Đời sống

Ký ức hào hùng của người thương binh

Gia Ân - Hoàng Minh 30/04/2023 - 19:40

Trở về quê hương khi đất nước sạch bóng quân thù, mặc dù phải mang trên mình những vết thương “cứ trở gió lại đau nhức nhối”, với tỷ lệ thương tật đến 81% cơ thể, nhưng người thương binh quả cảm Đặng Sỹ Ngọc không chịu nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục làm việc để cống hiến cho đời, luôn là người có ích cho xã hội.

6.4-anh-3.jpg
Ông Đặng Sỹ Ngọc hạnh phúc bên người vợ tảo tần.

Ba lần tự nguyện xin nhập ngũ

Gặp lại người thương binh quả cảm Đặng Sỹ Ngọc trong căn nhà nhỏ, đơn sơ, nhưng ấm cúng tại phường Hưng Dũng, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, chúng tôi thực sự xúc động. Ông từ tốn kể cho chúng tôi nghe về những lần “vào sinh ra tử” của cuộc đời làm lính đầy gian nan, nguy hiểm nhưng cũng vô cùng tự hào của mình.

Sinh thời, Đặng Sỹ Ngọc là một cậu bé nổi tiếng thông minh, nhanh nhẹn và học giỏi. Học hết lớp 7, Ngọc được đặc cách tuyển thẳng lên cấp 3. Thế nhưng vào năm 1966, nghe lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, Đặng Sỹ Ngọc đã xin ý kiến gia đình, quyết tâm đi bộ đội. Song, vì chưa đủ 18 tuổi nên ông không được nhận. Lúc đó ông rất buồn nhưng quyết tâm, nhất định không được bỏ cuộc.

Sau 3 lần tham gia khám tuyển, ông mới được lựa chọn vào hàng ngũ thanh niên ra trận. “Lúc đó cả nước sôi sục, tất cả đều dồn cho tiền tuyến, tất cả vì miền Nam ruột thịt, ai cũng mong muốn được phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân. Thế nhưng lúc đó, mình chưa đủ 18 tuổi, lại đang học cấp 3 và là con trai một trong gia đình, nên lần thứ 3 viết đơn mình mới được chấp nhận” -Thương binh Đặng Sỹ Ngọc bồi hồi nhớ lại.

Sau khi nhập ngũ, ông được biên chế vào đơn vị Đại đội 2, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 90, Sư đoàn 324 và cùng đơn vị hành quân vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Đây là mặt trận rất ác liệt, bộ đội phải cơ động liên tục vì phía nam sông Bến Hải là nơi quân địch đóng. Đã không ít lần đơn vị của ông giáp mặt với địch và bộ đội ta hy sinh rất nhiều.

Những tháng ngày binh lửa

Năm 1967, chiến trường Quảng Trị rất ác liệt, ông bị thương nặng đến 3 lần. Những ngày tháng phải nằm điều trị vết thương, thương binh Đặng Sỹ Ngọc lòng như lửa đốt, luôn mong muốn được sớm trở lại đơn vị để tiếp tục chiến đấu.

Ông kể lại, ông bị thương lần đầu vào tháng 5/1967. Trong khi đang làm nhiệm vụ tại đồi 56, gần nhà thờ Gia Bình, huyện Giao Linh thì hầm của ông bị sập và trúng bom. Ông bị cây gỗ trên nóc hầm đập vào đầu, máu mũi, máu mồm...thi nhau chảy, tai ù đặc, đầu nhức như búa bổ. Ông được đơn vị chuyển ra Bắc điều trị, nhưng đã xin ở lại. Một tuần sau, sức khỏe tốt lên và hồi phục dần, ông lại cùng đồng đội tiếp tục chiến đấu.

Lần thứ 2 là vào tháng 7/1967, trong khi đang ngụy trang để trèo lên cây cao (cách mặt đất chừng 5m) để quan sát địch, ông bị máy bay trinh sát L19 phát hiện và liên tục ném bom. Thấy vậy, ông liền tụt xuống chạy ra khỏi vùng nguy hiểm, nhưng không kịp bởi hàng loạt bom đã trút xuống.

Sau này nghe anh em kể, ông mới biết mình bị đất đá lấp kín người, khi anh em bới đất để moi lên thì mặt mũi đầy máu, tim đã ngừng đập, mũi đã ngừng thở...mọi người đã nghĩ đến kết cục rằng ông đã hy sinh, nhưng may mắn chỉ ít phút sau, ông tỉnh lại.

Ông được dưỡng thương, rồi tiếp tục trở lại chiến đấu. Đến tháng 11 năm đó, Đại đội của ông làm nhiệm vụ vận tải đạn cối cho một đơn vị bạn. Khi tới làng Trung Sơn, huyện Giao Linh thì lọt vào ổ phục kích của địch. Ông và vài chiến sỹ thoát khỏi vòng vây. Khi ra khỏi vùng nguy hiểm, đồng đội mới phát hiện ông bị thương, đạn xuyên thủng cánh tay trái, máu ra nhiều. Anh em phải lấy vải vắt cơm để băng vết thương. Cũng vì vậy, vết thương bị nhiễm trùng và lần này tôi được đưa ra Bắc điều trị.

Sau 6 tháng điều trị, khi vết thương lành, ông lại tiếp tục được nhận làm lính mới của một đơn vị pháo cao xạ có nhiệm vụ bảo vệ vùng trời “Tuyến lửa khu bốn” và một huyện của nước Lào. Với những thành tích vẻ vang trong chiến đấu, ông được kết nạp vào Đảng chỉ sau một năm nhập ngũ.

Những ngày tháng làm lính cao xạ, chiến sỹ Đặng Sỹ Ngọc đã “vào sinh ra tử” cùng đồng đội và liên tiếp 4 lần bị thương nặng. Nhưng, có một lần mà ông không bao giờ quên đó là ngày 28/7/1972, khi ông đang trên đường ra bắc điều trị thì bị trúng bom.

“Tôi được cắt chỉ khâu ổ bụng và bó bột toàn thân rồi chuyển bằng ô tô ra Bắc. Lúc đó, hai cô dân quân vừa khiêng tôi quay lại cửa hầm thì bom B52 dội xuống. Tôi bị bom hất rơi xuống hầm sâu, nằm dưới hầm 3 ngày đêm, chịu đói khát, vết thương ở chân bị ngấm bùn, nước mưa bốc mùi. Sau đó, tôi may mắn được một tổ công binh phát hiện khi đang nằm thở thoi thóp. Sau này nghe kể, hai cô dân quân khiêng tôi đã hy sinh ngay lúc đó. Trải qua nhiều lần bị thương, cái chết kề cận, nhưng tôi thấy mình vẫn may mắn hơn nhiều đồng đội đã hy sinh anh dũng”, ông Ngọc xúc động kể lại.

Trở về cuộc sống đời thường, với tỉ lệ thương tật lên tới 81% sau 8 lần bị thương nặng, dù sức khỏe đã yếu, nhưng với bản chất của anh bộ đội cụ Hồ “tuy tàn nhưng không phế”, thương binh Đặng Sỹ Ngọc vẫn tiếp tục làm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống gia đình, và giúp đỡ các gia đình thương binh có hoàn cảnh khó khăn khác cùng vươn lên.

Gia Ân - Hoàng Minh