Tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng TANDTC và Ban cán sự đảng VKSNDTC
Ngày 11/5, tại Hà Nội, Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC đã ký kết Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp. Lễ ký kết có sự chứng kiến của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam.
Trong chương trình chuyến thăm và làm việc của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSNDTC; trước sự chứng kiến của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC và đồng chí Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Viện trưởng VKSNDTC đã ký kết Nghị quyết liên tịch về tăng cường công tác phối hợp giữa Ban cán sự đảng TANDTC và Ban cán sự đảng VKSNDTC.
Mục tiêu của Nghị quyết liên tịch là tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận về cải cách tư pháp của Đảng, Hiến pháp, pháp luật nhằm xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm; bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh, thống nhất, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Cùng với đó, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa TAND và VKSND các cấp nhằm thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Đồng thời, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức TAND, VKSND, nhất là các chức danh như Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Điều tra viên đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Nghị quyết nêu rõ, việc phối hợp hoạt động được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, bảo đảm vai trò, trách nhiệm của mỗi cơ quan. Việc phối hợp phải được thực hiện thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, đúng quy định của pháp luật và quy định của Đảng.
Trước đó, ngày 22/3/2016, Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC đã ký kết Nghị quyết số 01 về tăng cường công tác phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ.
Ngày 25/6/2022, Hội nghị sơ kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 01 đã đánh giá nhiều kết quả nổi bật như: Công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm cơ bản được thực hiện kịp thời; công tác truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng phức tạp do Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo bảo đảm kịp thời, hiệu quả.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị quyết số 01 vẫn còn một số hạn chế nhất định, một số nội dung chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác trong tình hình mới. Do vậy, Ban cán sự đảng Ban cán sự đảng VKSNDTC và Ban cán sự đảng TANDTC đã thống nhất xây dựng và ký kết Nghị quyết liên tịch mới để sửa đổi, bổ sung và khắc phục các hạn chế nhằm tăng cường công tác phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chức năng, nhiệm vụ giữa hai cơ quan, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Trước đó, phát biểu tại buổi làm việc với Ban cán sự đảng, Lãnh đạo VKSNDTC, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá cao ngành kiểm sát nhân dân về kết quả đã đạt được thời gian qua. Theo đó, ngành đã quán triệt và thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng về phòng, chống tham nhũng tiêu cực, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án trọng điểm, góp phần khẳng định quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.
Nêu những khó khăn, thách thức trong thời gian tới, trong đó có nhiều yếu tố tác động đến công tác của ngành kiểm sát, Chủ tịch nước đề nghị ngành tiếp tục quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là trong xây dựng Nhà nước pháp quyền Xã hộ chủ nghĩa và xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại.
Chủ tịch nước yêu cầu ngành kiểm sát khắc phục triệt để việc giải quyết các vụ án quá hạn luật định, phải trả hồ sơ điều tra bổ nhiều sung lần.
Ngành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo và các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, đấu tranh với các thế lực thù địch, cơ hội chính trị, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Nhấn mạnh, quyền lực trong hoạt động tư pháp là rất lớn, tác động trực tiếp đến quyền cơ bản của công dân, đến số phận và sinh mệnh của mỗi con người, đến danh dự mỗi cơ quan, tổ chức, Chủ tịch nước đề nghị ngành Kiểm sát nắm vững và thực hiện đúng chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp; không ngừng nâng cao năng lực, hiệu quả công tác này, nhất là phát huy vai trò cơ quan điều tra của Viện Kiểm sát, bảo đảm cơ quan này thực sự là một trong những thiết chế quan trọng kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp, vừa răn đe, vừa cảnh báo, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần làm trong sạch đội ngũ cán bộ tư pháp.
Ngành kịp thời phát hiện, kháng nghị xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; thực hiện tốt cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước, ngăn chặn lạm quyền, bảo đảm thượng tôn pháp luật.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thực hiện tốt kiểm sát hoạt động tư pháp cũng chính là góp phần kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của Viện Kiểm sát nói riêng.
Đáng chú ý, Chủ tịch nước yêu cầu qua các vụ án, vụ việc, ngành Kiểm sát cần nghiên cứu, đánh giá, phát hiện, chỉ ra những kẽ hở của cơ chế, chính sách, pháp luật và công tác quản lý, kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, hoàn thiện thể chế; kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khắc phục vi phạm "chỉ rõ ra văn bản luật nào, văn bản dưới luật nào có kẽ hở cần phải điều chỉnh, cần sửa".
Chủ tịch nước lưu ý, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, ngành phải đặc biệt quan tâm nhiệm vụ đào tạo, giáo dục, xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm sát có đạo đức cách mạng, bản lĩnh, kinh nghiệm, tính chiến đấu cao, trọng danh dự, tâm huyết, chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn. Công việc của cán bộ kiểm sát hằng ngày, hằng giờ đối mặt, đấu tranh với những sai phạm, tiêu cực trong xã hội, với những cám dỗ đời thường, vì thế, mỗi cán bộ của ngành phải thấm nhuần và thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ "công minh, chính trực, khách quan, thận trọng khiêm tốn".
Dưới sự điều hành của đồng chí Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các đại biểu đã phát biểu ý kiến tham luận, tập trung về các vấn đề: Những khó khăn, vướng mắc trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; giải quyết các vụ án liên quan đến tội phạm công nghệ cao, tội phạm không gian mạng; tương trợ tư pháp về hình sự trong giải quyết các vụ án. Phó Chánh án Thường trực TANDTC Nguyễn Trí Tuệ cũng có bài phát biểu tham luận tại hội nghị.