Tin nhanh

Lễ đăng quang với những nghi thức cổ xưa của Vua Charles III

Hà Mai 06/05/2023 - 20:01

Hoàng gia Vương quốc Anh hôm nay sang một trang mới với lễ đăng quang của Vua Charles III - một lễ đăng quang mang âm hưởng thời trung cổ pha lẫn nét phồn hoa hiện đại.

img_1683373742925_1683373991905.jpg
Tổng Giám mục Canterbury, Đức Cha Justin Welby, trao cho Vua Charles III Vương miện St Edward trong lễ đăng quang tại Tu viện Westminster, London, Thứ Bảy, ngày 6 tháng 5 năm 2023.
Sự hào hoa, lộng lẫy và mang tính biểu tượng của các lễ đăng quang đã có từ hơn 1.000 năm trước. Tuy nhiên, lễ đăng quang của Vua Charles III lại có những nét mới so với truyền thống và gọn nhẹ hơn so với lễ đăng quang của mẹ ông, Nữ hoàng Nữ hoàng Elizabeth II, 70 năm trước.

Buổi lễ bắt đầu vào hồi 11h sáng (giờ địa phương), do Tổng Giám mục Canterbury chủ trì diễn ra tại Tu viện Westminster.

1000.jpeg
Vua Charles III trên đường từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster.

Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla trước đó đã lên cỗ xe ngựa Diamond Jubilee State Coach cho tuyến đường dài 1,3 dặm (2 km) từ Cung điện Buckingham đến Tu viện Westminster. Đây là cỗ xe được chế tạo năm 2012 để kỷ niệm 60 năm ngày Nữ hoàng Elizabeth II lên ngôi.

Tại tu viện, Tổng Giám mục Welby giới thiệu Vua Charles III là tân vương của Anh và các quốc gia thuộc Khối Thịnh vượng chung. Sau bài phát biểu, Tổng Giám mục Welby cùng mọi người hô vang "Chúa phù hộ Nhà vua". Nghi lễ đăng quang bắt đầu.

charles-iii-9-3188-1683370065-3086-9474-1683370530.jpg
Nghi lễ thay áo, xức dầu được thực hiện sau một bức bình phong.
Vua Charles III được thay áo, ngồi lên ngai đăng quang, xức dầu sau một tấm bình phong theo nghi thức truyền thống. Sau đó, Vua Charles III nhận các vương khí hoàng gia Anh bao gồm quả cầu và vương trượng, và được đội Vương miện Thánh Edwards lần đầu tiên.

Bà Camilla cũng phải trải qua một nghi lễ nhỏ hơn để được phong ngôi vị Hoàng hậu chính thức. Sau nghi thức của Vua Charles III, Tổng Giám mục Welby thực hiện nghi thức đăng quang cho Hoàng hậu Camilla, trao vương miện Hoàng hậu Mary cùng các bảo vật hoàng gia cho bà.

skynews-queen-camilla-coronati-2698-8049-1683372908.jpg
Hoàng hậu Camilla đội vương miện.

Khác với Vua Charles III, nghi thức của Hoàng hậu Camilla diễn ra ngay tại Ghế Di sản. Hoàng hậu Camilla sau đó tiến về ngai hoàng hậu, ngồi cạnh Vua Charles III trong tiếng hát của dàn hợp xướng.

Đặc biệt, trong lễ đăng quang Vua Charles III, dàn hợp xướng đã hát một bài hát mới, “Hãy tạo nên những âm thanh vui vẻ,” do Andrew Lloyd Webber sáng tác.

Vua Charles III cho biết ông “nhận thức sâu sắc về di sản vĩ đại này cũng như các nghĩa vụ và trách nhiệm nặng nề đã được chuyển giao cho.”

Thực tế, ông đã trở thành Quốc vương ngay khi Nữ hoàng Elizabeth II qua đời vào ngày 8/9/2022 và chính thức được tuyên bố là Quốc vương Vương quốc Anh hai ngày sau đó trong một buổi lễ lên ngôi được phát sóng lần đầu tiên trên truyền hình.

Không có yêu cầu pháp lý nào đối với việc tổ chức lễ đăng quang và các chế độ quân chủ châu Âu khác đã loại bỏ các nghi lễ.

img_1683373883626_1683373973336.jpg
Thủ tướng Anh Rishi Sunak và phu nhân tham dự lễ đăng quang.

Nhưng sự kiện chủ yếu có ý nghĩa về tôn giáo và vương quyền này là sự xác nhận chính thức hơn về vai trò của ông với tư cách là một nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu trên danh nghĩa của Giáo hội Anh, nhằm thể hiện quyền lực của nhà vua bắt nguồn từ Chúa.

Lễ đăng quang có từ thời trung cổ và phần lớn nghi thức đến nay vẫn không thay đổi. Tu viện Westminster là nơi diễn ra nghi lễ kể từ khi Vua William the Conqueror đăng quang vào năm 1066.

img_1683373811816_1683373984371.jpg
Đội cận vệ Hoàng gia Anh diễu hành trong lễ đăng quang Vua Charles III 

Lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 6/1953 là lễ đăng quang đầu tiên được truyền hình trực tiếp. Buổi phát sóng đen trắng đã thu hút hàng chục triệu khán giả ở Vương quốc Anh và sau đó được phát cho khán giả trên toàn thế giới. Trong thời đại phát trực tuyến và mạng xã hội, mọi người đã có thể xem trực tiếp lễ trao vương miện của Vua Charles III từ hầu hết mọi nơi trên hành tinh và đăng ảnh cùng biểu tượng cảm xúc vương miện được tạo riêng cho dịp này.

img_1683373841495_1683373979137.jpg
Người dân Anh hân hoan trong ngày lễ đăng quang Vua Charles III.
Charles nói rằng ông có kế hoạch giảm bớt chế độ quân chủ. Lễ đăng quang của ông vì thế sẽ ngắn hơn buổi lễ hoành tráng kéo dài ba tiếng đồng hồ của mẹ ông và chỉ có hơn 2.800 khách mời làm khán giả - ít hơn nhiều so với 8.000 người tụ tập để xem lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II.

Đồng tình với sự thay đổi trong cấu trúc tôn giáo của Vương quốc Anh, các nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Do Thái, Hồi giáo và đạo Sikh cũng tham gia vào lễ đăng quang.

2023-05-06t121505z-1985788637-4819-6268-1683375488.jpg
Vua Charles III và Hoàng hậu Camilla trên xe ngựa Gold State Coach trở về Cung điện Buckingham trong "Lễ diễu hành đăng quang".

Trong nghi thức cuối cùng của lễ đăng quang, Vua Charles III đổi từ Vương miện Thánh Edward sang Vương miện Nhà nước Hoàng gia. Vua Charles III sau đó cầm theo quả cầu quốc chủ và Trượng Quốc chủ Thập tự rời Tu viện Westminster, trở về Cung điện Buckingham trong "Lễ diễu hành Đăng quang", với cùng cung đường đã thực hiện khi đi đến Tu viện Westminster, trên cỗ xe ngựa Gold State Coach 260 năm tuổi.

Đám rước sau buổi lễ cũng ngắn hơn hẳn so với quãng đường dài 5 dặm (8 km) mà Elizabeth và chồng, Hoàng thân Philip, đã đi vòng quanh London vào năm 1953.

Hà Mai