Cùng chung tay đẩy lùi thực trạng mù chữ
Rạng Đông (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) là xã khó khăn của huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, tỉ lệ người từ 15 đến 60 tuổi chưa biết chữ khá cao.
Đẩy lùi nạn mù chữ
Để thực hiện tốt công tác xoá mù chữ, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học (PTDTBT TH) Rạng Đông (tỉnh Điện Biên) đã linh hoạt sử dụng nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, tham mưu với chính quyền địa phương xã rà soát các đối tượng mù chữ từ đó xây dựng kế hoạch mở các lớp xóa mù chữ giai đoạn 2022-2025.
Vì vậy, để công tác vận động học viên tham gia lớp xoá mù, Trường PTDTBT TH Rạng Đông sẽ căn cứ vào nhu cầu học tập của học viên, điều kiện thực tế của xã để xây dựng kế hoạch mở lớp xóa mù mức độ 1. Những lớp học ở mức độ 2 ngoài duy trì lớp học, Trường còn đặt mục tiêu nâng cao tiêu chí đạt chuẩn, đảm bảo tỷ lệ bền vững trong giai đoạn 2022-2025.
Thầy Ngô Quang Hồi – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Khi tham gia học lớp xoá mù, nhiều học viên thường có tâm lý mặc cảm, tự ti, xấu hổ, do vậy nhiều năm qua để vận động người dân đến lớp học, nhà trường kết hợp với các ban ngành đoàn thể của xã, già làng, trưởng bản đến tận nhà phân tích, động viên.
Chúng tôi và giáo viên chủ nhiệm cũng tổ chức họp, lấy ý kiến các học viên về địa điểm mở lớp, thời gian học phù hợp với điều kiện thực tế của các học viên tại mỗi điểm trường. Tổ chức lớp học xóa mù chữ cần linh hoạt, phù hợp với độ tuổi của người học đảm bảo thuận lợi nhất đối với học viên tham gia học tập”, thầy Hồi nói.
Đội ngũ giáo viên tham gia giảng dạy lớp xoá mù chữ là người có kinh nghiệm, nhiệt tình, tận tâm, gần gũi với học viên. Đặc biệt, người dạy phải có phương pháp riêng để truyền đạt cho học viên nhằm tạo hứng thú trong quá trình học tập. Đồng thời, các giáo viên đứng lớp phải biết song ngữ (tiếng phổ thông và tiếng HMông), khi giảng dạy bằng tiếng phổ thông, học viên không hiểu có thể giải thích bằng tiếng HMông.
Bên cạnh đó, để thuận lợi trong công tác xoá mù chữ, Trường PTDTBT TH Rạng Đông luôn được UBND xã Rạng Đông đặc biệt quan tâm. UBND xã đã thành lập ban chỉ đạo, ban tổ chức các lớp xóa mù chữ mức độ 2 cấp xã, giao cho cán bộ, công chức xã phụ trách tại các điểm mở lớp.
Khi học viên đăng ký tham gia lớp học xóa mù chữ, chính quyền địa phương sẽ cử cán bộ công chức xã phụ trách lớp học, cho học viên ký cam kết tham gia học tập đầy đủ, không được bỏ học. Học viên thực hiện ký cam kết và tham gia học tập đầy đủ.
Bên cạnh đó, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo cũng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc, động viên các lớp học một cách thường xuyên, nhờ vậy mà không có học viên nào bỏ học giữa chừng”, thầy Hồi cho biết.
Đạt chuẩn mức độ 2
Ông Đỗ Văn Sơn - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo chia sẻ: “Sau khi rà soát, trên toàn huyện Tuần Giáo, số người trong độ tuổi 15-60 biết chữ mức độ 1: 55602/57888 chiếm 96,05%, mức độ 2: 48463/57888 chiếm 83,72%. Với những nỗ lực đó năm 2020, huyện Tuần Giáo đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2.
Để công tác xoá mù được hiệu quả, Phòng GD&ĐT huyện Tuần Giáo đã căn cứ điều kiện, nhu cầu thực tế ở từng địa phương nhằm đề ra các giải pháp, lộ trình cụ thể thực hiện công tác xóa mù chữ, nâng cao tỷ lệ người dân biết chữ phù hợp với từng địa bàn".
Ngoài ra, Phòng GD&ĐT còn mời đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQVN, Huyện đoàn, Liên đoàn Lao động huyện, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh huyện tham gia Ban chỉ đạo.