Giải quyết tình trạng di cư tự phát: Cần nhiều giải pháp đồng bộ
Đời sống - Ngày đăng : 08:02, 11/10/2014
Hệ lụy từ di cư tự phát
Theo số liệu Tổng điều tra năm 2009, số người di cư giữa các tỉnh trong 5 năm 1994 - 1999 là 2 triệu người, 5 năm 2004 - 2009 là 3,4 triệu người, tăng 1,4 triệu người, như vậy, cứ mỗi năm số người di cư tăng trung bình từ 8 - 10%. Báo cáo của khu vực Tây Bắc cũng cho thấy, từ năm 1975 đến quý I/2014, tại 92 huyện thuộc 14 tỉnh, thành phố có khoảng 55.000 hộ di dân tự do. Khu vực Tây Nguyên là nơi có số hộ di dân tự do đến nhiều nhất, với gần 190.000 hộ, khoảng 1 triệu nhân khẩu.
Đến vùng đất mới, người di cư tự phát gặp rất nhiều khó khăn. Vì tự bỏ đi nên nhiều hộ gia đình không cắt khẩu, chuyển khẩu cho nên địa phương sở tại không biết, khi đến nơi ở mới cũng không nhập khẩu, không khai báo nên chính quyền nơi đó cũng không hay. Những người di cư không được cấp đất sản xuất mới, con cái không được đến trường, cuộc sống vẫn chỉ là tạm bợ, một số hộ dân phải đi làm thuê, tỷ lệ đói nghèo cao. Do thiếu đất sản xuất, cơ sở hạ tầng không có, dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và văn hóa không được hưởng nên tình trạng chiếm rừng, phá rừng, mua bán đất trái phép và tranh chấp đất đai diễn ra khá phổ biến tại những khu vực dân di cư đến gây mất trật tự an ninh xã hội tại địa phương.
Căn nhà của một hộ dân di cư tự phát
Tại Đắk Nông, hiện còn gần 10.000 hộ dân di cư tự do đến đang sống phân tán, chưa được hưởng các dự án sắp xếp ổn định hoặc bố trí theo quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Tình trạng dân di cư tự do đã phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch bố trí, sắp xếp và quản lý dân cư ở các địa phương. Di dân tự do còn tác động đến Chương trình mục tiêu Quốc gia về giảm nghèo, mỗi năm Đắk Nông thực hiện quyết liệt cũng chỉ giảm được 2 - 3%, bởi vì cứ giảm được vài chục hộ thì lại có những hộ khác di cư tự do vào địa phương, theo đó số hộ nghèo rất khó giảm. Tiếp đó là ảnh hưởng đến Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đạt 20% số xã đạt các tiêu chí nhưng nếu rà soát thì cũng chỉ được 12 - 13% là tối đa bởi khoảng hơn 10.000 hộ sinh sống rải rác ở trong rừng thì làm sao xây dựng được nông thôn mới. Điều này cũng gây nhiều khó khăn về công tác quản lý dân cư và đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Khó cũng phải làm
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng dân tộc Quốc hội cho biết, có những địa phương có người di cư đi chính quyền cũng không biết và ngược lại, họ đến nơi ở mới, chính quyền ở đó cũng không biết dẫn đến có tình trạng, có những hộ dân vào Tây Nguyên phá rừng trồng cà phê cao bằng đầu người mà chính quyền sở tại cũng không biết, vậy thì, trách nhiệm của chính quyền địa phương như thế nào, nhất là cán bộ quản lý hộ tịch? Giải quyết vấn đề di cư tự phát, ông Ksor Phước cho rằng, chúng ta cần tuân thủ tất cả các quy định của pháp luật liên quan đến quyền công dân và công tác quản lý đất đai nhằm đảm bảo đầy đủ các quyền công dân cho người di cư, nhất là quyền tự do cư trú, nhưng cũng không nằm ngoài các quy định của pháp luật.
Ông Hoàng Xuân Lương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, cần phải thống nhất quan điểm trong đánh giá tình hình, nguyên nhân của tình trạng di cư, từ đó chúng ta mới đề xuất những giải pháp mang tính chiến lược quốc gia để tham mưu cho Trung ương có những quyết sách đúng nhất.
Theo PSG.TS Ngô Quang Sơn, Viện trưởng Viện Dân tộc, cần thống nhất quan điểm quyền lựa chọn cư trú là quyền tự do của mọi công dân, để các quyền tự do cư trú đó của công dân được thực hiện thì nhà nước phải chủ động xây dựng tổng thể quy hoạch dân cư, dự báo những nơi thường xảy ra thiên tai, nơi thiếu các điều kiện sản xuất để điều động dân cư có kế hoạch. Đồng thời giải quyết ổn định vấn đề cả nơi đi và nơi đến. Những nơi dân đã di cư tự phát sống thành cộng đồng phải lập ngay dự án ổn định cuộc sống, cấp hộ khẩu để người dân được hưởng các chính sách của nhà nước.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của địa phương, ông Triệu Tài Vinh, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang cho rằng, không nên dùng các biện pháp, công cụ hành chính để hạn chế dòng di cư mà nên hướng tới các chính sách cụ thể. Trước mắt, cần đầu tư phát triển kinh tế tại địa phương, ưu tiên các chính sách phát triển cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nếu một dự án công nghiệp xây dựng ở thành phố thu hút nhiều lao động nông thôn thì chi bằng chuyển dự án đó về khu vực nông thôn để giảm tải cho thành phố các vấn đề xã hội mà lại giúp địa phương giải quyết việc làm, lao động được làm việc tại chỗ theo hướng “ly nông không ly hương”.
Xác định di cư tự phát là vấn đề toàn cầu mang tính quy luật trong quá trình phát triển, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, bất cứ quốc gia nào đều phải đối mặt với tình trạng di cư tự phát. Dù biết rằng đây là việc khó, nhưng khó cũng phải làm vì mục tiêu ổn định xã hội, bảo đảm quyền công dân cho mỗi người. Phó Thủ tướng khẳng định, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của người dân, nhất là ở các khu công nghiệp tập trung, các vùng đặc biệt khó khăn, khu vực biên giới và những khu vực có nhiều dân cư đến sinh sống. Phó Thủ tướng cho rằng, giải quyết vấn đề di cư tự phát cần nhiều giải pháp đồng bộ. Đó là sự phối hợp nhịp nhàng của nhiều cấp, nhiều ngành, từ xây dựng thể chế pháp luật, chỉ đạo điều hành, phối hợp triển khai, đánh giá kết quả chính sách, điều chỉnh chính sách kịp thời, nhân rộng mô hình tốt, đặc biệt là sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương, động viên người dân, giáo dục ý thức cho người dân không bỏ làng bản, quê hương, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu di cư tự do vào các vùng có nhiều thuận lợi... Trước mắt, các địa phương cần đẩy mạnh chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống của người dân để họ an cư lạc nghiệp.