TAND cấp cao tại TP.HCM và TAND 23 tỉnh, thành phía Nam ký kết quy chế phối hợp
Chiều 18/5, TAND cấp cao tại TP.HCM và TAND 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam tổ chức buổi lễ ký kết quy chế phối hợp trong công tác chuyển giao hồ sơ, tài liệu vụ án, kiến nghị, giải quyết kiến nghị và xét xử trực tuyến.
Tham dự buổi lễ có Chánh án TAND cấp cao tại TP.HCM Trần Văn Châu, Viện trưởng VKSND cấp cao tại TP.HCM Nguyễn Đình Trung, các Phó Chánh án, lãnh đạo các Tòa, Phòng thuộc TAND cấp cao tại TP.HCM và ban lãnh đạo 23 TAND các tỉnh, thành từ Đắk Nông đến Cà Mau.
Quy chế phối hợp nhằm tăng cường trách nhiệm trong phối hợp chỉ đạo, quản lý điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ của lãnh đạo các đơn vị; Tăng cường trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được giao của mỗi cơ quan nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác.
Bên cạnh đó, quy chế còn tạo cơ chế làm việc liên thông, bảo đảm sự phối hợp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tồn tại phát sinh trong thực tiễn phối hợp, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của TAND khu vực phía Nam.
Về phối hợp trong chuyển giao hồ sơ vụ án theo trình tự phúc thẩm, TAND cấp cao và TAND 23 tỉnh thành cam kết: TAND cấp tỉnh gửi hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị và chứng cứ, tài liệu cho TAND cấp cao trong thời hạn 7 ngày làm việc đối với vụ án hình sự kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị; 5 ngày đối với các vụ án khác. Khi chuyển hồ sơ vụ án có kháng cáo, kháng nghị, TAND cấp tỉnh phải gửi kèm danh sách tất cả các vụ việc có nội dung, tính chất tương tự (án dây) nếu có.
Đối với kháng cáo quá hạn, trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được đơn kháng cáo hoặc biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đối với các trường hợp chậm nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, TAND cấp tỉnh phải gửi đơn kháng cáo, bản tường trình của người kháng cáo về lý do kháng cáo quá hạn và chứng cứ, tài liệu cho TAND cấp cao.
Vụ việc có kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm thì Thẩm phán chủ tọa phiên tòa đã ra bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị phải gửi bản giải trình trong đó nêu rõ quan điểm đối với quyết định kháng nghị cho TAND cấp cao ngay sau khi nhận được quyết định kháng nghị.
Trường hợp TAND cấp cao hủy bản án, quyết định của TAND các cấp để giải quyết lại thì phải gửi hồ sơ vụ việc cho TAND có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày ra bản án, quyết định.
Khi TAND cấp cao kiến nghị khắc phục, xử lý các sai sót, vi phạm trong hoạt động tố tụng của TAND cấp tỉnh, cần chủ động nghiên cứu, đánh giá những vi phạm, vướng mắc trong việc phối hợp giữa các cơ quan trong công tác tố tụng hình sự, dân sự, hành chính để có hướng giải quyết kịp thời, đúng quy định.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận thông tin kiến nghị và các tài liệu có liên quan, TAND cấp cao tiến hành xử lý các đề xuất, kiến nghị của TAND cấp tỉnh và thông tin kết quả giải quyết cho cơ quan đã kiến nghị biết để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
TAND cấp tỉnh nghiên cứu, tiếp thu và khắc phục kịp thời những vấn đề vi phạm, vướng mắc trong hoạt động tố tụng theo kiến nghị của TAND cấp cao và thông báo kết quả khắc phục, giải quyết đến TAND cấp cao.
Đối với công tác xét xử trực tuyến, trước khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử trực tuyến 7 ngày, TAND cấp cao thông báo, gửi kế hoạch xét xử trực tuyến cho Tòa án nơi lựa chọn điểm cầu thành phần biết để chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực hỗ trợ phiên tòa trực tuyến.
Trường hợp phiên tòa trực tuyến được kết nối với cơ sở giam giữ, trụ sở UBND tỉnh, các sở, ban, ngành hoặc điểm cầu thành phần do Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước địa phương bố trí thì Tòa án địa phương làm cầu nối, liên kết giữa điểm cầu trung tâm với các điểm cầu thành phần được thống nhất.
Bên cạnh đó, quy chế quy định phối hợp trong công tác trao đổi nghiệp vụ trong trường hợp vụ án phức tạp và có vướng mắc; phối hợp trong cung cấp bản mềm (tệp văn bản định dạng .doc hoặc .docx) bản án, quyết định có kháng cáo, kháng nghị.
Văn phòng TAND cấp cao, Văn phòng TAND cấp tỉnh làm đầu mối để theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tham mưu, tổng hợp, báo cáo việc triển khai, thực hiện và đề xuất những vấn đề mới, phát sinh trong quá trình thực hiện cần sửa, bổ sung cho phù hợp.
Định kỳ tổ chức hội nghị để đánh giá về công tác phối hợp giữa các Tòa án trong năm và đề ra phương hướng, trọng tâm công tác phối hợp trong năm tới theo hình thức luân phiên.
Trước đó, TAND cấp cao tại TP.HCM tổ chức thảo luận, rút kinh nghiệm công tác xét xử với TAND 23 tỉnh, thành khu vực phía Nam.