Chính trị

“Nước non vạn dặm” – Khắc họa đầy đủ, sinh động về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Minh Anh 19/05/2023 07:29

Có một bộ tiểu thuyết tuy mới “đi” nửa chặng đường nhưng được độc giả vô cùng yêu thích. Bộ tiểu thuyết có tên “Nước non vạn dặm” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về bộ tiểu thuyết đặc biệt này.

cover-ntk.jpg

Tháng 5 về, khi những cánh đồng sen ngào ngạt hương thơm cũng là dịp mà toàn Đảng; toàn quân và dân ta kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ - Vị lãnh tụ vĩ đại, người cha thân thương, tôn kính của dân tộc Việt Nam. Cũng là lúc tâm trí của mỗi người chúng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân lại hồi tưởng về những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời và sự nghiệp của Bác. Có một bộ tiểu thuyết tuy mới “đi” nửa chặng đường nhưng được độc giả vô cùng yêu thích. Bộ tiểu thuyết có tên “Nước non vạn dặm” của tác giả Nguyễn Thế Kỷ. Nhân dịp kỷ niệm 133 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Công lý đã có cuộc trò chuyện với Chủ tịch Hội đồng lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ về bộ tiểu thuyết đặc biệt này.

ntk-1-1.png

PV: Đã có rất nhiều đề tài của các ngành khoa học, văn hóa, văn nghệ nói về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vì sao PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ lại chọn địa hạt văn xuôi để viết câu chuyện về Bác?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Hành trình vạn dặm cứu nước của Hồ Chí Minh là một chặng đường dài với biết bao cuộc trường chinh qua các đại dương và lục địa, ghi nhận sự trưởng thành của một con người về tuổi đời, về nhận thức, tư tưởng, từ thân phận một người dân mất nước trở thành một chiến sĩ cộng sản đầy năng lực và sáng tạo. Nhưng điều có ý nghĩa vô cùng sâu sắc là sự trưởng thành đó gắn liền với vận mệnh của một đất nước, tương lai của một dân tộc.

Cuộc đời, sự nghiệp, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc luôn là nguồn cảm hứng vô tận cho các văn nghệ sĩ cả nước. Riêng lĩnh vực văn xuôi cũng có rất nhiều tác phẩm tiêu biểu như các bộ tiểu thuyết, truyện dài của nhà văn Sơn Tùng: “Búp sen xanh”, “Bông sen vàng”, “Trái tim quả đất”, “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh”, “Cuộc chia ly trên Bến Nhà Rồng”. Nhà văn Hồ Phương có “Cha và con”, nhà văn Hoàng Quảng Uyên có bộ ba tiểu thuyết “Trông với cố quốc”, “Mặt trời Pác Bó”, “Giải phóng”…

Với mong muốn khắc họa đầy đủ, sinh động và lôi cuốn về hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tôi đã viết và cho xuất bản bộ tiểu thuyết “Nước non vạn dặm”. Đây như một câu chuyện về Bác đặt cùng sự tác động của những yếu tố quan trọng như gia đình, hoàn cảnh lịch sử đất nước, thế giới, điều kiện sống, giáo dục, tư chất và những vẻ đẹp tâm hồn.

PV: Vì sao ngay tập đầu tiên nhà văn lại đặt tên “Nợ non nước”?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Bà ngoại của Bác và mẹ của Bác là bà Hoàng Thị Loan đã ru cậu bé Nguyễn Sinh Cung khi còn nhỏ bằng những câu ca, điệu ví, câu dặm xứ Nghệ.

ntk-3-4.png

Các bà, các mẹ ru mong con sau này trở thành ông Nghè, ông Cống nhưng khi quê hương bị xâm chiếm thì nhiệm vụ đầu tiên là nợ nước phải đền. Chính điều đó đã in sâu trong tâm trí của cậu bé Sinh Cung. Và sau này, khi phải lựa chọn giữa việc thi làm quan hay ra đi tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã không do dự mà làm theo lý tưởng từ khi còn nhỏ của mình.

PV: Theo ông sự khác biệt của “Nước non vạn dặm” với những tác phẩm cùng viết về Bác Hồ là như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Với tôi, Nguyễn Sinh Cung cũng giống như bao cậu bé cùng trang lứa bình thường khác. Có chăng, từ khi còn nhỏ cậu đã bộc lộ những phẩm chất có đôi chút đặc biệt. Tuổi thơ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung không mặc định để trở thành bậc vĩ nhân. Mà thay vào đó là sự trong trẻo, thánh thiện, đẹp đẽ với tất cả sự ngây thơ, hồn nhiên của con trẻ. Cậu có cuộc sống bình dị, được sống ấm áp bên gia đình tại làng Chùa quê ngoại.

Một cuộc sống thi vị từ tình yêu thương của ông bà, bố mẹ, chị gái, anh trai, họ hàng, bạn bè. Cung lớn lên trong tiếng võng, lời ru và những thanh âm ngọt ngào của tình gia đình, quê hương. Cậu bé Nguyễn Sinh Cung đã chịu ảnh hưởng sâu sắc tình cảm của người mẹ Hoàng Thị Loan – người mẹ Việt Nam điển hình và cao đẹp. Cũng chính nguồn vốn văn hóa đó đã tạo nên Hồ Chí Minh - một trong những nhà thơ lớn, danh nhân văn hóa thế giới được vinh danh.

Không ai sinh ra đã là vĩ nhân mà đó là kết quả của quá trình học tập, nỗ lực phấn đấu và rèn luyện không ngừng. Với Hồ Chí Minh cũng vậy, tuổi thơ của Bác ngọt ngào, thi vị tình yêu thương nhưng cũng không kém những lo toan, vất vả bởi cuộc sống mưu sinh.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ

Nhưng càng khó khăn, vất vả bao nhiêu thì tinh thần, ý chí của người thanh niên ấy càng được rèn luyện, bồi đắp bấy nhiêu. Cậu học được nhiều điều từ quan sát cuộc sống. Cũng từ đó, Cung cố gắng học tập, gặp gỡ những người thầy, những nhà yêu nước lớn để mở mang biết bao điều về thế sự và hình thành những trăn trở lớn về thời cuộc. Cậu thanh niên Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu có những tư tưởng về cách mạng, về dân tộc.

Lúc này, tư tưởng yêu nước của Nguyễn Tất Thành đã không còn là tư tưởng trong đầu mà thể hiện bằng hành động. Đó là một bước trưởng thành của chàng trai Nguyễn Tất Thành. Sau đó là những chuyến đi xa, những hành trình mà chưa biết điểm kết thúc nhưng chàng trai Tất Thành vẫn bước về phía trước. Bước đi để tìm ra chân lý, bước để tìm lý tưởng cho chính mình và cho quê hương, đất nước. Hành trình đặc biệt của một con người đặc biệt.

PV: Được biết ông đã sử dụng rất nhiều nguồn tài liệu, vậy làm thế nào để không bị tình trạng “no dồn, đói góp”.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Dù chưa từng gặp, tiếp xúc hay trò chuyện với Bác Hồ nhưng tôi may mắn khi có được nguồn tài liệu khổng lồ. Những tư liệu chính thống của Đảng và Nhà nước về Hồ Chí Minh qua bộ Hồ Chí Minh toàn tập, Hồ Chí Minh biên niên tiểu sử, qua những nghiên cứu lịch sử Đảng và những cuốn truyện, tiểu thuyết của các tác giả trong nước và quốc tế.

tho-ntk.jpg

Tôi đã nghiên cứu, tìm hiểu một cách kỹ lưỡng, khoa học những nguồn tài liệu lịch sử. Để từ đó chọn lọc tinh tế những tư liệu đắt giá có khả năng “văn học hóa” để xây dựng và phác họa một hình tượng văn học của riêng mình.

PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ

Là người trưởng thành từ người làm báo, tôi đã sử dụng một cách khoa học những chi tiết, sự kiện lịch sử làm nền móng để sáng tác văn học. Viết tiểu thuyết lịch sử về một vĩ nhân tầm nhân loại là một thách thức lớn. Không những vậy, viết sao để không lặp lại, không kể chuyện lịch sử, không nói điều mà tiền nhân đã nói quá nhiều về Hồ Chí Minh là điều tôi luôn trăn trở. Do vậy, việc điều tiết liều lượng hợp lý giữa văn và sử là nguyên tắc cần tuân thủ. Lý trí và tình cảm, sự thật không thể thêm bớt và sự hư cấu trong sáng tác sẽ khiến nhân vật chân thực.

ntk-2-2.png

PV: Ông đã làm như thế nào để hài hòa được các yếu tố có vẻ như đối lập giữa chính trị và nghệ thuật?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Đặc trưng của nghề làm chính trị và nghề làm nghệ thuật có những nét khác nhau. Nhất là “nồng độ” của sự duy lý và duy tình. Nghệ thuật và chính trị tưởng chừng như là hai khái niệm tách biệt hoàn toàn nhau nhưng khi nhìn nhận lại một cách kỹ càng, ta có thể nhận thấy một mối quan hệ mật thiết giữa nghệ thuật và chính trị, thậm chí rất nhiều là đằng khác.

Trong bức thư của Hồ Chủ tịch gửi đến các nghệ sĩ nhân triển lãm hội hoạ năm 1951, Bác đã viết: “Văn hóa văn nghệ cũng như mọi hoạt động khác, không thể ở ngoài mà phải ở trong kinh tế và chính trị”.

Chúng ta vẫn thường xuyên nói về sự sáng tạo cá nhân và độc lập của những nghệ sĩ và đề cao nó nhưng chúng ta vẫn thường xuyên được dạy về sự tự do trong chừng mực. Mọi hoạt động văn nghệ dù của bất kì cá nhân và các tổ chức nhà nước hay tư nhân nào luôn đều được quản lý và chỉ đạo bởi những nhà lãnh đạo hay các cơ quan có thẩm quyền để cấp phép cho những tác phẩm nghệ thuật ấy ra mắt công chúng.

ky_2.jpg

Vì không đặt nghệ thuật tách khỏi chính trị nên trong tiểu thuyết đã có một nhân vật Hồ Chí Minh. Vừa gắn liền với những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước nhưng cũng là con người biết yêu thương, giận dữ, khổ đau và hạnh phúc, không hề thánh thần, xa lạ.

Sự chuyển biến về tâm lý, tình cảm, tư tưởng, nhận thức của nhân vật Hồ Chí Minh qua sự va chạm, cọ xát với cuộc sống. Qua những biến cố cá nhân và thời đại nên hình tượng của Bác hiện lên từng bước rõ ràng. Cái mộc mạc, bình dị, chân thành làm cho cái vĩ đại trở nên gần gũi, thân thuộc. Vĩ nhân mà không xa lạ.

PV: Dùng nhiều từ ngữ địa phương, bình dị hóa nhiều nhân vật hư cấu có đặt tác giả như “kẻ đi trên dây” khi sợ “phạm lỗi” với Hồ Chí Minh?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: May mắn cũng là người con xứ Nghệ nên tôi đã dùng trái tim để viết về một cuộc đời, một con người hội tụ tâm hồn, trí tuệ của người dân quê mình. Bằng những hiểu biết về lịch sử, văn hóa, địa lý, phong tục tập quán, tín ngưỡng, lề lối sinh hoạt của người dân xứ Nghệ để viết lên bộ tiểu thuyết.

Nhân vật Hồ Chí Minh được hiện lên từ nếp nhà, lối ăn nói, phương thức sinh hoạt, những vật dụng thân thuộc của người dân nơi đây. Từ những câu nói đùa, những thói quen hay những cách ứng xử giữa bà con lối xóm với nhau, giữa những người trong nhà tôi cũng đã được sống như vậy, nên không khó để hình dung, hư cấu, sáng tạo những câu chuyện văn học bên cạnh những sự kiện lịch sử khi nói về Hồ Chí Minh.

the_ky.jpg

Có thể những diễn biến trong lịch sử không phải tuân thủ nghiêm ngặt nhưng không ai cấm sáng tạo văn học, do vậy những hiểu biết về người dân xứ Nghệ đã tạo nên câu chuyện được đảm bảo tính chân thực của một hình tượng văn học đồng thời vẫn là nhân vật lịch sử.

Hình tượng và những hành trình đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở nên gần gũi, thân thuộc với tất cả người dân Việt Nam. Vì đâu đó, họ cũng nhìn được chính mình trong đó. Từ việc phát triển nhận thức, từ cảm nhận tình cảm gia đình rồi đến những nỗi đau. Khán giả như được sống với từng mạch cảm xúc của nhân vật.

PV: “Nợ non nước” một cái tên mang nặng trách nhiệm, gánh vác với Tổ quốc, ông có điều gì nhắn nhủ với thế hệ trẻ qua tác phẩm của mình?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Chọn cách xây dựng hình tượng một nhân vật lịch sử đồng thời cũng là hình tượng văn học nên tôi không đặt mục tiêu to lớn như giáo dục tư tưởng hay định hướng dư luận. Mà đây đơn giản như một cuốn tiểu thuyết nhẹ nhàng, đi sâu vào lòng người. Qua những chi tiết nhỏ để người đọc hiểu và cảm nhận của riêng mình.

PV: PGS. TS đã nghiên cứu rất nhiều tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh, vậy ông có những lời khuyên gì về học tập và làm theo gương Bác dành cho giới trẻ?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cuộc đời của sự siêng năng học tập, cần cù tự học để vượt khó, vươn lên giúp ích cho bản thân và làm nên lịch sử huy hoàng cho dân tộc Việt Nam. Người đã giữ vững tinh thần và ý chí học tập không ngừng trong suốt cuộc đời. Đây là di sản quý báu Người để lại cho những thế hệ người Việt hôm nay và mai sau học tập.

Trong gần mười năm ở Pháp, Bác đã tự học, tự tích lũy được rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm quý báu, hữu ích cho lý tưởng cách mạng của mình. Sau một thời gian tự học miệt mài, có được trình độ hiểu biết sâu rộng, khả năng ngoại ngữ thông thạo, Nguyễn Tất Thành rồi sau này là Nguyễn Ái Quốc (từ năm 1919) đã viết báo và trở thành nhà báo có tiếng ở Paris, là Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tờ báo “Le Paria” (Người cùng khổ). Đỉnh cao có thể kể đến tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” - lời tuyên ngôn đanh thép chống áp bức, bóc lột của nhà cầm quyền Pháp, thể hiện một ngòi bút sắc bén, một trình độ lý luận sâu sắc, là thành quả lớn lao của quá trình tự học của Bác.

Điều các bạn trẻ nên làm theo tấm gương của Bác là việc tự học. Với những sinh viên trường báo chí, việc học ở trong trường được coi là vốn quý nhưng chỉ là ban đầu, sau này ra nghề thì phải học bạn, học những người đi trước. Để có một tác phẩm hay phải có lao động báo chí.

Bên cạnh đó, thế hệ trẻ hiện nay bị văn hóa nghe nhìn lôi cuốn mạnh hơn là văn hóa đọc. Ai cũng biết văn hóa nghe nhìn nặng về tính thông tin và giải trí nhưng nhẹ về tính giáo dục và tri thức. Văn hóa đọc thì ngược lại. Văn hóa nghe nhìn và văn hóa đọc bổ sung cho nhau, không loại trừ nhau. Ở các nước có một nền giáo dục lành mạnh, văn hóa đọc sẽ giành lại được vị trí của mình.

Trong bài nói chuyện tại hội nghị chuyên đề sinh viên quốc tế Bác tâm sự: “Về văn hóa tôi chỉ học hết tiểu học, về phổ thông: 17 tuổi tôi mới nhìn thấy ngọn đèn điện đầu tiên, 20 tuổi mới nghe radio lần đầu”. Vậy mà Người đã có một trí tuệ phi thường, một sự hiểu biết đáng khâm phục, như nhà nghiên cứu Vasiliep đã nhận xét: “Hiếm có chính khách nào của thế kỉ XX có thể sánh được với Hồ Chí Minh về trình độ học vấn, tầm hiểu biết rộng lớn và sự thông minh trong cuộc đời”.

Một đứa trẻ được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những câu chuyện cổ tích bà kể, cho đến lúc trưởng thành, sách luôn là cánh cửa rộng mở những chân trời kiến thức, là vốn sống, là những những gì chân thực, sống động mà ở đó, trong mỗi chúng ta sẽ được nhìn lại, và được nhìn thấy những chân trời xa hơn.

PV: Vâng, xin trân trọng cảm ơn PGS. TS Nguyễn Thế Kỷ.

Nội dung: Minh Anh (thực hiện) - Ảnh: Tư liệu - Kỹ thuật, đồ họa: Mai Đỉnh

Minh Anh