Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng: Quyết tâm thực hiện thành công đề án Thừa phát lại
Đời sống - Ngày đăng : 07:59, 20/10/2014
Để tìm hiểu vấn đề này, phóng viên Báo Công lý đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng.
PV: Trên địa bàn TP. Hải Phòng hiện có bao nhiêu đơn vị thực hiện Thừa phát lại, kết quả thực hiện trong thời gian qua như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có hai Văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động, đặt trụ sở tại quận Hồng Bàng và huyện Thủy Nguyên. Sắp tới sẽ có thêm một Văn phòng nữa đặt tại quận Lê Chân. Như vậy, Hải Phòng đã hoàn thành 100% chỉ tiêu (3/3) Văn phòng Thừa phát lại theo Đề án đã được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt tại Quyết định số 2498/QĐ-BTP ngày 11/10/2013. Hải Phòng cũng đang trình Bộ Tư pháp xem xét, bổ nhiệm một cán bộ Thừa phát lại để tăng cường cho các Văn phòng Thừa phát lại.
Tuy mới thành lập nhưng các Văn phòng Thừa phát lại tại Hải Phòng đã tổ chức triển khai hoạt động và đã đạt được một số kết quả nhất định. Cụ thể, các Văn phòng đã lập 28 vi bằng, xác minh điều kiện thi hành án bốn việc, ký hợp đồng dịch vụ tống đạt với các Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự theo Thông báo số 619/TB-STP ngày 15/8/2014 của Sở Tư pháp và đã tống đạt 88 văn bản.
Ông Nguyễn Xuân Bình
PV: So với các địa phương khác, quá trình tổ chức thực hiện Thừa phát lại, Hải Phòng gặp những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Hải Phòng là một trong 13 tỉnh, thành trong cả nước được lựa chọn tiếp tục mở rộng thí điểm Thừa phát lại theo Nghị quyết của Quốc hội. Do đó, việc triển khai thực hiện Thừa phát lại được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp thành phố đặc biệt quan tâm, chỉ đạo tập trung, thống nhất ngay từ khâu khảo sát lập Đề án, tổ chức thực hiện đến công tác thể chế, tuyên truyền, phổ biến, tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại, thành lập, đăng ký hoạt động Văn phòng Thừa phát lại và quản lý, tạo điều kiện cho Văn phòng Thừa phát lại tổ chức, hoạt động. Vì Hải Phòng là đô thị đang phát triển mạnh nên nhu cầu sử dụng dịch vụ pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp ngày càng tăng.
Bên cạnh những thuận lợi, quá trình triển khai thực hiện Thừa phát lại cũng tồn tại những khó khăn. Bởi Thừa phát lại còn trong giai đoạn thực hiện thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cơ sở lý luận, pháp lý và thực tiễn còn đang trong quá trình nghiên cứu, hoàn thiện nên vẫn còn nhiều vướng mắc. Thừa phát lại và việc sử dụng dịch vụ Thừa phát lại còn mới mẻ nên nhu cầu của cơ quan, tổ chức, người dân chưa nhiều.
PV: Được biết, cuối năm 2015, Chính phủ sẽ tổng kết việc thí điểm mô hình này. Để đạt được thành tựu nổi bật, đóng góp những mô hình, sáng kiến trong việc chính thức triển khai Thừa phát lại trên phạm vi toàn quốc, trong thời gian tới, Hải Phòng cần phải làm gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Thời gian tới, Hải Phòng tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động Thừa phát lại cả về nhận thức, thể chế cũng như công việc; mở rộng việc giao lưu, hợp tác để học hỏi kinh nghiệm của các địa phương khác, thậm chí của các nước đã triển khai thực hiện có hiệu quả chế định này. Bên cạnh đó, Hải Phòng sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Bộ Tư pháp; trong đó, một trong những điểm đòn bẩy là phải nâng cao năng lực, nội lực của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn thành phố.
PV: Thời gian qua, trên địa bàn Hải Phòng có xảy ra các vụ đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, vậy việc quản lý, tổ chức hoạt động Thừa phát lại ở Hải Phòng khiến ông lo ngại điều gì?
Ông Nguyễn Xuân Bình: Trước hết, chúng ta cần thống nhất về nhận thức, Thừa phát lại không phải là “đòi nợ thuê”, mà theo quy định của pháp luật, Thừa phát lại là "công lại", nhằm từng bước xã hội hóa hoạt động thi hành án dân sự. Thừa phát lại thực hiện bốn loại việc: Tống đạt văn bản của Tòa án, Cơ quan thi hành án dân sự; lập vi bằng; xác minh điều kiện thi hành án; tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án (trừ trường hợp thuộc thẩm quyền chủ động của Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự). Hoạt động Thừa phát lại được tiến hành theo quy trình tư pháp nghiêm ngặt và chịu sự quản lý của cơ quan nhà nước, theo quy định của pháp luật. Việc sử dụng các dịch vụ pháp lý nói chung và dịch vụ của Thừa phát lại nói riêng giúp người dân, doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn, thêm quyền chủ động để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, giúp hạn chế các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật hay những cách hành xử không đúng pháp luật.
Hiện nay, cùng với việc tiếp tục tạo điều kiện cho các Văn phòng Thừa phát lại được thành lập, hoạt động và phát triển, chúng tôi đang quan tâm đến vấn đề năng lực, nội lực của các Văn phòng Thừa phát lại, làm sao để các Văn phòng này có thể đáp ứng tốt yêu cầu công việc, bảo đảm việc thí điểm thành công.
Chúng tôi tin tưởng rằng, với sự quyết tâm cao, Hải Phòng sẽ thực hiện thành công chủ trương thí điểm Thừa phát lại của Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tư pháp.
PV: Xin cảm ơn ông!