Lật xe chở alumin - nỗi ám ảnh kinh hoàng của người dân
Đời sống - Ngày đăng : 09:02, 28/10/2014
Một vụ xe chở alumin bị lật .
Từ tháng 5/2013, alumin bắt đầu được chuyển từ Tân Rai xuống cảng Gò Dầu (Đồng Nai) để xuất khẩu. Công tác vận chuyển alumin được Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) giao cho Công ty Cổ phần Than miền Nam phụ trách. Hiện nay, mỗi ngày có khoảng 100 phương tiện của Công ty này chở khoảng 1.700 - 2.000 tấn alumin đi cảng Gò Dầu.
Trong thời gian qua, alumin được vận chuyển theo lộ trình: Từ nhà máy - Tỉnh lộ ĐT 725 - Quốc lộ 20 - Tỉnh lộ ĐT 769 - Cảng Gò Dầu. Theo lộ trình này thì xe alumin sẽ đi qua nhiều khu dân cư, đô thị đông đúc như: thị trấn Lộc Thắng (Bảo Lâm), Tp. Bảo Lộc (Lâm Đồng), Định Quán (Đồng Nai)… Phương tiện vận tải vừa nhiều, hầu hết lại có kích thước lớn nên xe chở alumin đã trở thành nỗi ám ảnh trên các đoạn đường mà nó đi qua, nhất là những “điểm đen” về tai nạn giao thông.
Theo thống kê, chỉ tính riêng trên đoạn đường từ nhà máy Bôxit Tân Rai qua Tỉnh lộ 725 - Quốc lộ 20 (qua huyện Bảo Lâm, Đạ Huoai, Tp. Bảo Lộc) từ đầu năm 2014 đến nay đã có khoảng 10 vụ lật xe chở alumin. Dốc Lâm Trường trên tuyến Tỉnh lộ ĐT 725 (qua thị trấn Lộc Thắng, Bảo Lâm) là một “điểm đen” trong những vụ lật xe alumin. Bà Nguyễn Thị Hương, nhà ở ngay khúc cua Lâm Trường cho biết: Chỉ vài tháng trở lại đây đã có năm vụ lật xe tại khúc cua này, trong đó có 3 vụ lật xe chở alumin làm một người thiệt mạng, khiến nhiều nhà dân ở sát mặt đường nơi đây lo lắng.
Trước tình trạng trên, UBND huyện Bảo Lâm đã có văn bản đề nghị Công ty TNHH một thành viên Nhôm Lâm Đồng (quản lý Dự Bôxit Tân Rai) phối hợp với các đơn vị vận chuyển alumin có giải pháp chấn chỉnh hoạt động của các xe đi qua địa bàn. Ông Vương Khả Kim, Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm cho biết thêm, huyện cũng kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Lâm Đồng có giải pháp khắc phục những “điểm đen” về tai nạn trên tuyến ĐT 725 và kiểm tra lại thiết kế mặt đường, độ nghiêng tại khúc cua Lâm Trường, bởi trên thực tế, một số tài xế cho rằng khi đi qua khúc cua này họ chạy khá chậm nhưng do mặt đường bị nghiêng về một bên khiến xe dễ bị lật, nhất là xe chở alumin có chiều dài lớn hơn xe thường.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết: “Sau vụ tai nạn chết người vừa qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã tổ chứ chốt trực, kiểm tra tốc độ thường xuyên tại khúc cua này, nhất là vào giờ cao điểm học sinh tan học về. Hơn một tuần trở lại đây, tôi thấy các xe alumin chạy cẩn thận, từ tốn hơn và chủ yếu chạy vào buổi chiều, tối có ít người đi đường”.
Ghi nhận vài ngày gần đây cho thấy, mật độ xe chở alumin từ khu vực nhà máy alumin Tân Rai ra tuyến đường ĐT 725 đã giảm đáng kể, tình trạng 4 - 5 xe nối đuôi nhau rất ít, nhiều tài xế cũng chạy với tốc độ khá chậm. Tại bãi tập kết xe trước cổng số 2 của nhà máy alumin, một số tài xế đang kiểm tra lại các bộ phận của xe để chờ đến giờ vào nhận hàng. Ngồi nghỉ sau giờ giao ca, lái xe Phạm Lê Sang Ngọc Tiến cho biết, sau vụ lật xe alumin làm chết người mới đây, công ty đã gắn thiết bị giám sát hành trình trên từng xe theo yêu cầu của Bộ Giao thông - Vận tải nên các lái xe đều phải tuân thủ tốc độ, tải trọng quy định. Ngoài ra, khi đi qua đường đèo, nhiều tài xế cũng chủ động kiểm tra xe, quan sát kỹ hơn để tránh nguy cơ tai nạn giao thông xảy ra.
Trong Hội nghị kiểm điểm một năm sản xuất và tiêu thụ alumin - hyđroxit nhôm được Vinacomin tổ chức tại Lâm Đồng tháng 8 vừa qua, đơn vị này cho biết: Kể từ khi vận hành chính thức đến năm 2014, nhà máy alumin Tân Rai đã vận hành khoảng 78% công suất thiết kế. Dự kiến từ năm 2015, công suất sẽ được nâng lên 100% với sản lượng 650.000 tấn alumin một năm. Như vậy, khi sản lượng tăng lên, thêm nhiều đơn hàng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu được ký kết (như Vinacomin đã công bố trong Hội nghị nói trên) là đồng nghĩa với nhu cầu xe vận chuyển alumin cũng tăng.
Với lộ trình của xe chở alumin như hiện nay, việc tăng thêm xe alumin hoạt động trên tuyến quốc lộ 20 - vốn có lưu lượng xe tải, xe du lịch khá nhiều càng khiến cho nỗi lo an toàn giao thông trên tuyến đường này gia tăng. Do đó, để đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên những tuyến đường này thì cần có một giải pháp lâu dài và căn cơ hơn chứ không chỉ là những giải pháp tình thế như hiện nay.