Khẳng định tầm quan trọng của Việt Nam đối với Nhật Bản
Chính trị - Ngày đăng : 10:41, 17/05/2023
Ông Matsumoto Nobuyuki - Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM có cuộc trao đổi với phóng viên trước thềm chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến ngày 21/5/2023.
Chuyến công tác diễn ra trong bối cảnh năm 2023, Việt Nam - Nhật Bản kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao. Trưởng Đại diện JETRO tại TPHCM kỳ vọng chuyến công tác cũng như các hoạt động trao đổi kinh tế và văn hóa tích cực sẽ làm sâu sắc thêm sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, thương mại song phương Việt Nam-Nhật Bản tăng trưởng đều đặn hằng năm, với kim ngạch xuất nhập khẩu gần như cân bằng.
Năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam-Nhật Bản đạt gần 50 tỷ USD, đưa Nhật Bản trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam, trong đó Việt Nam xuất sang Nhật Bản đạt gần 25 tỷ USD.
“Đây được coi là dấu hiệu cho thấy sự tích hợp chuỗi cung ứng của cả hai quốc gia. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đang được tái cấu trúc trong những năm gần đây, các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao từ Nhật Bản đã và đang mở rộng sang Việt Nam”, Trưởng Đại diện JETRO đánh giá.
Việt Nam đóng một vai trò rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các công ty Nhật Bản.
Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản đã rút ra kinh nghiệm và đang hợp tác chặt chẽ, hiệu quả để ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng sau đại dịch.
Ông Matsumoto Nobuyuki đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã rất nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng và sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.
Ba đề xuất cải thiện môi trường đầu tư
Nhân dịp này, người đứng đầu JETRO tại TPHCM cũng đưa ra ba khuyến nghị giúp Việt Nam hấp dẫn hơn trong mắt của các nhà đầu tư Nhật Bản.
Thứ nhất, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả của thủ tục hành chính.
Khi các công ty Nhật Bản bắt đầu mở rộng sang Việt Nam, họ cần phải xin nhiều loại giấy phép khác nhau, nhưng một số thủ tục vẫn còn phức tạp. Do đó, phải mất nhiều thời gian để có được các giấy phép như giấy phép đầu tư và lao động, và điều đó có nghĩa là chi phí con người phát sinh trong quá trình này cũng rất lớn.
Thứ hai, phát triển nguồn nhân lực trình độ cao, hợp tác chặt chẽ hơn giữa nhà trường và các công ty Nhật Bản.
Cụ thể, các công ty Nhật Bản đang tìm kiếm lao động kỹ thuật cơ khí và kỹ thuật điện lành nghề, tốt nghiệp các trường đại học. Ngoài ra, doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cũng vướng phải rào cản ngôn ngữ. Do đó, nhu cầu về nhân sự có kỹ năng tiếng Nhật sẽ tiếp tục cao trong thời gian tới.
"Tại Việt Nam, có rất ít kênh tiếp cận nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại trừ một số trường đại học. Các công ty Nhật Bản thường đăng quảng cáo tuyển dụng trên trạng xã hội hoặc nhờ trung tâm môi giới việc làm giới thiệu, nhưng chúng tôi muốn khuyến khích các trường đại học và các tổ chức giáo dục khác tại Việt Nam tăng cường liên kết, hợp tác với các công ty Nhật Bản", ông Matsumoto Nobuyuki nói.
Điều quan trọng là Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu về lao động chất lượng cao bằng cách thay đổi chương trình giảng dạy một cách linh hoạt. Trong một số trường hợp, các công ty Nhật Bản tại Việt Nam đã cho mượn thiết bị sản xuất hiện đại để hỗ trợ đào tạo thực tế. JETRO mong muốn hai bên liên kết chặt chẽ nhất quán từ thực tập đến làm việc.
Thứ ba, phát triển các khu công nghiệp ở các thành phố lớn và các khu vực lân cận.
Theo ông Matsumoto Nobuyuki, hiện các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao đặc biệt đòi hỏi số lượng lớn lao động được đào tạo bài bản, nên các khu vực mà các ngành này đang mở rộng chắc chắn chỉ giới hạn ở các thành phố lớn và các khu vực lân cận.
Tuy nhiên, tỉ lệ lấp đầy của các khu công nghiệp hiện tại ở những khu vực này rất cao và không có chỗ cho những doanh nghiệp muốn mở rộng sang Việt Nam.
Ông Matsumoto Nobuyuki đề nghị Chính phủ Việt Nam bắt đầu phát triển các khu công nghiệp càng sớm càng tốt, đặc biệt là tại TPHCM và các tỉnh lân cận, nơi có cơ sở hạ tầng phát triển.