WHO tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp toàn cầu
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế toàn cầu, đánh dấu cột mốc mới trong cuộc chiến chống đại dịch của thế giới.
Ngày 5/5, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố đại dịch Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu.
"Hơn 1 năm qua, đại dịch có xu hướng lắng xuống cùng với tỷ lệ miễn dịch trong dân số ngày càng tăng nhờ vaccine và do nhiễm bệnh, tỷ lệ tử vong có chiều hướng giảm, sức ép lên các hệ thống y tế cũng giảm", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo ngày 5/5.
Ông nhấn mạnh: "Xu hướng này cho phép hầu hết các nước trở lại cuộc sống bình thường như trước đại dịch. Do đó, tôi tuyên bố, Covid-19 không còn là vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu".
Trước đó, ngày 3/5, WHO đã công bố chiến lược mới trong phòng chống Covid-19, trong đó tìm cách giúp các quốc gia chuyển từ cơ chế khẩn cấp sang chiến lược phòng ngừa và kiểm soát lâu dài đối với dịch bệnh này.
Chiến lược mới sẽ duy trì 2 mục tiêu của kế hoạch trước đó, được đưa ra vào năm 2022, là giảm sự lây lan của dịch bệnh và điều trị để giảm tỷ lệ tử vong, tỷ lệ mắc bệnh và hậu quả lâu dài.
Tuy nhiên, kế hoạch mới bổ sung mục tiêu thứ 3 là "hỗ trợ các quốc gia khi họ chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang quản lý, kiểm soát và phòng ngừa dịch Covid-19 một cách bền vững lâu dài hơn."
Theo người đứng đầu cơ quan y tế Liên Hợp Quốc, trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 đã "làm đảo lộn thế giới". Tổ chức này ghi nhận ít nhất 7 triệu ca tử vong chính thức do đại dịch, nhưng ông Tedros cho biết con số thực tế phải trên 20 triệu ca.
"Hệ thống y tế rơi vào tình trạng hỗn loạn nghiêm trọng, khiến hàng triệu người mất cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế thiết yếu - bao gồm vaccine có thể cứu mạng sống của trẻ em", ông nói.
Ông Tedros cũng chỉ ra Covid-19 không chỉ là cuộc khủng hoảng y tế, mà còn gây tác động nặng nề tới nền kinh tế thế giới, khiến hàng triệu người rơi vào cảnh đói nghèo.
Trong khi đó, tác động về xã hội cũng không nhỏ: Các trường học phải tạm ngừng hoạt động, biên giới bị đóng cửa và con người phải sống trong cảnh cô đơn, lo lắng.
Theo ông Tedros, vẫn có nguy cơ xuất hiện biến chủng mới gây ra các làn sóng lây nhiễm. Do vậy, ông khuyến cáo các chính phủ không nên xóa bỏ các hệ thống đã xây dựng để đối phó đại dịch. "Virus vẫn còn đây. Nó vẫn có khả năng gây chết chóc và tiếp tục biến đổi", lãnh đạo WHO cảnh báo.
Tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu (PHEIC) là cơ chế quốc tế thống nhất để kích hoạt phản ứng đối với các loại bệnh truyền nhiễm.
Sau khi ông Tedros tuyên bố Covid-19 là đại dịch vào tháng 1/2020, nhiều nước mới nhận thức được mối nguy hiểm từ căn bệnh này. Sau đó, hầu hết quốc gia tuyên bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe đối với Covid, mục tiêu đẩy nhanh những nghiên cứu, tăng khoản viện trợ cho các biện pháp y tế công cộng để ngăn chặn dịch bệnh.