Xã hội

19/5 - Nhớ về Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ

Kim Sáng 19/05/2023 20:54

Hàng năm, cứ đến ngày 19/5, mọi người lại tề tựu về Khu di tích lịch sử Quốc gia khu vực Đồn Long Khốt, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An dâng nén nhang thơm cùng các lễ vật tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh và các Anh hùng liệt sĩ.

Nhiều năm qua, Long Khốt đã trở thành niềm tự hào to lớn của quân và dân địa phương, nơi đây không chỉ là Khu di tích lịch sử Quốc gia mà còn là nơi ghi dấu những chiến công vang dội của các đơn vị quân đội.

Nhằm khắc ghi công lao to lớn của các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tại khu vực Đồn Long Khốt, bà con nhân dân xã Thái Bình Trung đã đề nghị chính quyền và Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng Long Khốt chọn Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5 hàng năm) là ngày toàn dân Vĩnh Hưng tưởng nhớ Bác Hồ và tri ân các Anh hùng liệt sĩ.

p1850305.jpg
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình về dâng hương Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ.

Và từ đó đến nay, cứ đến ngày này thì mọi người lại tề tựu về đây để bày tỏ lòng tri ân với những người đã có công giữ nước. Cứ như vậy, ngày 19/5 đã trở thành ngày hội tri ân truyền thống của chính quyền, bộ đội và nhân dân tỉnh Long An nói chung và huyện Vĩnh Hưng cùng hai xã Thái Trị, Thái Bình Trung nói riêng.

Trước một tuần đến ngày tri ân, người dân địa phương đã chuẩn bị tâm thế lẫn mọi thứ để đón khách về thăm Long Khốt. Ở đây, mọi thứ đều tự nguyện, người cầm thớt, người mang dao, người mang chén dĩa đến dọn dẹp, có những gia đình còn mổ bò, heo để bày tỏ lòng tri ân với Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ.

p1850343.jpg
Hội Người cao tuổi Khu phố 5, phường 13, quận Tân Bình vượt hơn 100km từ TP.HCM xuống Đồn Long Khốt để thăm lại chiến trường xưa.

Không khí không khác gì ngày hội, từ người già đến trẻ em đều có mặt đông đủ, mỗi người một việc, ấy vậy mà nghe tin khách năm nay đến đông họ lại càng mừng.

Bà Âu Thị Đặc dù đã 80 tuổi nhưng vẫn kéo theo một bầy con cháu đến phụ giúp lễ tri ân. Bà nói Long Khốt ngày hôm nay là niềm tự hào to lớn của người dân địa phương nên bà luôn dặn con cái phải  cố gắng nối gót các thế hệ đi trước.

Bà Đặc kể, thời gian đầu khi địa phương chọn ngày 19/5 để tưởng nhớ Bác Hồ và các Anh hùng liệt sĩ chỉ có ít người đến thắp nhang nhưng giờ cả hàng nghìn người đến, mọi người ai cũng vui, xúc động.

“Ngày tri ân chỉ diễn ra trong 1, 2 ngày nhưng chị em chúng tôi chuẩn bị cả tuần lễ, không khí y như ngày tết vậy. Năm nào cũng có hơn chục con heo quay rồi bò để tri ân”, bà Đặc nói.

p1850379.jpg
Đại tá, nhà báo Trần Thế Tuyển - Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ TP.HCM, nguyên Trưởng Ban LLTT Trung đoàn 174 tặng quà cho gia đình nghèo tại huyện Vĩnh Hưng.

Vừa xong giờ dạy ở trường, cô giáo trẻ Trần Thị Ngọc nhanh chân đến phụ giúp công tác hậu cần để tiếp khách. “Đây là năm đầu tiên em tham gia hoạt động tri ân ở Long Khốt nên thấy vui và hào hứng lắm. Mấy bữa nay thấy người dân đi quá trời, đứng dạy học mà thấy ham. Trường bọn em chia nhau ra, người này dạy thì người kia tới mà hầu như ai cũng muốn đi”, cô Ngọc nói.

Cô Ngọc cho biết, không chỉ ngày 19/5 mà vào cuối tuần hay các ngày lễ lớn, trường thường dẫn trẻ qua để tham quan, học tập, giúp các em biết về lịch sử, công lao của cha anh đi trước.

Trong 2 ngày 18 và 19/5, Đồn Long Khốt đón hàng ngàn người về tham quan, dâng hương. Có những thương binh hạng nặng (bị cụt chân) vẫn lặn lội hơn 100km từ TP.HCM xuống thắp nén nhang cho đồng đội, hay vị sư thầy dù tuổi đã cao, ngồi xe lăn nhưng vẫn cố gắng đến tận nơi bày tỏ lòng thành kính.

p1850271.jpg
p1850241.jpg
Bà con nhân dân sum vầy chuẩn bị cho hoạt động tri ân.

Năm 1997, Đồn Long Khốt được UBND tỉnh Long An công nhận là di tích cấp tỉnh. Năm 2008, Ban LLTT Trung đoàn 174 tại TP.HCM đã liên hệ với cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Vĩnh Hưng và Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An vận động nguồn xã hội hoá xây dựng Đền thơ liệt sĩ đầu tiên và khánh thành vào dịp kỷ niệm 119 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/2009).

Năm 2019, Đồn Long Khốt được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích Lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Năm 2021, Trung tướng Lưu Phước Lượng - Nguyên Chính ủy Sư đoàn 5, nguyên Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ban LLTT Trung đoàn 174 cùng các tướng lĩnh, cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhà tài trợ xây dựng ngôi đền và các hạng mục công trình phụ trợ trong khuôn viên di tích giai đoạn 1, khánh thành vào ngày 21/12/2021.

p1850422.jpg
Trồng cây Bồ Đề bên tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Kể từ đây, huyện Vĩnh Hưng có thêm một công trình văn hóa kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống với kiến trúc hiện đại nhằm ghi công, tôn vinh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên mảnh đất này. Đây không chỉ là "địa chỉ đó" mang ý nghĩa tâm linh mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ mai sau.

Theo thống kê, đã có hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ nằm lại mảnh đất Long Khốt linh thiêng, trong đó có hơn 200 liệt sĩ của Trung đoàn 174.

Nhân kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tri ân các Anh hùng liệt sĩ, huyện Vĩnh Hưng đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như: Lễ thả hoa đăng, dâng hương, vận động kinh phí xây dựng 2 căn nhà tình thương (50 triệu đồng/căn), trao tặng 100 phần quà cho gia đình nghèo, tổ chức Lễ an vị tôn tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni cạnh khuôn viên Di tích Quốc gia khu vực đồn Long Khốt và trồng cây Bồ Đề bên tượng Phật.

Kim Sáng