Xử lý sai phạm về thông tin điện tử, cần quyết liệt và mạnh tay hơn nữa
Đời sống - Ngày đăng : 09:48, 28/10/2014
Nấm độc sau mưa
“Nếu trước đây 2-3 năm, có thể điểm mặt chỉ tên một vài trang thông tin điện tử về lối đưa tin bài câu khách quá mức như trên, thì đáng buồn là đến nay số lượng các trang này như NẤM ĐỘC MỌC SAU MƯA, đầy rẫy, bạt ngàn không thể thống kê nổi!”
Đó là đánh giá của nhà báo Hoàng Minh trong “Tâm thư gửi Bộ Thông tin và Truyền thông” khi biết rằng Bộ đang kiên quyết lập lại trật tự, kỷ cương trong hoạt động xuất bản, báo chí.
Với tâm huyết của một người làm báo đã “về hưu nhưng còn cầm bút” ông thấy lo lắng cho thực trạng phát triển báo chí, đặc biệt là sự sinh sôi nảy nở của các trang thông tin điện tử “núp bóng” cơ quan báo chí. Những thông tin rẻ tiền, giật gân, câu khách tràn lan. Những luồng văn hóa độc hại làm băng hoại giá trị văn hóa truyền thống đang lấn át.
Đề cập đến nguyên nhân và giải pháp, nhà báo Hoàng Minh viết: “Việc phát triển ồ ạt dẫn đến tình trạng “vỡ trận” có nguyên nhân là sự “quá tải”, thiếu kiểm soát CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BÁO CHÍ, mặc dù Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang cố gắng tìm các biện pháp để tăng cường công tác quản lý bằng các văn bản pháp quy cũng như các giải pháp kỹ thuật để lập lại trật tự trên lĩnh vực thông tin-truyền thông, mà trọng điểm là “đưa vào khuôn phép” các trang thông tin điện tử và các trang mạng xã hội. Một số vụ vi phạm của cơ quan báo chí được xử lý, gần đây nhất là đóng cửa trang haivl.com cho thấy động thái quyết tâm của Bộ Thông tin và Truyền thông, hé mở sự tin tưởng của các cơ quan báo chí điện tử chính thống và các nhà báo chân chính”.
Nhà báo Hoàng Minh đề xuất 3 giải pháp chính gồm:
Một là:"...Đánh giá toàn diện về thực trạng, sự phát triển của các loại hình truyền thông trên Internet, đặc biệt là hệ thống báo chí điện tử và các trang thông tin điện tử hiện nay. Trên cơ sở đó có những giải pháp để chủ động chỉ đạo khai thác, tận dụng triệt để những mặt mạnh, đồng thời mặt khác phải kiên quyết TẤN CÔNG, TẤN CÔNG LIÊN TỤC bằng việc xử lý các trang mạng vi phạm, trang mạng xấu, độc hại (kể cả các tờ báo điện tử chính thống để làm gương) từ đó giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực của báo chí điện tử, mạng xã hội, các phương tiện truyền thông trên Internet nhằm phục vụ đắc lực sự nghiệp đổi mới và chủ động hội nhập quốc tế của nước ta theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng".
Hai là: "Phải tập hợp được sức mạnh tổng lực, huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức, các lực lượng và cả xã hội vào cuộc làm “Cuộc đại cách mạng lập lại trật tự văn hóa thông tin-truyền thông trên Internét”, vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Muốn vậy trước hết phải mở những cuộc tuyên truyền sâu rộng không chỉ trong các cơ quan báo chí, mà cả các cơ quan quản lý và toàn xã hội, trong đó có sự phân biệt rạch ròi thế nào là cơ quan báo chí điện tử, là tờ báo điện tử với các trang thông tin điện tử không phải là cơ quan báo chí; thế nào là trang mạng xã hội, là diễn đàn của các cá nhân v.v… Nói cách khác cần có cuộc cách mạng phân rõ báo chính thống và các trang thông tin điện tử, và báo chính thống nhưng “lá cải hóa”. Trên cơ sở đó để phân biệt, quản lý và áp dụng các biện pháp xử lý, phòng ngừa cho phù hợp. Đó cũng là nguyện vọng của các Tòa soạn báo và đông đảo các Nhà báo chân chính.
Ba là: "Kiên quyết giữ nguyên tắc trong xử lý sai phạm đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa tiêu cực, sai phạm. Đây là vấn đề quan trọng đòi hỏi cán bộ có trách nhiệm phải có tâm và có tầm. Vừa qua một số cơ quan báo chí và các trang mạng bị xử lý. Tuy nhiên đây chỉ là việc “bắt sâu nhổ cỏ” trong khi cỏ dại, nấm độc còn bạt ngàn, lấn át “vườn rau sạch...”.
Ông tin tưởng vào “thông điệp” mạnh mẽ của những người đứng đầu cơ quan quản lý báo chí, Bộ Thông tin và Truyền thông, quyết tâm lập lại trật tự hoạt động báo chí và thông tin điện tử.
Lập lại trật tự, kiên quyết xóa bỏ những trang thông tin điện tử sai phạm là nguyện vọng thiết tha của những người làm báo chân chính cùng lãnh đạo cơ quan báo chí. Họ ủng hộ và đồng thuận cao với sự quyết liệt của Bộ Thông tin và Truyền thông. Dưới đây là một số ý kiến trao đổi của các nhà báo đang giữ các cương vị quan trọng trong cơ quan báo chí chia sẻ với báo điện tử Công lý về quyết định đóng cửa trang xã hội Haivl và những hành động mạnh mẽ của Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian vừa qua:
Cần thanh lọc môi trường báo chí
Nhà báo Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Biên tập báo Đại Đoàn Kết:
Việc xử phạt hành chính và rút giấy phép hoạt động vĩnh viễn của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) đối với trang mạng xã hội haivl có thể nói là một quyết định tuy muộn nhưng rất cần thiết.
Trước vụ việc của haivl có nhiều trường hợp đã bị xử lý. Cụ thể trong 9 tháng đầu năm có 26 cơ quan báo chí bị xử phạt hành chính vì đăng tải thông tin có nội dung vi phạm pháp luật, trái với thuần phong mĩ tục. Gần đây nhất là báo điện tử Tri thức trẻ, trang tin điện tử 2sao, và vừa rồi là trang mạng xã hội haivl. Chưa nói đến những trang mạng xã hội bởi tính tương tác của nó mang lại cho người dùng khiến công tác quản lý còn khó khăn, nhưng đối với các trang tin điện tử và thậm chí là một số báo điện tử hiện nay vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm, đăng thông tin phản cảm, không theo tôn chỉ mục đích.
Một đất nước có tới 17.000 nhà báo chuyên nghiệp, nhưng nhiều sản phẩm báo chí khi tung ra thị trường chưa đủ chất lượng, chỉ xoáy sâu vào các mặt tối của xã hội, giật gân câu khách. Đó là mối lo thường trực của xã hội, nhất là các cơ quan báo chí.
Nhà báo Nguyễn Quốc Khánh, Phó Tổng Biên tập báo Đại đoàn kết
Sau haivl, Bộ sẽ siết chặt quản lý các trang tin điện tử và các trang mạng xã hội ở Việt nam. Rõ ràng việc xử phạt các cơ quan báo chí vi phạm là việc rất cần thiết để làm trong sạch lành mạnh thị trường báo chí hiện nay. Việc phạt mạnh tay hơn nữa là rất nên làm và cần có những chế tài đủ mạnh để điều chỉnh, đưa các trang lâu nay vẫn đưa thông tin sai lệch phản cảm trở lại đúng chức năng cơ bản của báo chí, đó là nhân văn, trung thực, kịp thời, hướng công chúng tới những giá trị tốt đẹp, những điều hữu ích và chỉ có như thế mới sớm trả lại cho thị trường báo chí, mặt bằng báo chí của chúng ta những giá trị vốn có. Như thế người đọc, nhất là các bạn trẻ mới có điều kiện tiếp cận với thông tin hữu ích trên báo chí.
Phải “dạy con từ thuở còn thơ”
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Phó Tổng Biên tập báo Xây dựng:
Dưới góc độ của một người làm báo, theo tôi việc siết chặt quản lý và xử lí nghiêm khắc những trang tin điện tử và trang mạng xã hội vi phạm là điều nên làm, cần làm một cách triệt để, các cơ quan chức năng phải “ra tay” càng sớm càng tốt.
Trường hợp của haivl đã phát triển rầm rộ suốt một thời gian với nội dung không tích cực, để nó thu hút sự tham gia của hàng triệu người rồi chúng ta mới xử phạt, mới đình bản đã là muộn. Tại sao cả quá trình dài nó tồn tại mà chúng ta không phát hiện ra?
Không chỉ với kiểm soát thông tin mà trong lĩnh vực nào chúng ta cũng cần đề phòng hơn là khắc phục. Việc xử phạt haivl chỉ là khắc phục chứ không phải ngăn chặn. Nếu chúng ta xử phạt nghiêm từ đầu, ngăn chặn từ những cái nhỏ nhất thì sẽ không xảy ra việc đóng cửa đột ngột như trang haivl.
Nhà báo Vũ Văn Tiến, Phó Tổng Biên tập báo Xây dựng
Theo tôi các cơ quan truyền thông báo chí, đặc biệt Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ Thông tin truyền thông cần phải mạnh tay hơn nữa, như đại biểu quốc hội Nguyễn Đức Chung, Giám đốc Công an Thành phố Hà Nội trong khi trả lời báo chí vừa qua đã đề nghị tăng mức xử phạt giao thông lên cao hơn, bởi phạt nhẹ quá có thể dẫn đến không thể xử lí triệt để. Đặc biệt tôi rất đồng tình với quyết định không cấp thêm giấy phép hoạt động cho báo điện tử mới, để chấn chỉnh hoạt động của các tờ báo điện tử hiện nay.
Hiện nay không chỉ các trang web, mạng xã hội hay trang tin điện tử, rất nhiều tờ báo điện tử cũng có xu hướng giật gân câu khách. Việc Bộ Thông tin Truyền thông đang làm không chỉ được người dân đồng tình, các cơ quan báo chí đồng tình, mà chúng tôi còn ủng hộ Bộ làm quyết liệt hơn nữa.
Nên phân nhóm các vi phạm để có hình thức xử lý khác nhau
Nhà báo Lê Hồng Kỹ, Trưởng ban Kinh tế, Thư ký tòa soạn Báo điện tử Dân trí:
Để quản lý và xử lý rốt ráo, hợp lý các vi phạm, theo tôi trước hết cần phân loại các nhóm đối tượng quản lý và các nhóm vi phạm. Ở đây, chúng ta đang nhắc tới các trang thông tin điện tử, và các mạng xã hội do các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam phát triển.
Đối với các trang thông tin điện tử, việc ra đời quá nhiều trang thông tin điện tử thời gian qua đã để lại khá nhiều hệ lụy. Do không phải chịu những điều chỉnh của pháp luật liên quan đến báo chí nên thông tin trên các trang này dường như hoạt động một cách thiếu kiểm soát, thiếu trách nhiệm, thiếu nghiệp vụ, thiếu định hướng.
Những điều đó dẫn đến nội dung không đúng sự thật, xâm hại đời tư, thiếu nhân văn; điều có thể gây ra nhiều hậu quả cho cá nhân, tổ chức, xã hội; gây hiểu lầm cho công chúng và ảnh hưởng đến an ninh thông tin.
Nhà báo Lê Hồng Kỹ, Thư ký tòa soạn Báo điện tử Dân trí
Quan điểm của tôi là cần phải quyết liệt và đáng lí ra đã phải quyết liệt từ lâu chứ không phải đợi đến bây giờ. Tôi ủng hộ các biện pháp siết chặt quản lý, thậm chí cưỡng chế ở mức độ cao nhất. Pháp luật đã quy định rõ trang tin điện tử không được phép hoạt động như một tờ báo. Bản thân các trang tin điện tử trong giấy phép hoạt động là không có chức năng báo chí. Ngoài ra họ không có những cơ quan chủ quản, có nghĩa là không có tôn chỉ mục đích rõ ràng. Họ hoạt động báo chí một cách tự do bừa bãi. Pháp luật không cho phép họ làm báo nhưng họ vẫn hoạt động, như vậy họ cố tình vi phạm pháp luật.
Một thực tế là nhiều trang tin điện tử, sau khi có những động thái siết chặt từ cơ quan quản lý, đã có những cách “lách luật”, bằng cách dẫn lại thông tin theo các tờ báo đã có thỏa thuận riêng với họ. Thậm chí những thông tin không xuất hiện trên tờ báo gốc nhưng vẫn được dẫn nguồn theo tờ báo đó. Đó là biểu hiện lách luật rất rõ, mà lách luật ở đây có thể hiểu là những điều pháp luật chưa cấm. Họ biến việc sai luật thành đúng luật để hợp thức hóa sai phạm của mình, điều này gây khó khăn cho các nhà quản lý. Cần có giải pháp để “điều trị” dứt diểm tình trạng này.
Đối với các mạng xã hội, mà Haivl là một điển hình, thì có đặc thù khác, nội dung của các mạng xã hội do các thành viên tham gia xây dựng, chứ không phải do người khai sinh ra mạng xã hội đăng tải. Việc quản lý trang này cần dựa trên việc xác định chủ thể thông tin. Có nghĩa là, người dùng mạng xã hội cần chịu trách nhiệm đối với thông tin họ đăng tải lên. Đó là trách nhiệm công dân đối với quyền ngôn luận, hoàn toàn khác với báo chí.
Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là người khai sinh ra Haivl không chịu trách nhiệm gì về nội dung, bởi vì khi họ đã sản sinh ra một sản phẩm, có cộng đồng sử dụng nó, có phát sinh lợi ích kinh tế, thì họ cũng phải chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình. Họ có thể kiểm soát nội dung qua các công cụ lọc về mặt kỹ thuật để loại bỏ những nội dung không đúng với pháp luật, không phù hợp với đạo đức xã hội. Nếu kỹ thuật không kiểm soát triệt để thì họ phải có bộ máy con người để đọc, lọc những thông tin trên trang mạng xã hội đó, đồng thời có thể theo dõi người dùng và có những biện pháp xử lý nếu người dùng vi phạm nội quy. Như vậy vừa giúp mạng xã hội phát triển lành mạnh, vừa đảm bảo sự an toàn cho những người sản sinh ra nó.
Việc siết chặt quản lý là điều rất cần, tuy nhiên là quản lý như thế nào, bằng công cụ gì, là điều cơ quan quản lý nên cân nhắc. Tôi cho rằng việc xử lý các trang mạng xã hội nên trước hết là tăng cường vai trò quản lý, giám sát để các mạng xã hội chấn chỉnh, lành mạnh hóa trước khi có những động thái mang tính cưỡng bức như tước giấy phép, đóng cửa.