Nhiễm trùng, nổi u cục sau tiêm thuốc tiêu mỡ
Sau 2 tuần tiêm thuốc tan mỡ, người phụ nữ 40 tuổi xuất hiện nhiều u cục bất thường ở má, nọng cằm, tay, bụng, dấu hiệu hoại tử.
Khoảng 3 tháng trước, chị L.T.T. (40 tuổi, ở Thái Nguyên) muốn giảm cân ở một số vùng trên cơ thể, nhưng không muốn phẫu thuật. Qua giới thiệu, chị T. đến chỗ người quen, là một cơ sở spa làm đẹp.
Ở đây, chị được nhân viên cơ sở tư vấn tiêm thuốc tiêu mỡ, được quảng cáo là chỉ cần một liệu trình điều trị là hiệu quả giảm cân tức thì, không cần nghỉ dưỡng, không động chạm dao kéo.
Do tin tưởng, chị đã đồng ý làm dịch vụ và được tiêm những hợp chất không rõ nguồn gốc vào nhiều vùng cơ thể. Tuy nhiên, 2 tuần sau tiêm, vị trí tiêm mặt sau bắp tay hai bên và nhiều vùng trên cơ thể xuất hiện những cục mụn bất thường. Đặc biệt, khi sờ vào có cảm giác cứng, tức khó chịu, nhưng cơ sở thẩm mỹ lại giải thích đây là do thuốc tác dụng chậm, tan từ từ.
"2 tháng sau tiêm, những khối u cục, mụn cứng chắc tăng lên, viêm tấy lan tỏa. Nhiều mụn nhỏ rỉ chảy dịch mủ, máu và đau", chị T. nhớ lại.
Chị T. được cơ sở thẩm mỹ liên tục đưa cho nhiều đơn thuốc kháng sinh, giảm đau nhưng tình trạng lại không thuyên giảm, ngày càng chuyển biến xấu hơn nên chị đến Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) khám.
Ngày 13/5, ThS.BS Phạm Duy Linh, Khoa Phẫu thuật Tạo hình - Thẩm mỹ cho biết, vùng bắp tay hai bên của bệnh nhân xuất hiện nhiều ổ viêm kích thước đa dạng khoảng 1-2,5cm; hai má, nọng cằm, vùng bụng có nhiều cục xơ cứng, có những ổ biểu hiện áp xe, viêm đỏ và vỡ, chảy dịch mủ. Kết quả siêu âm cũng cho thấy có các ổ giảm âm, có vỏ, thâm nhiễm xung quanh, trong lòng có dịch.
BS Linh đã phẫu thuật chích rạch những khối áp xe vỡ mủ, cấy khuẩn và làm sạch ổ viêm. Bệnh nhân sau mổ được chăm sóc thay băng, điều trị thuốc kháng sinh theo kết quả kháng sinh đồ, các thuốc chống viêm hàng ngày.
Sau 1 tuần điều trị những ổ áp xe đã hết hẳn biểu hiện chảy dịch và viêm nhiễm, các cục u xơ đã teo nhỏ.
"Điều trị tai biến tiêm tan mỡ là điều trị khó, bệnh nhân cần được theo dõi lâu dài và điều trị tích cực. Một số bệnh nhân sau điều trị ổn vẫn có thể tái phát và hậu quả là có thể để lại di chứng sẹo xấu sau phẫu thuật", BS Linh cho hay.
Theo BS Linh, có 3 nguyên nhân gây tai biến là thuốc không rõ nguồn gốc, kỹ thuật tiêm sai và không đảm bảo vô trùng trong kỹ thuật tiêm.
Hiện, các hình thức tiêm tan mỡ chưa được Bộ Y tế cấp phép. Bên cạnh đó, người sử dụng thường bị viêm tại chỗ do nhiễm trùng. Nếu tiêm quá gần ở trên bề mặt da, thuốc có thể gây loét vùng da tại vị trí tiêm. Còn tiêm quá sâu, nguy cơ gây hoại tử tại chỗ tiêm và lan đến các vùng khác của cơ thể.
Ngoài ra, các thuốc tiêm tan mỡ đều trôi nổi, khi vào cơ thể sẽ gây phản ứng rất mạnh, gây viêm, sưng tấy tại chỗ, chảy dịch, mủ, hoại tử. Một số trường hợp không kiểm soát được thuốc, gây teo cơ, lõm da, mất thẩm mỹ.
Bác sĩ khuyến cáo nguyên nhân mỡ tích lũy là do chế độ ăn uống, vận động không hợp lý trong thời gian dài. Do đó, người dân cần điều chỉnh chế độ ăn uống kèm với tập luyện. Nếu có nhu cầu can thiệp giảm béo, người bệnh nên đến các bệnh viện chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ để được tư vấn lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp.