Hà Nội: Hơn 500 tiểu thương phản đối xây chợ thành Trung tâm thương mại
Đời sống - Ngày đăng : 17:14, 17/10/2014
Tiểu thương chợ Thành Công kêu cứu
Cụ thể, vào ngày 13/10, Ban quản lý chợ Thành Công triệu tập cuộc họp, gồm các tổ trưởng, tổ phó các ngành hàng, thông báo miệng rằng từ giờ cho tới ngày 15/11, các tiểu thương trong chợ phải chuyển ra mương Nguyên Hồng để Ban quản lý chợ bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư triển khai dự án xây Trung tâm thương mại.
Ngay sau khi nhận được thông báo, hơn 500 tiểu thương trong chợ đã lên tiếng phản đối kịch liệt việc biến chợ thành Trung tâm thương mại. Họ căng biểu ngữ trước cổng chợ với nội dung cầu cứu các cơ quan chức năng và yêu cầu dừng chuyển chợ thành Trung tâm thương mại.
Trong khi đó, vào đêm ngày 13/10, chủ đầu tư đã đưa một số máy móc vào chợ để khoan thăm dò địa chất. Các tiểu thương đã yêu cầu chủ đầu tư dừng ngay các hoạt động thăm dò và di chuyển máy móc ra khỏi chợ.
Hiện tại, ban ngày, các hoạt động buôn bán tại chợ Thành Công vẫn diễn ra bình thường. Ban đêm, các tiểu thương tập chung tại cổng chợ từ 20h - 2h sáng kiên quyết phản đối việc biến chợ thành Trung tâm thương mại.
Chiều ngày 16/10, một lá đơn có chữ ký của các tiểu thương chợ Thành Công đã được gửi tới các cơ quan chức năng phản đối việc xây chợ thành Trung tâm thương mại.
Chị Hoàng Thị Tình, bán hàng ở dãy hàng mã, chợ Thành Công nói: “Tôi thấy là chưa hợp tình, hợp lý bởi vì chẳng có 1 cuộc họp, chẳng có thông báo gì cho người dân tự dưng vác máy khoan đến chợ vì thế chúng tôi không đồng ý. Đêm nay là đêm thứ 3 chị em chúng tôi trực ở đây để phản đối việc xây chợ thành Trung tâm thương mại”.
Một tiểu thương bức xúc, phản đối việc xây chợ thành Trung tâm thương mại
Còn chị Dung, một tiểu thương đã gắn bó với chợ Thành Công suốt 23 năm cho biết, chị cũng như các tiểu thương khác không hề nhận được một văn bản nào từ Ban quản lý chợ hay chủ đầu tư về việc xây Trung tâm thương mại.
Chính vì thế, khi nhận được thông tin phải di chuyển khỏi chợ trong tháng 11 chị hết sức bức xúc: “Chúng tôi rất bức xúc bởi chợ là chợ dân sinh, chợ truyền thống đã tồn tại nhiều năm và nuôi sống biết bao gia đình.
Giờ đây, chỉ một cuộc họp đơn giản mà nói toàn bộ chị em trong chợ chuyển đi, thì chị em không đồng ý. Trong khi đó, chúng tôi không hề biết chủ đầu từ là ai và kế hoạch xây Trung tâm thương mại là như thế nào?”.
Chị Dung đặt ra giả thiết, sau khi xây xong Trung tâm thương mại, chị em ở chợ Thành Công muốn vào buôn bán lại ở đó lại phải bỏ ra hàng trăm triệu đồng thì không biết “ đào” tiền ở đâu.
Các tiểu thương trong chợ bày tỏ nguyện vọng được giữ lại chợ và tiến hành cải tạo chợ cho sạch sẽ, khang trang chứ nhất định không chịu để chợ truyền thống biến thành Trung tâm thương mại.