Ai chịu trách nhiệm trong vụ cháy khiến 3 người chết ở Hải Phòng?
Vụ cháy tại cơ sở kinh doanh phòng trà Nhật - Hàn (Akatsuki) ở số 144 phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khiến 3 nhân viên làm việc tại quán tử vong. Vậy, vấn đề bồi thường cho các nạn nhân ra sao? Trách nhiệm pháp lý của chủ cơ sở kinh doanh thế nào?
Yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan (nếu có)
Ngày 13/5, cơ quan chức năng quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng thông tin về vụ cháy ở số 144 đường Văn Cao, phường Đằng Giang, quận Ngô Quyền làm 3 nạn nhân tử vong.
Các nạn nhân tử vong đều là nữ, được xác định là B.T.H.Y.; N.U.Nh.; N.N.A., tuổi 18-21 đều trú tại TP. Hải Phòng và là nhân viên làm việc tại quán.
Thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, quận Ngô Quyền tiếp tục nắm tình hình, chỉ đạo cơ quan Công an bảo vệ hiện trường, phối hợp các lực lượng chức năng của Công an thành phố điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy, xác minh danh tính của các nạn nhân để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.
Sau khi xảy ra vụ cháy, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện về vụ cháy tại số 144, phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Công điện gửi Bộ trưởng Bộ Công an và Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng, nêu rõ hồi 14h ngày 12/5, xảy ra vụ cháy cơ sở kinh doanh Phòng trà Nhật - Hàn tên Akatsuki tại số 144 phố Văn Cao, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm 3 người tử vong.
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình người bị nạn và có ý kiến chỉ đạo UBND TP. Hải Phòng tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ vật chất, tinh thần gia đình người bị nạn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu UBND TP. Hải Phòng phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng chức năng tập trung khắc phục hậu quả, khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ cháy, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có).
Ai chịu trách nhiệm bồi thường?
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Quang Xá, Giám đốc Công ty Luật TNHH XTVN, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội chia sẻ, đây là vụ việc nghiêm trọng gây tổn thất lớn về người và tài sản. Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh các vấn đề liên quan vụ hỏa hoạn, từ đó xác định trách nhiệm pháp lý của cá nhân liên quan.
Phân tích những tình huống pháp lý dưới góc độ pháp luật, Luật sư Xá cho biết: Theo quy định hiện hành, kinh doanh phòng trà là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Cơ sở kinh doanh phải có đủ điều kiện đảm bảo an ninh trật tự, an toàn về phòng cháy, chữa cháy mới được phép hoạt động.
Trường hợp xác định nguyên nhân vụ cháy là do chủ cơ sở không tuân thủ quy định về phòng cháy, chữa cháy, không đủ điều kiện đảm bảo an toàn về phòng cháy chữa cháy, dẫn đến chập điện hoặc có những nguyên nhân khách quan nào khác dẫn đến vụ cháy xảy ra, chủ cơ sở sẽ là người chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại về người và tài sản.
Nếu cơ sở kinh doanh đã có đủ giấy phép nhưng trong quá trình hoạt động, nhân viên quán không đảm bảo quy tắc vận hành, quy định về phòng cháy, chữa cháy vì nhân viên không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động, để xảy ra sự việc thì một phần cũng do lỗi của chủ quán trong việc quản lý người lao động thì chủ quán phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại về người và tài sản cho các nạn nhân.
“Trong trường hợp chủ cơ sở kinh doanh chưa đáp ứng đầy đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy nhưng vẫn được cấp phép hoạt động thì cá nhân, cơ quan có thẩm quyền cấp phép và những người có trách nhiệm liên quan (nếu có) sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc quản lý của mình”, luật sư Xá cho hay.
Cháy do chập điện sẽ xử lý như thế nào?
Trước câu hỏi trên, luật sư Xá cho biết, nếu quán kinh doanh phòng trà Nhật – Hàn (Akatsuki) đáp ứng đủ tất cả các điều kiện được hoạt động theo quy định pháp luật, việc chập điện xảy ra do các yếu tố khách quan như sét đánh, lỗi hệ thống điện,… mà nhân viên quán không thể lường trước được, đã áp dụng các biện pháp khắc phục như ngắt cầu dao điện, cố gắng dập lửa,… nhưng không thành thì có thể coi là sự kiện bất khả kháng.
Trường hợp đủ yếu tố xác định nguyên nhân vụ hỏa hoạn xảy ra do sự kiện bất khả kháng, căn cứ Điều 584 BLDS 2015, chủ quán sẽ không phải bồi thường cho các nạn nhân.
Tuy nhiên, nếu việc chập điện xảy ra do các yếu tố khách quan nhưng chủ cơ sở không đáp ứng đủ các điều kiện về phòng cháy, chữa cháy hoặc quá trình hoạt động không đảm bảo quy tắc vận hành, các quy định về an toàn lao động thì chủ cơ sở vẫn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bồi thường cho các nạn nhân.
Nếu xác định có yếu tố lỗi, người gây thiệt hại sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho các nạn nhân trong vụ hỏa hoạn theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015.
Công an TP. Hải Phòng khuyến cáo các biện pháp an toàn PCCC
Đối với đơn vị quản lý về PCCC và chính quyền địa phương: Cần tổ chức triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Công an TP và Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH về thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trên địa bàn quản lý; thường xuyên tổ chức tuyên tuyền, nhắc nhở các cơ sở thuộc diện quản lý và nhân dân qua các kênh thông tin nhằm giúp người dân cảnh giác, đề phòng để hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cháy và thiệt hại do cháy.
Nắm chắc cơ sở quản lý việc thực hiện về công tác đảm bảo an toàn PCCC theo quy định; tổ chức điều tra cơ bản; kiểm tra định kỳ, đột xuất và có biện pháp, hướng dẫn và kiến nghị thực hiện khắc phục các thiếu sót đặc biệt về hệ thống điện; xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm có nguy cơ dẫn đến cháy, nổ và các hành vi vi phạm khác.
Đối với cơ quan, doanh nghiệp: Thực hiện tốt các điều kiện an toàn PCCC theo quy định trong quá trình sản xuất và khi nghỉ lễ, ngừng hoạt động, sản xuất và khi hoạt động trở lại nên vận hành từng công đoạn, tránh đồng loạt vận hành đóng điện sẽ gây quá tải, chạm chập gây cháy, nổ...
Tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC nhằm phát hiện kịp thời các thiếu sót; kiểm tra bảo dưỡng phương tiện PCCC đảm bảo sẵn sàng hoạt động hiệu quả khi cần; tắt điện tại các khu vực làm việc, dây chuyền sản xuất khi không sử dụng; phân công người trực tại cơ quan doanh nghiệp 24/24 theo quy định.
Đối với người dân và các hộ kinh doanh: Nên cẩn trọng trong việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, nguồn điện khi nấu nướng vui chơi. Khi đi chơi xa, ra khỏi nhà phải kiểm tra an toàn PCCC tại nhà và tắt hệ thống điện giảm nguy cơ gây cháy do điện. Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn PCCC trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh: không sạc điện thoại, xe đạp, xe máy điện, thiết bị tiêu thụ điện qua đêm, không thể giám sát... Thường xuyên nhắc nhở, cảnh giác đề phòng cháy nổ và tham gia các hoạt động PCCC; trang bị sẵn bình chữa cháy, phương tiện thoát nạn...