Nghệ An với nỗi lo mùa nước nổi
Đời sống - Ngày đăng : 09:59, 06/10/2014
Rình rập những hiểm nguy
Nghệ An là tỉnh có địa hình phức tạp, nhiều khe suối, ao hồ, đặc biệt có 4 huyện giáp biển: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc và Cửa Lò nên nguy cơ đuối nước ngày càng cao.
Năm nào cũng vậy, cứ mỗi độ hè đến kéo theo những cơn gió lào phả vào mặt người bỏng rát thì sông, hồ, suối luôn là những địa điểm lý tưởng để dân tình, đặc biệt là trẻ nhỏ tìm đến vui đùa, ngụp lặn để giải cái nóng như thiêu như đốt của xứ nghệ, miền đất chưa mưa đã lụt, chưa nắng đã hạn, véo von vào khúc nhạc: “Ruộng đồng khô nứt nẻ, Mưa đi không kịp về..”.
Sông, Suối nguy cơ đuối nước cao
Ở các vùng miền núi xứ nghệ như: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông…luôn có những khe suốt ào ạt thác tuôn, dòng chảy cuộn trào trong lành thu hút du khách thập phương và nhân dân sở tại tìm đến tắm. Đặc biệt là trẻ nhỏ ở đó vào những buổi chăn trâu cắt cỏ, mồ hôi nhễ nhại lại ùm xuống sông mà không có bất cứ một phương tiện gì hỗ trợ, cứ mình trần chân đất các em lao ra giữ dòng vùng vẫy và tạo ra những trò cực nguy hiểm như: đu cành cây vượt sông, nhẩy ùm từ trên cao xuống mà không ngại cây hoặc đá ngầm án ngữ ở dưới…
Đuối nước đa phần là trẻ nhỏ
Tại Vinh, ven đê tả sông Lam cứ mỗi độ chiều đến người dân lại thi nhau ra sông tắm mát, kể cả phụ nữ và trẻ nhỏ, không màng đến nguy hiểm đang rình rập.
Hiện nay mùa mưa lũ đến, nước ngập trắng xóa đồng, thủy triều dâng cao hơn mức bình thường, hiện tượng các em nhỏ, người nông dân, ngư dân đổ ra đồng mò cua bắt ốc, chăng lưới thả câu, vươn khơi bám biển kiếm ăn đông nghịt mà không có bất cứ một phương tiện nào bảo hộ. Họ say sưa làm việc, không màng tới hiểm nguy, có thể làm mồi cho hà bá bất cứ lúc nào.
Những trò nguy hiểm có thể dẫn đến đuối nước bất cứ lúc nào
Mới đây nhất: Vào ngày 1/8/2014, 4 em nhỏ ở xã Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai gồm: Vi Thị Niệm (SN 2003), học sinh lớp 5E, Trường Tiểu học Quỳnh Lập; Vi Thị Na (SN 2002, chị gái Niệm), phải nghỉ học giữa chừng vì gia đình khó khăn; Lê Thị Nhật Quyên (SN 2002), học sinh lớp 6D, Trường THCS Quỳnh Lập và Nguyễn Thị Năm (SN 2002), rủ nhau ra khúc sông thuộc thôn Quyết Tâm bắt ốc, ngao về bán kiếm tiền mua sách, vở cho năm học mới. Trong lúc đang bắt ngao, 4 em nhỏ trượt chân xuống hố sâu. Do 3 em Na, Niệm, Quyên không biết bơi nên bị chết đuối. Riêng Năm biết bơi nên sống sót. Đến chiều cùng ngày, thi thể của các em đã được người dân đưa lên bờ.
6 ngày sau vào ngày 07/08/2014, 3 em Hồ Thị Duyên (lớp 5), Hồ Thị Trang và Phạm Thị Minh Nguyệt (lớp 4) đều là học sinh Trường Tiểu học Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Lưu, Nghệ An rủ nhau ra bờ biển gần nhà chơi. Phát hiện thấy tấm xốp to ở ngoài biển dạt vào, các em đã nhặt làm phao và lao ra biển tắm. Do sóng to biển động, tấm xốp bị đập tan, 3 e lại không biết bơi nên đuối nước. Đến 18h cùng ngày thi thể của cả 3 được người dân phát hiện dạt gần bờ.
Tích cực phòng ngừa
Trước tình trạng trên, để giảm thiểu và phòng chống nguy cơ đuối nước, Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An đã có công văn hướng dẫn triển khai các lớp học bơi cho trẻ em. Nội dung: Chương trình phổ cập bơi phòng chống tai nạn đuối nước; giới thiệu một số điều cần tránh khi bơi, hướng dẫn kỹ thuật bơi trườn sấp, làm nổi người, bám tường đập chân, chân tay bơi sấp ngửa, kỹ thuật thở khi bơi, phối hợp kỹ thuật khi bơi, 5 kiểu bơi thực dụng và phương pháp cứu đuối nước. Để hiện thực hóa công văn, hai huyện Quỳnh Lưu và Nam Đàn đã dẫn đầu, mở các lớp học bơi cho trẻ nhỏ dưới sự hướng dẫn của các chuyên gia chống đuối nước, các vận động viên bơi lội của tỉnh, các thầy cô giáo chuyên môn.
Dạy bơi chống đuối nước cho trẻ, mô hình cần được nhân rộng
Qua 7 ngày đã đào tạo được hàng trăm em biết bơi, biết cách tự bảo vệ mình khi lỡ bị sảy chân, chuột rút giữ dòng. Thấy được sự cấp bách của việc bơi lội, các huyện trong toàn tỉnh cũng đã lần lượt mở lớp, đồng thời tổ chức tuyên truyền đến tận từng xã, từng hộ gia đình giúp họ có kiến thức về bơi lội, ý thức hơn trong việc bảo vệ bản thân khi vươn khơi, bắt cua ốc ngoài biển, ngoài đồng và khuyến cáo họ quản lý con em chặt chẽ. Tại các ao hồ, sông suối, các huyện đã triển khai việc cắm biển cảnh báo nguy hiểm.
Thiết nghĩ, đó là việc làm thiết thực cần được nhân rộng ra toàn quốc trong vấn đề phòng ngừa, bảo vệ trẻ khỏi bị đuối nước, để không còn có nỗi đau, sự mất mát của mỗi gia đình có trẻ bị nạn khi mùa lũ đến.