Kỷ niệm ngày toàn dân PCCC 4/10: Mỗi người dân là một “lính chữa cháy”
Đời sống - Ngày đăng : 06:12, 04/10/2014
Vụ cháy cây xăng 2B Trần Hưng Đạo. Ảnh: Nguyễn Khánh (Báo Tuổi trẻ)
“Bà hỏa” đã không chừa bất cứ một ai, bất cứ một nơi nào, từ nhà dân, trụ sở cơ quan cho đến các cơ sở sản xuất kinh doanh, những Khu công nghiệp, thậm chí cả những chiếc xe đang chạy trên đường.
Điều đáng nói là mặc dù thống kê số vụ cháy có giảm đi nhưng mức độ cháy lại lớn hơn và số người chết vì cháy lại tăng tới 72%.
Theo thống kê của Cục Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (C66), Bộ Công An, trong 9 tháng năm 2014, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.552 vụ cháy, làm chết 55 người, bị thương 119 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 921,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy giảm 368 vụ (19,2%), thiệt hại tài sản giảm 23,8%, nhưng số người chết tăng 23 người (72%), số người bị thương tăng 20 người (20,2%). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do sự cố điện và thiết bị điện xảy ra 620 vụ (gần 40% số vụ cháy); sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt xảy ra 346 vụ (22,3%); nguyên nhân khác chiếm 10,4%. Hiện còn 425 vụ cơ quan công an tiếp tục điều tra nguyên nhân.
Đặc biệt trong tháng 9/2014, tình hình cháy nổ lại có diễn biến phức tạp, số vụ cháy, số người bị thương và chết do cháy nổ tăng lên đáng kể. Cháy nổ tập trung nhiều tại các khu dân cư và các hộ kinh doanh cá thể.
Bài học nào sau mỗi vụ cháy?
Các vụ cháy lớn liên tiếp xảy ra đã để lại hậu quả nghiêm trọng và đằng sau đó là rất nhiều những bài học cho mỗi người trong chúng ta về ý thức trong công tác phòng chống cháy nổ.
Sau mỗi vụ cháy xảy ra hầu như mọi người đều có thói quen vội vàng quy kết trách nhiệm cho lực lượng chức năng rằng không cứu chữa kịp thời, rồi phương tiện kỹ thuật yếu kém,.. mà quên mất một điều rằng mỗi người dân trước hết phải nắm vững cho mình kiến thức PCCC và kỹ năng thoát hiểm cơ bản nhất.
Có thể kể đến như vụ ngạt khói tại quán Karaoke ở Quảng Ninh làm 10 người thiệt mạng, hay như vụ cháy xảy ra tại tiệm cắt tóc ở thành phố Hồ Chí Minh làm 7 người chết, mặc dù được hàng xóm phát hiện sớm nhưng không thể khống chế ngọn lửa ngay từ đầu vì phương tiện chữa cháy tại chỗ không có. Giá như mỗi gia đình đều trang bị những thiết bị chữa cháy đơn giản nhất là bình chữa cháy mini và kiến thức cơ bản về PCCC thì có lẽ sẽ hạn chế phần nào được ngọn lửa trước khi cơ quan chức năng đến hiện trường ứng cứu.
Lực lượng PCCC tại hiện trường cháy tiệm cắt tóc. Ảnh: Dân trí
Thực tế, công tác tuyên truyền về PCCC và kỹ năng thoát hiểm luôn được cơ quan chức năng thông tin đến mọi người dân, nhưng chính người dân lại là những người chủ quan, lơ là nhất. Mỗi buổi tuyền truyền về kiến thức PCCC và kỹ năng thoát hiểm thường không được người dân quan tâm hoặc có quan tâm cũng chỉ là nghe cho biết. Thậm chí ngay cả quy chuẩn về xây dựng nhà phải có cửa thoát hiểm để đề phòng sự cố cháy nổ cũng không được thực hiện nghiêm túc, có nhà làm, có nhà không, có hộ gia đình để lối thoát hiểm nhưng sau đó lại nhanh chóng bịt kín vì… sợ trộm cắp.
Một thực trạng đáng báo động nữa trong công tác PCCC là việc quản lý, kiểm tra công tác PCCC của các hộ kinh doanh cá thể thường gặp nhiều khó khăn bởi đó là hình thức kinh doanh tại gia đình, công tác kiểm tra hoàn toàn phụ thuộc vào chính quyền địa phương.
Trách nhiệm không của riêng ai
9 tháng qua, Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ đã thực hiện 323 vụ cứu nạn, cứu hộ, trong đó có 247 vụ cứu người trong đám cháy, 20 vụ cứu người đuối nước, 13 vụ cứu hộ giao thông. Qua công tác, cơ quan chức năng đánh giá, nguyên nhân dẫn đến thiệt hại lớn về người là do ý thức của người dân về công tác phòng cháy còn nhiều hạn chế: Lơ là, sơ suất trong sử dụng lửa, thiết bị tiêu thụ điện; tùy tiện sắp xếp hàng hóa lấn chiếm diện tích lối và đường thoát nạn...
Trước diễn biến phức tạp của tình hình cháy nổ, Cục Cảnh sát PCCC&CNCH, Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương, tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn việc chấp hành các quy định PCCC và cứu nạn cứu hộ cho người dân. Đồng thời, phối hơp với chính quyền cơ sở, rà soát, kiểm tra hoạt động kinh doanh của các hộ gia đình, hạn chế đến mức thấp nhất những nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra.
Đành rằng người dân mất của thì bức xúc, chỉ trích, đòi truy tìm nguyên nhân nhưng nguyên nhân trong điều tra án cháy thì thật không đơn giản - chẳng khác gì “mò kim đáy bể” vì mọi thứ đã lụi tàn theo đám cháy.
Trên thực tế lực lượng Cảnh sát PCCC chỉ có chức năng quản lý nhà nước về công tác PCCC, còn việc cấp giấy phép kinh doanh, hoạt động cho các cơ sở lại thuộc về thẩm quyền của các cơ quan chức năng thuộc chính quyền sở tại. Khi phát hiện ra những sai phạm, không đảm bảo an toàn về PCCC, Cảnh sát PCCC chỉ được phép kiến nghị với các chủ cơ sở và chính quyền sở tại trong việc điều chỉnh, bổ sung các quy định về an toàn PCCC cho đảm bảo.
Tạm kết: Trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật PCCC, trách nhiệm PCCC không còn là riêng của lực lượng PCCC mà còn thuộc về mỗi công dân. Nếu mỗi cá nhân biết nâng cao ý thức, đề phòng cháy nổ, tuân thủ các quy định về PCCC sẽ hạn chế thấp nhất những nguy cơ và thiệt hại do cháy xảy ra. Và mỗi người dân, trước hết hãy là một người “lính chữa cháy” trong chính gia đình mình.
Trong 9 tháng năm 2014, trên địa bàn cả nước xảy ra 1.552 vụ cháy, làm chết 55 người, bị thương 119 người, thiệt hại về tài sản trị giá hơn 921,8 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2013, số vụ cháy giảm 368 vụ (19,2%), thiệt hại tài sản giảm 23,8%, nhưng số người chết tăng 23 người (72%), số người bị thương tăng 20 người (20,2%). Nguyên nhân gây cháy chủ yếu là do sự cố điện và thiết bị điện xảy ra 620 vụ (gần 40% số vụ cháy); sơ suất trong sử dụng lửa, xăng dầu và khí đốt xảy ra 346 vụ (22,3%); nguyên nhân khác chiếm 10,4%. Hiện còn 425 vụ cơ quan công an tiếp tục điều tra nguyên nhân. |