Sức Khỏe

Địa phương tự mua sắm vaccine tiêm chủng mở rộng

Nguyên Thảo 04/05/2023 - 20:20

Sau nhiều phương án "không khả thi", Bộ Y tế đề nghị các địa phương chủ động kinh phí và mua sắm theo quy định các vaccine tiêm chủng mở rộng.

Trong công văn vừa gửi địa phương, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Đức Luận cho biết, những năm qua từ ngân sách Trung ương do Bộ Tài chính bố trí, Bộ Y tế mua sắm vaccine cho Chương trình tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ dưới 5 tuổi, thuốc ARV (dự phòng và điều trị HIV), thuốc chống lao cho người không có thẻ bảo hiểm y tế.

tiem54.jpeg
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ.

Trong đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương mua vaccine DPT-VGb-Hib (vaccine 5 trong 1 phòng 5 bệnh gồm bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib) theo cơ chế đặt hàng, đấu thầu. 

Ngoài ra, Cục Phòng chống HIV/AIDS mua thuốc ARV, Viện Dinh dưỡng mua vitamin A, còn Bệnh viện Phổi Trung ương mua thuốc chống lao.

Tuy nhiên, từ năm 2023, Bộ Tài chính không bố trí ngân sách Trung ương cho Bộ Y tế mua vaccine cho tiêm chủng mở rộng, vitamin A cho trẻ em dưới 5 tuổi, thuốc ARV, thuốc chống lao cho các đối tượng không có thẻ bảo hiểm y tế... mà đề nghị thực hiện theo quy định về phân cấp ngân sách. 

Gần đây, Bộ Y tế nhận được ý kiến của một số địa phương đề nghị Bộ Y tế thực hiện việc đấu thầu tập trung mua sắm các loại vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng, các thuốc ARV, vitamin A hoặc thực hiện đàm phán giá. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho rằng "việc này là không khả thi".

Theo Bộ Y tế, không thể tổ chức đấu thầu tập trung hay đàm phán giá do Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số đã chuyển thành nhiệm vụ chi thường xuyên từ năm 2023.

Các đơn vị sản xuất vaccine trong nước đang trực thuộc Bộ, nên không bảo đảm tư cách hợp lệ để tham gia đấu thầu tập trung vaccine nội địa cho tiêm chủng mở rộng. Còn phương án đặt hàng tập trung những vaccine này để ký thỏa thuận khung, xác định giá thống nhất và các địa phương ký hợp đồng, thì chưa có quy định.

Do đó, Bộ Y tế đề nghị các Sở Y tế xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm, không để thiếu thuốc, vaccine.

Trước đó, trong năm 2022, tình trạng "đứt" vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng kéo dài. Một số địa phương, người dân phải đưa con đi tiêm chủng tại các cơ sở tư nhân gây tốn kém tiền bạc. Nhiều trẻ cũng vì thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng mà bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng. 

Bộ Y tế giải thích nguyên nhân là do một số đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng. Trong khi đó, các đơn vị sản xuất vaccine cho biết, vaccine đã sẵn có trong kho, nhưng việc cung ứng lại phụ thuộc vào kết quả thẩm định, phê duyệt giá của Bộ Y tế và Bộ Tài chính.

Nguyên Thảo