Thúc đẩy thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ vùng dân tộc thiểu số
Đời sống - Ngày đăng : 21:25, 09/10/2014
Nhiều chính sách giảm nghèo và hỗ trợ dân tộc thiểu số
Những năm qua, công tác xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững là ưu tiên hàng đầu trong đường lối, chính sách phát triển của Đảng, Nhà nước. Nhờ các thành tựu về tăng trưởng kinh tế, sự tập trung ưu tiên và những nỗ lực to lớn trong thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Việt Nam đã đạt những bước tiến vượt bậc, hoàn thành trước thời hạn mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo.
Do đó, các chương trình và chính sách giảm nghèo của Chính phủ đã được xây dựng tập trung trên ba chiến lược chính như thúc đẩy các hoạt động sản xuất và sinh kế để tăng thu nhập cho người nghèo, tăng cường khả năng tiếp cận của người nghèo đến các dịch vụ xã hội, tăng cường năng lực và nâng cao nhận thức của người dân ở các vùng nghèo.
Những chiến lược này được hiện thực hóa bằng các chương trình quốc gia hỗ trợ giảm nghèo và phát triển xã hội, tập trung mạnh mẽ cho các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo. Trong đó, có thể kể đến các chương trình giảm nghèo dài hạn như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010; Chương trình phát triển kinh tế-xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135) giai đoạn I và giai đoạn II; Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo trong giai đoạn 2009-2020 (Chương trình 30a)... Vấn đề đảm bảo nhà ở cho người thu nhập thấp, đồng bào dân tộc thiểu số cũng được Đảng, Nhà nước quan tâm.
Từ năm 2005 đến nay, Nhà nước đã ban hành hơn 70 văn bản chỉ đạo định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Chính phủ luôn chỉ đạo ưu tiên nguồn lực cho lĩnh vực an sinh xã hội và giảm nghèo. Tổng nguồn vốn huy động cho mục tiêu giảm nghèo từ năm 2005-2012 là hơn 864.000 tỷ đồng. Kết quả, trong khoảng 20 năm qua, hàng chục triệu hộ gia đình Việt Nam đã thoát nghèo. Năm 2013, đã có 621.000 lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất; 634 lao động tại các huyện nghèo vay vốn đi xuất khẩu lao động; 196.000 lượt học sinh, sinh viên vay vốn với doanh số 5.335 tỷ đồng; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trên 13 triệu người nghèo và dân tộc thiểu số... Đây là một thành tựu to lớn, quan trọng thể hiện việc thực hiện thắng lợi chiến lược xóa đói, giảm nghèo của Việt Nam và thực hiện tốt cam kết các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn
Tuy nhiên, hiện nay hệ thống chính sách về giảm nghèo đang chồng chéo, trở thành yếu tố cản trở việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo. Nhiều chính sách chưa được giải quyết dứt điểm theo mục tiêu đề ra do thiếu nguồn lực và thực hiện còn nhiều vướng mắc như chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào nghèo dân tộc thiểu số... Hiện, theo chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, cơ quan chức năng đang tập trung rà soát, đề xuất, thiết kế các chính sách giảm nghèo mang tính hệ thống; hình thành duy nhất một Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo chung để ưu tiên nguồn lực cho các huyện nghèo, xã nghèo, thôn bản đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số.
Thu hẹp khoảng cách vùng miền
Ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, mặc dù Việt Nam đã đạt được những thành tích đáng kể trong việc thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ nhưng vẫn còn có khoảng cách chênh lệch giữa nhóm đồng bào dân tộc thiểu số so với nhóm dân tộc Kinh hay giữa các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống so với các vùng đồng bằng, đô thị. Theo ông Sơn Phước Hoan: “Nếu không có nỗ lực vượt bậc, rất nhiều khả năng Việt Nam sẽ không thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ cho các vùng và nhóm dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số”.
Bà Pratibha Mehta, Điều phối viên Liên hợp quốc tại Việt Nam cho biết, xây dựng Khung kế hoạch hành động thúc đẩy thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số là công cụ lập kế hoạch bài bản cho phép đặt mục tiêu cụ thể, xác định rõ các khó khăn, hỗ trợ xếp loại ưu tiên về các giải pháp và nguồn lực sẵn có để thực hiện một cách khả thi các mục tiêu đặt ra. Khung kế hoạch này sẽ giúp Việt Nam tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực thực hiện các chương trình và chiến lược quốc gia hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận và đóng góp ý kiến cho đề cương Khung kế hoạch thúc đẩy thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ ở vùng dân tộc thiểu số, đề xuất các giải pháp để tháo gỡ các khó khăn và đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ.
Cụ thể, chương trình xóa bỏ nghèo cùng cực đã có nhiều chính sách giảm nghèo cho đồng bào dân tộc thiểu số nhưng còn manh mún, chồng chéo, vì thế cần sắp xếp lại các chính sách giảm nghèo cho phù hợp. Phổ cập giáo dục tiểu học cần cân nhắc đầu tư trọng điểm cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số thay vì đầu tư dàn trải trên một phạm vi rộng. Dạy tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số là cần thiết và cần tiếp tục đẩy mạnh, tăng cơ sở vật chất cho các lớp ghép thôn bản để vừa đáp ứng mục tiêu huy động trẻ đến trường vừa nâng cao chất lượng giáo dục, tăng đào tạo nghề, tạo việc làm cho thanh niên dân tộc thiểu số.
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần củng cố hệ thống cơ sở dữ liệu tốt hơn về yếu tố giới, đưa yếu tố giới vào các chương trình liên quan đến hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường các hỗ trợ đảm bảo sức khỏe sinh sản cho phụ nữ dân tộc thiểu số, thực hành tốt về dinh dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ y tế cấp cơ sở...
Để hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, đưa sinh kế lâm nghiệp thực sự trở thành nguồn thu nhập đáng kể, các địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt giao đất, giao rừng, nghiên cứu quy hoạch vùng sản xuất và dân cư phù hợp, phát triển hệ thống canh tác bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu…
Các nguyên tắc xây dựng Kế hoạch hành động tại vùng dân tộc thiểu số cần phải khắc phục được những bất cập về cơ chế, đặc biệt rà soát, sắp xếp lại hệ thống chính sách dân tộc theo hướng: Giảm thiểu chồng chéo; Hài hòa công tác quản lý, điều phối; Giảm thiểu chi phí quản lý; Tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực hiện có”. (Ông Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng Chính sách Dân tộc- Ủy ban Dân tộc). |