Cúi đầu trước những tấm gương hiến nội tạng cứu người
Đời sống - Ngày đăng : 17:44, 29/09/2014
Hiến tạng - văn hóa cứu người nhân đạo, bài học sẻ chia sự sống từ những người biết trước cái chết, họ quyết định gửi lại cuộc đời một phần thân thể giúp người khác tìm được sự sống.
Rất nhiều câu chuyện cảm động về việc hiến xác, nghĩa cử cao đẹp hy sinh khiến bao người cảm phục này. Dù chỉ là những người bình thường nhỏ bé nhưng họ đã làm được việc lớn lao vượt lên những quan niệm về tín ngưỡng, nỗi đau tinh thần… cùng vô số những quan điểm lý lẽ khác.
Tháng 1/2014 vừa qua, cô gái gốc Việt - Kim Pham đã “cứu” được 5 người khi hiến tặng nội tạng của mình sau khi chết.
Cô gái trẻ gốc Việt 23 tuổi đã qua đời ngày 21/1/2014, sau 3 ngày trong được cấp cứu trong bệnh viện khi cô bị đánh hội đồng ở ngoài câu lạc bộ đêm Santa Ana, Mỹ.
Tổ chức One Legacy, một tổ chức chuyên về hồi phục các cơ quan phi lợi nhuận, cho biết Kim Pham đã “cứu” được 5 người khi hiến tặng tim, phổi, tuyến tụy, thận và gan cho các bệnh nhân trong danh sách cấy ghép nội tạng”.
Không những thế Kim Pham cũng đã hiến tặng các mô, bao gồm da để cấy ghép cho các trường hợp bị bỏng, xương để tái cấu trúc xương, tránh tình trạng phải cắt bỏ và tủy xương để dùng cho phẫu thuật chỉnh hình. Cảm phục trước hy sinh của cô gái trẻ, ngày 28/1, hàng trăm người đã cùng tụ tập để làm lễ tưởng niệm cho cô gái trẻ xấu số này.
Ngày 9/5/2014 tại bệnh viện Việt Đức, một chàng trai 25 tuổi đã hiến tạng cứu sống 4 bệnh nhân suy thận mãn tính.
Thông tin từ bệnh viện Việt Đức cho biết 4 bệnh nhân đã tìm được sự sống nhờ nguồn tạng hiến của một thanh niên chết não. BV Việt Đức đã tiến hành đồng thời 4 ca ghép tạng, nhận tim là một bệnh nhân nam 23 tuổi quê Hà Nam bị suy tim giai đoạn cuối. Bệnh nhân được ghép gan là một nam giới 64 tuổi ở Hà Nội bị ung thư gan và xơ gan cũng ở giai đoạn cuối. Hai trường hợp được ghép thận là hai thanh niên dưới 30 tuổi sống ở Hà Nội đều bị suy thận thận giai đoạn cuối, đang phải chạy thận nhân tạo. Cả 4 bệnh nhân này đều đang ở tình trạng suy tạng giai đoạn mãn, nếu không được ghép tạng nguy cơ sống bị đe dọa.
Trong thời điểm mà ranh giới sự sống cái chết mong manh, những bệnh nhân không còn hy vọng sống như được tái sinh khi nhận được 'món quà' vô giá từ người hiến tạng.
Hi Vọng - cũng như chính cái tên của mình cô bé 2 tuổi đã mang lại sự sống cho nhiều người khác, khi quyết định hiến tạng.
Hình ảnh khiến bao người rơi lệ trước giây phút tiễn biệt của người mẹ với cô con gái 2 tuổi mang tên Hi Vọng ở Nội Mông (Trung Quốc). Thay mặt con gái mắc bệnh hiểm nghèo, bố mẹ bé đã giúp em mang niềm hi Vọng, sự sống tới hai bé khác bằng việc hiến tạng.
Thời điểm cuộc đời của bé sắp đến hồi kết thúc, người cha hôn vĩnh biệt con gái lần cuối rồi nước mắt lưng tròng đứng nhìn các bác sĩ đưa bé vào phòng mổ ở Bệnh viện Thành Phố Xích Phong. Được biết bé Hi Vọng chính là là người hiến tặng nội tạng nữ đầu tiên ở Xích Phong và cũng là người nhỏ tuổi nhất hiến tặng nội tạng ở Nội Mông.
Ngày 23/9 vừa qua bé gái Lưu Tịnh Dao, ở huyện Cát Thủy (tỉnh Giang Tây, Trung Quốc) chẩn đoán mắc bệnh u nguyên bào tủy giai đoạn cuối đã qua đời nhưng cô bé mới chỉ 3 năm 3 tháng đã làm một việc vô cùng ý nghĩa cứu sống 5 bệnh nhân khác.
Thời gian bé phải nằm liệt giường trong bệnh viện vì đầu có dấu hiệu sưng to. Bố mẹ em quyết định nói với con gái về việc sẽ hiến nội tạng để cứu mạng những người khác.
Người bố kể lại giây phút đó: "Ban đầu, tôi nghĩ con bé sẽ không hiểu được ý nghĩa của từ "hiến tạng" nghĩa là gì. Vì thế tôi cố giải thích nếu người ta lấy một bộ phận nào đó từ cơ thể con bé ra, bộ phận đó sẽ cứu sống được tính mạng của nhiều người khác. Và con gái tôi đồng ý".
Sau khi thể trạng của em yếu đi rất nhiều và qua đời ngày 23/9, các bộ phận trong cơ thể bé như tim, gan, thận và giác mạc đã được cấy ghép thành công cho 5 bệnh nhân đang chờ tìm được nội tạng thích hợp.
Vì thế việc mà ngay cả người lớn, hay tới cả những người đi gần hết cả cuộc đời cũng chưa chắc có thể đưa ra quyết định như các bé thật đáng để chúng ta cúi đầu cảm phục.
Hiến tạng hay hiến tặng bộ phận cơ thể là cơ hội để người chết 'tặng quà' cho đời khi có người cần thay thế vì bệnh nan y và rất nhiều người trên khắp thế giới đã được cứu mạng nhờ vào sự cao cả của những người “biết vì cuộc sống của người khác”.
Hiến tạng ngày một được nhiều người biết đến hưởng ứng, tuy nhiên do quan niệm truyền thống, cùng với tâm lý tập tục văn hoá của Việt Nam thì vấn đề này vẫn chưa được mọi người ghi nhận và ủng hộ.