năng tại địa phương phá bỏ, thậm chí, đầu đường còn xuất hiện nhiều lán, trạm canh do các đối tượng “bảo kê” lập ra làm nhiệm vụ "cảnh giới", điều phối việc đổ rác.
Với hiện trạng những “núi rác” toàn phế thải xây dựng này chắc chắn công tác giải phóng mặt bằng sẽ trở nên rất khó khăn. Theo tính toán của một chủ doanh nghiệp xây dựng, nếu giải phóng mặt bằng khu công viên này, chỉ tính riêng tiền di dời 7 quả “núi rác” này đã mất khoảng 50 tỷ đồng. Và nếu không có biện pháp ngăn chặn, núi rác thải sẽ tiếp tục phình to đến lúc đó việc di chuyển sẽ càng tốn kém.
Chính quyền vào cuộc
Theo ông Cao Dương Thanh Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, để xảy ra tình trạng đổ phế thải xây dựng tại Công viên Cầu Giấy là do sự buông lỏng quản lý của chính quyền địa phương. “Lãnh đạo quận sẽ phối hợp với cơ quan Công an làm rõ. Nếu phát hiện ai đứng đằng sau bảo kê sẽ xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật”.
Thời gian qua do lực lượng chức năng còn mỏng, nên không thể kiểm soát hết hoạt động đổ phế thải trộm trên khu vực đất quy hoạch Công viên Cầu Giấy để xảy ra tình trạng trên.
Còn về trường hợp có hay không việc xuất hiện xã hội đen tổ chức “bảo kê” ở bãi đổ phế liệu này. Ông Lưu Hồng Đức – chủ tịch UBND phường Mỹ Đình I, quận Nam Từ Liêm – cho biết: "Gần đây, qua tiếp xúc cử tri, người dân phản ảnh có một nhóm xã hội đen bảo kê cho xe chở phế thải xây dựng vào đổ tại khu đất nói trên. Việc đổ trộm phế thải diễn ra chủ yếu về đêm nên rất khó ngăn chặn. Cơ quan chức năng đã kiểm tra nhưng chưa xác định được nhóm xã hội đen này hoạt động ra sao".
Ngay sau khi báo chí phản ánh, chủ tịch UBND TP Hà Nội, Nguyễn Thế Thảo đã có văn bản chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp để lập lại kỷ cương đối với các khu đất bị đổ phế thải, đặc biệt phế thải xây dựng trong đó có khu công viên CV 1 phường Yên Hòa, Cầu Giấy.
Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm trực tiếp chỉ đạo, xử lý các vi phạm tại khu vực này. Đồng thời, giao Công an thành phố Hà Nội điều tra làm rõ, xem có tình trạng bảo kê đổ phế thải tại khu công viên CV 1 hay không. Giao Sở xây dựng kiểm tra, đôn đốc lập lại trật tự khu vực này. Yêu cầu Giám đốc Công an TP Hà Nội chỉ đạo điều tra, kết luận có hay không việc “bảo kê” đổ phế thải trái phép thu lợi bất chính, cố ý làm trái, vi phạm các quy định quản lý, sử dụng để xử lý nghiêm.
Đồng thời, giao Phó chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng trực tiếp chỉ đạo, xử lý triệt để vụ việc trên; Chỉ đạo Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị…
Hiện, các lực lượng đã bắt đầu ra quân. Quận Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm đã đưa xe ủi, tháo gỡ được 6 công trình và 600 m2 nhà xưởng, nhà tạm và lều lán trong khu vực. Đồng thời, san gạt được 1 phần diện tích rác thải tại khu vực giáp danh khu chung cư Contrexim (Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội).
Thông thống kê sơ bộ, trên khu đất thuộc địa bàn quận Cầu Giấy còn 10 nhà có người ở. Khu vực quận Nam Từ Liêm còn tồn tại 14 trường hợp nhà chiếm dụng sai phép có người đang sinh sống. Do vậy, các lực lượng đang thiết lập hồ sơ để ra quyết định cưỡng chế các công trình vi phạm trong khu vực.
Những hình ảnh tại dự án công viên hóa "núi rác" này:
Con đường nhỏ rẽ vào công viên luôn trong tình trạng tràn ngập bùn đất và la liệt phế thải đổ trái phép
Theo người dân thì những đống phế thải được đổ không chỉ vào ban đêm mà còn diễn ra vào ban ngày
3 năm được "buông lỏng" khu đất dự án xây công viên này đã xuất hiện gần chục "núi rác" cao ngang với đường trên cao ở đường Phạm Hùng và cao ngang 4 - 5 tầng của các tòa nhà quanh đây
Các tòa nhà Bộ Nội vụ, Chi cục Hải Quan, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Huyết học và Truyền máu Trung Ương, Thanh Tra Chính phủ cũng phải chấp nhận cảnh sống chung với bãi rác tự phát khổng lồ này.