Tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư
Sáng nay 11/5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, UBTVQH cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK, CLP) năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Theo báo cáo của các Bộ ngành, địa phương, tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2022 là 53.887 tỷ đồng.
Quy mô nợ công của Việt Nam giảm so với 2021, bằng khoảng 3,6 triệu tỷ đồng, tương đương 38% GDP; cơ cấu nợ công, nợ Chính phủ tiếp tục được cải thiện theo kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025 và định hướng Chiến lược nợ công đến năm 2030 đã đề ra.
Báo cáo cũng nêu mục tiêu của Chính phủ phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN năm 2022 đạt 95-100% kế hoạch, giải ngân 100% vốn ngân sách địa phương, giải ngân tối thiểu 50% vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội được giao, yêu cầu tổng khối lượng huy động vốn vay của Chính phủ năm 2022 khoảng 619.492 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng chỉ ra nhiều hạn chế, trong đó có tiến độ cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Công tác xử lý một số dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Công tác triển khai phân bổ chi NSNN chậm, nhất là các nhiệm vụ chi thuộc Chương trình phục hồi, Chương trình mục tiêu quốc gia, giao chi tiết các nguồn vốn thuộc kế hoạch năm 2022 của một số bộ, ngành, địa phương. Việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt yêu cầu, tiến độ đề ra, nhất là đối với vốn ODA, ưu đãi nước ngoài; còn nhiều dự án sử dụng vốn ngoài nước triển khai chậm, dẫn đến kéo dài thời gian thực hiện và làm tăng phần phí cam kết phải trả trên số vốn chưa giải ngân.
Đặc biệt, áp lực tăng vay, điều kiện thị trường vốn quốc tế và trong nước không thuận lợi dẫn đến mặt bằng lãi suất tăng, phản ứng chính sách của các nước cũng gây sức ép giảm giá đồng Việt Nam, ảnh hưởng nghĩa vụ trả nợ; hệ thống pháp luật trong nước có nhiều thay đổi đáng kể dẫn đến sự khác biệt ngày càng tăng giữa quy định của nhà tài trợ và quy định pháp luật trong nước, nhất là về vấn đề thuế, quyền miễn trừ đối với bên cho vay, đấu thầu, ký hợp đồng thương mại,...
Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Phạm Thúy Chinh cho rằng, Chính phủ chưa đánh giá về những lãng phí mà cử tri, nhân dân bức xúc, quan tâm nhiều trong các năm qua là việc các công trình đầu tư công không phát huy được hiệu quả. Điển hình như một số công trình chợ, bệnh viện,… xây xong không được đưa vào sử dụng, không phát huy được công năng, gây lãng phí.
Bên cạnh đó, Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng chỉ rõ báo cáo của Chính phủ được trình bày theo hướng liệt kê các kết quả đạt được mà chưa có những đánh giá, phân tích và mối quan hệ, sự chuyển biến tổ chức thực hiện và kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, chế độ, định mức.
Báo cáo về những tồn tại, hạn chế, bất cập trong báo cáo chưa tương xứng với những nội dung về kết quả đạt được; thiếu số liệu chi tiết để đánh giá đầy đủ, chính xác về phạm vi, tính chất, mức độ của những tồn tại đó; nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế còn chung chung... Hay việc lập dự toán NSNN chưa sát thực tế, công tác quản lý, sử dụng NSNN còn một số hạn chế; chi chuyển nguồn còn lớn, chậm được khắc phục, gây lãng phí và giảm hiệu quả sử dụng nguồn vốn.
Theo cơ quan thẩm tra, dự toán thu NSNN năm 2022 được xây dựng khá thận trọng, chưa thực sự sát với thực tế (năm 2022 thu NSNN tăng 403,8 nghìn tỷ đồng, cao hơn 28,6% so với dự toán). Tỷ trọng thu ngân sách Trung ương đang có xu hướng giảm dần trong tổng thu NSNN, ảnh hưởng đến vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, đặc biệt trong việc cân đối nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, các dự án quan trọng quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cả nước và các vùng theo Chủ trương của Đảng và Nghị quyết của Quốc hội.
Cơ cấu thu NSNN chưa bền vững, phần lớn tăng thu từ đất (thực hiện đạt 209 nghìn tỷ đồng, vượt 74.000 tỷ đồng, tăng 54,8% so với dự toán), dầu thô (thực hiện đạt 78.000 tỷ đồng, vượt 49.800 tỷ đồng, tăng 176,7% so với dự toán), xổ số kiến thiết (vượt 6.300 tỷ đồng, tăng 18,4% so với dự toán). Một số khoản thu đạt thấp, nhất là thu từ hoạt động sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, thực hiện đạt 3,8 nghìn tỷ đồng, giảm 26.200 tỷ đồng (-87,2%) so với dự toán do tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp chậm.
Đại diện cơ quan thẩm tra cũng chỉ ra tình trạng lãng phí trong quản lý, sử dụng nguồn lực đầu tư. Đó là, công tác lập kế hoạch đầu tư vốn NSNN chưa sát với khả năng thực hiện dẫn đến không phân bổ được hết kế hoạch vốn được giao, còn tình trạng “vốn chờ dự án đủ thủ tục”, dự kiến vốn trước rồi mới tiến hành làm thủ tục đầu tư.
Việc phân bổ, giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 chưa hoàn thành. Đến nay, Chính phủ mới trình Quốc hội để phân bổ số vốn còn lại 279.992,317 tỷ đồng. Còn 31/51 bộ và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 75% kế hoạch. Nhiều dự án sử dụng vốn nước ngoài triển khai chậm, kéo dài thời gian thực hiện, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 42,47% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh cơ cấu NSNN, siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính, đề cao vai trò người đứng đầu trong lĩnh vực này nhằm tiết kiệm, tránh lãnh phí.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, UBTVQH cơ bản thống nhất với các nhiệm vụ giải pháp năm 2023 Chính phủ đã nêu và Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị bổ sung, trong đó yêu cầu cụ thể hơn là giải pháp đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; cần tiếp tục khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong đấu thầu, chỉ định thầu, chào hàng cạnh tranh ở các bộ, ngành và các địa phương trong mua sắm, quản lý đầu tư công, đất đai, tài sản công, cổ phần hóa.
Cùng với đó là sửa đổi, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách về định mức, tiêu chuẩn chế độ; khắc phục tình trạng phân bổ dự toán chậm, giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp; tiếp tục sắp xếp, tổ chức lại bộ máy biên chế của các cơ quan nhà nước tiết kiệm chi; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cán bộ, công chức, viên chức; đẩy mạnh hơn nữa cải cách hành chính và nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ.