“Thủ lĩnh thanh niên” Lê Quang Thành và ký ức về một thời “bão lửa”
Ông Lê Quang Thành, nguyên Bí thư Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam là cựu chiến binh đặc biệt. Ông có đến 27 năm làm công tác Đoàn, từ sau Cách mạng tháng Tám cho đến ngày ký Hiệp định Paris. Dù chiến tranh lùi xa, nhưng trong ông luôn đong đầy kỷ niệm về “một thời gian lao mà anh dũng” khi đi B, tham gia chiến dịch Mậu Thân.
Kỷ niệm với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh
Sau Hiệp định Genève (1954), ông Lê Quang Thành là cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, công tác tại Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam. Ông còn nhớ như in một buổi chiều đầu xuân Ất Tỵ (1965), ông được cấp trên mời đến phổ biến quyết định tăng cường ông vào miền Nam. Trong ông vỡ òa cảm xúc: “Tôi phấn khởi tột độ vì nuôi khát vọng nóng bỏng đi B chiến đấu từ bao năm qua, giờ mới được toại nguyện. Tôi dặn lòng: Phải hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”. Trên đường vào Nam chiến đấu, ông thề tận lực quét sạch quân thù để giang sơn liền một dải, người con đất Việt được tự do vào Nam ra Bắc, ngắm vẻ đẹp gấm vóc quê hương.
Ông Lê Quang Thành trở thành một cán bộ giải phóng thuộc cơ quan Ban Thanh vận tại Lò Gò, Căn cứ R (Trung ương Cục miền Nam) trên địa phận Tây Ninh. Ngày đó, ông nhớ được mọi người tay bắt mặt mừng như đón người anh em ruột thịt của gia đình đi xa mới về. Ông được giao chuẩn bị cho Đại hội Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng Việt Nam lần thứ nhất. Nỗi mệt nhọc sau nhiều tháng hành quân gian khổ, hiểm nguy trên đường đi mấy ngàn cây số núi đèo, sông suối biến mất, ông lao vào công việc với nhiệt tình cao nhất.
Ngày 26/3/1965, tại Lò Gò, tỉnh Tây Ninh, Đại hội Đoàn Thanh niên cách mạng lần thứ nhất khai mạc. Đại hội được vinh dự đón nhiều đồng chí trong Ban Thường vụ Trung ương Cục, trong đó có Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng đến dự và chỉ đạo Đại hội. Ông Thành nhớ lại kỷ niệm với đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đại tướng có nói: “Vừa qua đoàn viên và thanh niên ta cả trong và ngoài quân đội đều biết đánh và biết thắng Mỹ. Chúng ta đã đánh thắng Mỹ trong chiến tranh đặc biệt, nhưng Mỹ trực tiếp đưa quân và chư hầu vào miền Nam, tiến hành chiến tranh cục bộ.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dự báo: Tình hình sắp tới sẽ khó khăn ác liệt, nhưng nhân dân ta, thanh niên ta không sợ vì chúng ta biết đánh và đã thắng Mỹ. Giờ đây, dù tình hình có khó khăn như thế nào đi nữa chúng ta cũng hạ quyết tâm đánh thắng Mỹ. Muốn vậy, mỗi chiến sĩ quân giải phóng, mỗi người dân, mỗi đoàn viên, thanh niên ta, bất kỳ ở đâu cũng phải tìm Mỹ mà diệt, có nhiều sáng kiến diệt Mỹ. Không được chủ quan thỏa mãn với thành tích, nếu vừa qua diệt địch một, sắp tới diệt địch gấp đôi, gấp ba cũng chưa đạt yêu cầu, phải diệt địch gấp năm, gấp mười lần trước đây.
Đại tướng Nguyễn Chí Thanh dặn dò: “Đảng giao cho Đoàn nhiệm vụ là làm sao phải huy động được thanh niên làm đầu tàu, tung lực lượng ra gấp hai, gấp bốn, gấp năm lần năm 1964, làm được như vậy, chúng ta cầm chắc được hai phần ba thắng lợi. Các đồng chí lãnh đạo Đoàn nghe cái này cũng thích, nhưng thấy gay go quá phải không? Nhưng thanh niên ta rất anh dũng, có thể làm được như thế, và phải như thế thì chúng ta mới thắng. Vậy Đại hội chúng ta có quyết tâm như thế không?”. Toàn thể cử tọa đồng thanh đáp: “Quyết tâm”!
Với những người vinh dự tham gia hội nghị, lời phát biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh như lời hiệu triệu, một chỉ thị đặc biệt của Đảng động viên, thúc giục cán bộ đoàn viên, thanh niên miền Nam xốc lên quyết chiến, quyết thắng ngoại xâm.
Ông Lê Quang Thành nhớ lại: Nghe phát biểu quý báu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, tôi như vừa trải qua khóa huấn luyện chính trị đầy ý nghĩa, thu nhập hành trang cần thiết cho hành trình công tác mới”. Qua Đại hội, ông Thành được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam khóa I, được phân công làm Bí thư Trung ương Đoàn. Ban Thường vụ Trung ương Cục phân công ông làm Bí thư Ban Thanh vận miền Nam.
Ký ức Chiến dịch Mậu Thân
Tại căn cứ Trung ương Cục, Tổng đội Thanh niên xung phong giải phóng miền Nam được thành lập ngay trong tháng 4/1965. Lần lượt từ nhiều tỉnh, các đơn vị Thanh niên xung phong tập trung được thành lập, hành quân cấp tốc về miền Đông Nam Bộ phục vụ chiến trường chính của quân chủ lực đánh Mỹ. Cuối năm 1967, ông Thành được Ban Thường vụ Trung ương Cục phân công về Phân khu I trực tiếp chuẩn bị và tham gia chiến dịch tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968).
Ông Thành nhớ lại: Trước Tết Mậu Thân là những ngày cực kỳ căng thẳng, ông và các đồng chí phải ở hầm ngót tháng trời. Củ Chi là nơi địch tuyên bố vùng tự do oanh kích, sẵn sàng hủy diệt bất cứ một bóng người nào. Về đêm, mọi người phải thắp đèn họp dưới hầm để triển khai mọi công tác, tránh những loạt pháo bất ngờ vừa nghe đề - pa thì đã có tiếng nổ bên cạnh, nếu họp trên mặt đất tránh không kịp.
Địch tưởng phòng thủ như vậy “cây kim cũng không lọt được”, ngờ đâu đêm Giao thừa Tết Mậu Thân, quân dân ta, đoàn viên thanh niên ta ào ạt nổi dậy, đồng loạt từ nội thành Sài Gòn, từ Gò Vấp, Hóc Môn đến Củ Chi, Bến Cát, Trảng Bàng. Quân dân ta đã làm chủ nhiều đoạn đường số I, bao vây kêu gọi địch đầu hàng ở nhiều đồn bót, chi khu.
Ông Thành nhớ lại những ký ức theo ông suốt cả cuộc đời: Đêm đó, ông bám sát thị trấn Trảng Bàng cùng lực lượng vũ trang địa phương. Địch bị giáng những đòn chí tử bất ngờ, choáng váng. Sau nhiều ngày hoang mang, chúng mới dần hồi tỉnh và phản kích quyết liệt. Quân ta sau đó tạm rút lui.
Sau cuộc tấn công Tết Mậu Thân, được gọi là đợt I, ông ở lại cùng Quân Khu ủy sơ kết rút kinh nghiệm. Đồng chí Nguyễn Văn Đậu, Bí thư Phân Khu Đoàn mở hội nghị thanh niên tiên tiến diệt Mỹ toàn Phân Khu. Hội nghị diễn ra tại xã Thanh Tuyền (Bến Cát), bốn bề là căn cứ đồn bót địch. Hội nghị họp trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Sau hội nghị, phong trào xung phong diệt Mỹ được lan rộng để những năm sau nhiều “Hội nghị dũng sĩ diệt Mỹ” được mở ở khắp nơi, thành phần đa số là cán bộ, đoàn viên và thanh niên.
Cuối năm 1968, ông Thành trở về cơ quan Trung ương Đoàn công tác cho đến năm 1972. Lúc bấy giờ, để chuẩn bị đón một thời cơ mới, khu Đông Nam Bộ được thành lập lại. Ông được Ban Thường vụ Trung ương Cục quyết định cho thôi công tác Thanh vận, về tham gia Khu ủy Đông Nam Bộ. Với kinh nghiệm tích luỹ trong quá trình tham gia cách mạng, nhất là trong bảy năm trở lại miền Nam với công tác Đoàn, ông rất tự tin khi chuyển sang công tác mới.
Ông Thành bồi hồi: “Tôi cảm thấy may mắn có quá trình khá dài công tác Đoàn, được sống, chiến đấu và học tập cùng tuổi trẻ hai miền Nam, Bắc qua ba thời kỳ: Chống Pháp, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ ngay tại chiến trường miền Nam”.
Sau khi đất nước thống nhất, ông Lê Quang Thành tiếp tục cống hiến trên cương vị Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Nai. Đến năm 1979, ông được phân công làm Bí thư Đặc khu ủy Vũng Tàu - Côn Đảo. Tháng 12/1986, ông Thành được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và tận tụy cống hiến cho đến ngày nghỉ hưu.
Ở tuổi ngoài 90, ông có lưu lại những vần thơ bày tỏ tình yêu với quê hương, cách mạng trong cuốn hồi ký của mình: “Một đời nghĩa nặng tình sâu. Tóc xanh đến lúc bạc đầu còn ghi...”. Chắc chắn những ký ức về một thời đạn lửa, dâng hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc sẽ mãi bừng cháy trong ông...