Lấy phiếu tín nhiệm và việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm
Tình trạng cán bộ e dè, không dám làm có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sợ trách nhiệm đang là vấn đề rất nóng hiện nay.
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến trong phiên họp diễn ra từ hôm nay (9/5), có một phần nội dung liên quan đến công tác này.
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu/bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn được UBTVQH cho ý kiến trong tuần này có các nội dung được đưa ra làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm gồm: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.
Trong tiêu chí về phẩm chất chính trị, Quốc hội, HĐND khi lấy phiếu tín nhiệm sẽ xem xét khả năng quy tụ, đoàn kết nội bộ và xử lý những vấn đề khó, phức tạp, nhạy cảm; sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật… Một trong những tiêu chí xem xét việc thực hiện nhiệm vụ căn cứ vào tính năng động, đổi mới, sáng tạo, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của cán bộ và việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Tuy nhiên, tình trạng cán bộ, công chức co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung đang là thực trạng đáng lo ngại đang diễn ra ở nhiều địa phương.
Tình trạng cán bộ “ba không”
Mới đây, tại buổi làm việc của Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính với TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã có phát biểu đáng chú ý về thực trạng cán bộ thực thi công vụ tại thành phố.
Ông cho biết, hiện nay tình trạng lo ngại trong thực hiện công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức là có thật. Ban Thường vụ Thành ủy TP. Hồ Chí Minh sẽ có chỉ thị về nội dung này, đồng thời kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo sớm hoàn thiện khung pháp lý để cán bộ công chức yên tâm thực hiện công vụ theo hướng vừa chống tham nhũng có hiệu quả vừa kiến tạo môi trường phát triển.
Còn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung thì chỉ rõ tình trạng “ba không” đang diễn ra ở thành phố đó là: không nói; không tham mưu, đề xuất; không triển khai hoặc cầm chừng, vừa làm vừa nghe ngóng. Thực tế, nhìn rộng ra, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, không dám quyết, dám làm không chỉ là chuyện riêng của TP. Hồ Chí Minh mà diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, từ Trung ương cho đến địa phương.
Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an cũng chia sẻ, thực tế hiện nay không chỉ ở TP. Hồ Chí Minh mà cả nước có tình trạng lo ngại, e dè trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.
Đó là tình trạng co cụm, cầu an, thận trọng quá mức trong điều hành, xử lý công việc chung. Có những việc thuộc thẩm quyền giải quyết nhưng quá thận trọng, không dám quyết nên phải lấy ý kiến rất nhiều cơ quan có chức năng.
Khẳng định tình trạng trên không thể đổ lỗi cho việc xử lý mạnh tay các vụ việc, vụ án vừa qua, cũng như không có việc hình sự hóa các quan hệ kinh tế, hành chính, dân sự, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc xử lý các vụ việc, vụ án vừa qua như một bài thuốc đặc trị.
Thứ trưởng Lê Quốc Hùng cũng cho rằng, TP. Hồ Chí Minh cần cân nhắc các giải pháp mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn để có một chỉ thị đủ sức tháo gỡ tình trạng trên.
Phát biểu của Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi đã lý giải một phần nào nguyên nhân tăng trưởng kinh tế quý I/2023 của địa phương này sụt giảm, chỉ đạt 0,7%, xếp thứ thứ 56/63 địa phương. Kết quả không chỉ khiến các cấp lãnh đạo lo lắng mà còn gây “sốc” cho khá nhiều người, bởi từ trước đến nay, TP. Hồ Chí Minh là đầu tàu của cả nước phát triển kinh tế; với một đội ngũ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám hành động, đột phá vì lợi ích chung.
Tình trạng sợ sai, sợ rủi ro, dẫn đến thành phố không dám quyết, dám làm, việc trong thẩm quyền nhưng vẫn phải hỏi xin ý kiến Trung ương. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng dẫn chứng, thời gian qua thành phố có 584 văn bản hỏi ý kiến, và Bộ đã có 604 văn bản trả lời. Đáng lưu ý là hầu hết các vấn đề được hỏi thuộc thẩm quyền của thành phố. “Đây là điều rất vô lý, cho thấy chúng ta sợ hoặc đùn đẩy nhau, bởi với tần suất văn bản hỏi như cách TP. Hồ Chí Minh làm thời gian qua, thì mỗi ngày Bộ KH&ĐT phải trả lời 2 văn bản của riêng thành phố này’, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lo ngại.
Cơ chế nào để bảo vệ cán bộ?
Tại buổi làm việc của Tổ công tác số 1 của Thủ tướng Chính phủ về giải ngân vốn đầu tư công đối với 17 đơn vị mới đây cho thấy kết quả hết sức lo ngại, khi trong quý I có đến 13/17 đơn vị chưa giải ngân được đồng nào.
Hay trong báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương, đơn vị gần đây cũng xuất hiện tình trạng này. Đây cũng là một trong những nguyên nhân được nêu ra để giải thích cho tình trạng thiếu thuốc, vật tư thiết bị y tế ở các bệnh viện chậm khắc phục; có tiền mà không tiêu được, giải ngân vốn đầu tư công chậm trễ.
Các chuyên gia cũng cho rằng, tình trạng sợ sai, sợ rủi ro không dám quyết, dám làm, dám đột phá lại có chiều hướng gia tăng trong những năm gần đây, nguyên nhân chính là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, còn nhiều vướng mắc, mâu thuẫn, dẫn đến rủi ro giữa đúng và sai. Bên cạnh đó, thời gian qua khi kỷ luật, kỷ cương được siết chặt; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nghiêm minh, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” khiến cán bộ e sợ không dám làm sai, trong khi khối lượng công việc phải giải quyết có xu hướng tăng nhanh, khiến cho sự ùn tắc ngày càng nhiều.
Một số ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, nhất là sau khi vướng vào một số vụ án, vụ việc, cùng với những vướng mắc của hệ thống pháp luật, sự năng động, tính sáng tạo, đột phá của thành phố đã giảm đi rất nhiều.
Năm 2022, chỉ số PCI của TP. Hồ Chí Minh giảm 13 bậc. Đáng nói, trong cấu phần PCI, chỉ số gia nhập thị trường của thành phố xếp thứ hạng 43; tiếp cận đất đai xếp thứ 54; chi phí không chính thức xếp thứ 60; tính năng động của chính quyền tỉnh là 62.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, bên cạnh một số cán bộ không dám quyết, dám làm, không dám chịu trách nhiệm thì cũng có nguyên nhân khách quan là khó tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật. Chỉ riêng lĩnh vực đất đai, các quy định của các văn bản luật đã nhiều, các quy định của các văn bản dưới luật còn nhiều hơn nữa. Đó là chưa nói tới rủi ro của việc áp dụng pháp luật hồi tố. Giá đất có thể thay đổi thường xuyên, nên quyết định giá nào thì sau 5-7 năm thì vẫn có thể chênh lệch rất lớn với giá thị trường. Nếu điều luật thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng được áp dụng, thì rủi ro phải chịu trách nhiệm pháp lý là rất dễ xảy ra.
Bên cạnh đó, nếu pháp luật vẫn còn chồng chéo, thì rủi ro càng lớn. Có trường hợp theo luật này là đúng, nhưng theo luật kia có thể lại chưa đúng, khả năng bị xử lý rất cao. Thế nên không dám quyết, không dám làm, không dám đổi mới cũng là điều dễ hiểu.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh, nguyên Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nguyên Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cũng đánh giá: Đây là vấn đề thực tiễn hiện nay và rất khó giải quyết.
Qua khảo sát của VCCI về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, suốt 15 năm qua, câu hỏi thường xuyên đặt ra mà các DN cũng rất quan tâm là khi các văn bản pháp luật của Trung ương không quy định, hoặc quy định không chi tiết, không cụ thể hoặc có sự hiểu không thống nhất thì chính quyền địa phương có năng động, sáng tạo để giải quyết vướng mắc đó không? Câu trả lời hầu hết về mức độ hài lòng của DN là rất thấp. Bởi vì các văn bản, hay quyết định của Trung ương không rõ ràng thì địa phương hoặc không thực hiện, không dám làm, hoặc là có những trường hợp đề nghị không làm vì lo sợ.
Do vậy, Luật sư Huỳnh cho rằng, cần thiết phải có cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm. Bộ chính trị cũng đã ban hành Kết luận số 14/2021 thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về cơ chế khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong giai đoạn hiện nay điểm rất quan trọng và cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đang xây dựng dự thảo Nghị định khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Dự thảo nghị định này, nhận được nhiều sự quan tâm của các tầng lớp trong xã hội với hy vọng khắc phục được tình trạng cán bộ “sợ sai, sợ trách nhiệm” không dám làm hiện nay.