Chủ tịch nước: Quân đoàn 1 cần chăm lo công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân
Chính trị - Ngày đăng : 23:09, 20/03/2016
Được thành lập ngày 24/10/1973, t rong cuộc Tổng tiến công mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 1 vừa thực hiện thắng lợi nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa - hậu phương chiến lược của cả nước, vừa chủ động khắc phục những khó khăn to lớn về cơ động, hậu cần - kỹ thuật và chuẩn bị chiến trường, đã tổ chức cuộc hành quân “thần tốc” chưa từng có trong lịch sử quân đội ta từ Bắc vào Nam, chỉ trong 11 ngày đêm đã vượt chặng đường dài hơn 1.700 km, kịp thời vào trực tiếp tham gia chiến đấu trên hướng Bắc Sài Gòn trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với lối đánh “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, Quân đoàn đã kiên quyết tiến công, táo bạo bất ngờ đánh chiếm những mục tiêu quan trọng có tính chiến lược trong hệ thống phòng thủ của địch trên hướng Bắc Sài Gòn; tiêu diệt và bức hàng hoàn toàn Sư đoàn 5 ngụy, giải phóng tỉnh Bình Dương; táo bạo thọc sâu đánh chiếm Bộ Tổng Tham mưu - cơ quan đầu não của Quân nguỵ Sài Gòn, Quận lỵ Gò Vấp, Tiểu khu Gia Định, góp phần quan trọng giải phóng Sài Gòn - Gia Định.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm cán bộ, chiến Quân đoàn 1 (Bộ Quốc phòng). Ảnh: TTXVN
Trước yêu cầu nhiệm vụ mới, các đơn vị của Quân đoàn 1 được trang bị thêm nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật hiện đại; tổ chức nhiều cuộc diễn tập chiến đấu hiệp đồng quân binh chủng phục vụ công tác nghiên cứu khoa học - nghệ thuật quân sự, “làm mẫu” thực nghiệm cho toàn quân huấn luyện chiến đấu.
Nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ quân đoàn, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang biểu dương những chiến công hiển hách của đơn vị qua hơn 40 năm thành lập, đặc biệt là kịp thời tham gia giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Chủ tịch nước nhấn mạnh, trong tình hình mới, Đảng ủy Quân đoàn quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội XII đến từng cán bộ chiến sĩ, làm tốt hai nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước căn dặn, Quân đoàn 1 cần nêu cao trách nhiệm, vừa sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu thắng lợi, đồng thời làm tốt công tác tham mưu cho quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng. Đây là nghĩa cử của lớp người đi sau với các thế hệ đã cống hiến hy sinh để làm nên ngày toàn thắng 30/4, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Cùng với chú trọng xây dựng đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ chiến sĩ của Quân đoàn 1 cần chăm lo công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân; góp sức xây dựng hệ thống chính trị địa phương.
Trong không khí cả nước hướng đến ngày 30/4 lịch sử, Chủ tịch nước mong muốn cán bộ chiến sĩ quân đoàn lập nhiều chiến công mới. Chủ tịch nước cũng lưu ý, cả nước đang chuẩn bị tiến hành bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cán bộ, chiến sĩ quân đoàn cần tích cực, sáng suốt lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào Quốc hội, HĐND các cấp.
Thăm Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Ninh Bình, Chủ tịch nước hoan nghênh kết quả lực lượng vũ trang tỉnh đã đạt được trong năm 2015 và những tháng đầu năm 2016. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Ninh Bình có vị trí quan trọng ở Nam Sông Hồng, cửa ngõ Thủ đô. Trong chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, Ninh Bình là địa bàn đóng quân chiến lược của quân dân Đại Việt trước khi thực hiện các đợt phản công chiến lược giành thắng lợi. Vùng đất địa linh nhân kiệt Hoa Lư đã đóng góp sức người, sức của cho công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Chủ tịch nước đề nghị phát huy truyền thống anh hùng, cùng với công tác huấn luyện, cán bộ chiến sĩ cần chú trọng công tác dân vận; xem đây là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị nhưng lực lượng vũ trang phải là nòng cốt.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dâng hoa, thắp hương và thăm Khu di tích lịch sử Đền thờ Vua Đinh Tiên Hoàng. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước yêu cầu Bộ chỉ huy quân sự tỉnh cần thường xuyên phân tích, đánh giá, tham mưu đúng, kịp thời, chính xác cho cấp ủy, chính quyền chủ động trong mọi tình huống, không để bị động bất ngờ, qua đó xây dựng lực lượng địa phương vững mạnh và khu vực phòng thủ vững chắc bảo đảm thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới.
Làm việc với cán bộ chủ chốt tỉnh Ninh Bình về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn, Chủ tịch nước đánh giá cao tỉnh Ninh Bình đã sớm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp vào cuộc sống. Những năm qua, Ninh Bình đã mạnh dạn tìm hướng đi phù hợp để đưa địa phương có bước phát triển tích cực. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn thách thức, tỉnh đã xác định 3 khâu đột phá và 7 trọng tâm nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn. Năm 2015 và những tháng đầu năm 2006 sản xuất nông nghiệp ổn định, tổng giá trị sản xuất đạt hơn 8.000 tỷ đồng, giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác đạt 97 triệu đồng; đã có 40 xã/119 xã đạt chuẩn nông thôn mới. Cùng với đó, giá trị sản xuất công nghiệp phát triển nhanh, tăng 21% so với năm trước.
Chủ tịch nước cho rằng thời gian tới bên cạnh thuận lợi, đất nước sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhất là sức ép cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập với những tiêu chí cao. Chủ tịch nước đề nghị Ninh Bình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lựa chọn giống cây trồng vật nuôi có thế mạnh gắn với ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo thành chủ trương và nhất quán trong chỉ đạo điều hành, coi đây là nhiệm vụ cấp bách.
Chủ tịch nước nhấn mạnh một trong những hạn chế của công nghiệp hóa hiện nay là sau 30 năm Đổi mới, chúng ta vẫn chưa hình thành được lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Do vậy, cần tổ chức thống kê lại các sản phẩm công nghiệp, từ đó tìm hướng tăng cường hàm lượng chế tạo, gia tăng tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi giá trị sản phẩm, tạo ra tính thực chất của tăng trưởng GDP; tận dụng tối đa hạ tầng cơ sở, đẩy công nghiệp và dịch vụ lên một nấc thang mới. Mục tiêu trước mắt của hội nhập, Việt Nam phải đạt được trình độ có thể so sánh với các nước ASEAN ở tốp trên.
Nhấn mạnh Ninh Bình là nơi hội tụ nhiều di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Khu di tích Đinh-Lê, Trường Yên, vườn quốc gia Cúc Phương, danh thắng Tràng An…, Chủ tịch nước cho rằng đi đôi với khai thác ngành kinh tế mũi nhọn là du lịch, cần phải bảo tồn, tôn tạo, gìn giữ giá trị văn hóa, lịch sử, tạo thêm sản phẩm du lịch mới hấp dẫn, thu hút du khách trong và ngoài nước.
Tại Ninh Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến thắp hương tưởng nhớ các bậc tiên liệt, anh hùng dân tộc tại Đền Vua Đinh, vua Lê Đại Hành và Nhà bia tưởng niệm Lý Công Uẩn, vị vua đã quyết định dời đô về Kinh thành Thăng Long vào năm 1010.