Đời sống
Nguyên Thảo 30/04/2023 - 19:30

Trong quý II/2023, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người. Khi đó, Việt Nam đang ở giữa thời kỳ "dân số vàng" với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người, nắm giữ cơ hội lớn để đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội.

dan-so-100-trieu-nguoi.png

Trong quý II/2023, dân số Việt Nam sẽ cán mốc 100 triệu người. Khi đó, Việt Nam đang ở giữa thời kỳ "dân số vàng" với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người, nắm giữ cơ hội lớn để đẩy nhanh phát triển kinh tế, xã hội.

anh-chup-man-hinh-2023-04-30-luc-10.55.22-sa.png

Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), đây nên được xem là cột mốc quan trọng đối với Việt Nam. Từng là quốc gia bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã thành công trong việc đưa người dân thoát khỏi cảnh đói nghèo và đạt mức tăng trưởng kinh tế - xã hội đáng ghi nhận trong lĩnh vực y tế, giáo dục, việc làm, tiến bộ công nghệ...

Thế giới đang thay đổi nhanh chóng và Việt Nam cũng không nên tụt lại phía sau. Dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước. 

100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho "100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp". Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10-24. 

100 triệu người dân Việt Nam chính là tượng trưng cho "100 triệu hy vọng, 100 triệu giấc mơ và 100 triệu giải pháp"...

Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA)

TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho biết, với 100 triệu người sẽ đưa Việt Nam vào nhóm 15 quốc gia có dân số đông nhất thế giới, đứng thứ 8 châu Á và thứ 3 khu vực Đông Nam Á. Tổng cục Dân số đang phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và các bộ, ngành chức năng xây dựng chương trình hoạt động, chủ đề và các thông điệp để lan tỏa sự kiện rất quan trọng này của đất nước.

TS Phạm Vũ Hoàng khẳng định, với quy mô 100 triệu người sẽ đem đến nguồn nhân lực to lớn về nhiều mặt cho tiến trình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời kỳ "dân số vàng" và hiện nay, với số lượng người trong độ tuổi lao động xấp xỉ 68 triệu người, cung cấp nguồn lực lao động vô cùng to lớn cho đất nước.

Ðặc điểm nổi bật trong thời kỳ "cơ cấu vàng" là dân số có khả năng lao động (từ 15-64 tuổi) chiếm tỷ lệ cao. Đây là thời kỳ mang lại cơ hội lớn để nâng cao chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Bắt đầu từ năm 2007, với tỷ số phụ thuộc chung (nhóm dân số 0-14 tuổi và nhóm dân số trên 65 tuổi tính trên nhóm dân số 15-64) dưới 50%, Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ cấu "dân số vàng". Theo các nhà nhân khẩu học, cơ cấu "dân số vàng" thường kéo dài từ 30-35 năm, thậm chí là 40-50 năm. Điều đó đồng nghĩa với chừng ấy thời gian đất nước có được lực lượng lao động trẻ hùng hậu, đủ sức làm xoay chuyển nền kinh tế đất nước nếu chúng ta biết khai thác tối đa nguồn tài nguyên quý giá này. 

anh-chup-man-hinh-2023-04-30-luc-11.29.12-sa.png

Dự báo, giai đoạn "dân số vàng" của nước ta sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038, đây là cơ hội có một không hai dành cho Việt Nam. Chất lượng dân số đã được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ người dân tiếp tục tăng, cao hơn nhiều nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người. Tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, tử vong bà mẹ, trẻ em giảm mạnh. Tầm vóc, thể lực người Việt Nam có bước cải thiện…

"Tất cả các nước công nghiệp mới NICs (con rồng châu Á) đều cất cánh bay lên nhờ đã tận dụng thành công giai đoạn cơ cấu dân số vàng. Chuyển đổi nhân khẩu học tác động đến phân bố tuổi dân số và tạo ra dân số vàng là một cơ chế tiềm tàng tác động đến thành công kinh tế. Tuy nhiên, cũng không ít quốc gia đã bỏ lỡ, chìm sâu trong bẫy thu nhập trung bình", TS Phạm Vũ Hoàng cho hay.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trung Tiến - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định, việc đạt quy mô dân số 100 triệu người là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội cho nước ta nâng cao vị thế trong khu vực và trên thế giới trong bối cảnh các nước đều coi nguồn nhân lực là lợi thế của quốc gia. Đây sẽ là cơ hội nếu đầu tư hiệu quả cho giáo dục - đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, nâng cao kỹ năng, trình độ lao động. Song, đây cũng là thách thức lớn khi xu hướng già hóa dân số đang diễn ra nhanh.

anh-chup-man-hinh-2023-04-30-luc-11.29.01-sa.png

anh-chup-man-hinh-2023-04-30-luc-10.55.36-sa.png

Theo các chuyên gia, cơ cấu "dân số vàng" thực sự là cơ hội để cải thiện sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe sinh sản cho thanh niên, vị thành niên, sử dụng nguồn lao động dồi dào cho tăng trưởng và phát triển kinh tế. 

Cơ cấu "dân số vàng" tạo cơ hội cho tích lũy nguồn lực để tăng đầu tư cho an sinh xã hội, y tế, giáo dục, việc làm trong tương lai. Lực lượng lao động dồi dào với đặc tính cần cù, thông minh cũng đang là yếu tố tạo nên sức hút của Việt Nam với các nhà đầu tư quốc tế, khiến nước ta trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn trên thế giới.

Tuy nhiên, theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Việt Nam lại là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới (từ năm 2011, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số). Vì thế, câu chuyện hành động nhanh, hành động thực chất với những chính sách mạnh mẽ, hiệu quả nhất là điều buộc phải đặt ra.

Theo quy luật biến đổi nhân khẩu học, khi kết thúc thời kỳ "dân số vàng" đồng thời cũng là giai đoạn chuyển sang thời kỳ "dân số già", chính vì vậy mục tiêu xuyên suốt của chính sách dân số trong bối cảnh này là phát huy dư lợi dân số vàng để phát triển kinh tế - xã hội chủ động tích lũy các nguồn lực thích ứng khi bước vào thời kỳ già hóa dân số. 

gianglong.jpeg
GS.TS Giang Thanh Long

GS.TS Giang Thanh Long - Khoa Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân, chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dân số - phát triển và an sinh xã hội cho rằng, Việt Nam đã có sự chuẩn bị để bước vào thời kỳ già hóa dân số, nhưng chưa đủ. Ở Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phát triển, người trên 60 tuổi, thậm chí trên 70 tuổi vẫn làm việc bình thường vì họ có sức khỏe, có trí tuệ, có kinh nghiệm và họ chính là nguồn lực quan trọng góp phần phát triển đất nước. Không chỉ là nguồn lực lao động vô cùng quý giá, mà người già ở các nước phát triển còn là lực lượng tiêu dùng rất lớn, tạo động lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát triển.

"Còn Việt Nam thì sao, tuyệt đại đa số người già "sáng tập thể dục, chiều đón cháu" do không còn đủ sức khỏe cũng như không được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, cần phải tập trung vào đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe cho người trẻ từ bây giờ để khi về già họ vẫn có thể tiếp tục tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là lực lượng tiêu dùng lớn của xã hội. Người già phải là nguồn lực phát triển chứ không phải là gánh nặng của xã hội", ông Long nhận đinh.

dan-so-100-trieu-nguoi-1-.png

Ở góc nhìn khác, Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn cho rằng, nếu không chủ động ứng phó với thời kỳ dân số già, đưa ra những giải pháp an sinh xã hội dài hạn, trong tương lai Việt Nam rất dễ rơi vào bẫy thu nhập trung bình.

Theo ông Nghĩa, có 3 việc cần làm ngay để tận dụng thời kỳ "dân số vàng", tránh lãng phí.

Thứ nhất, khẩn trương ban hành Chiến lược phát triển nhân lực và Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Chiến lược quốc gia về phát triển đội ngũ trí thức giai đoạn 2021- 2030. Đề án thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Nghiên cứu đổi mới toàn diện chế độ làm việc trong khu vực công, nâng cao văn hóa và đạo đức công vụ.

Thứ hai, xây dựng cơ chế làm cầu nối giữa thị trường lao động với hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm giải quyết vấn đề mất cân bằng cung cầu. Xây dựng Chiến lược nâng cao giá trị của lao động Việt Nam, từng bước nói không với nhân công giá rẻ.

Thứ ba, cùng với các chiến lược phát triển và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực trong nước, cần xây dựng chiến lược thu hút nguồn lực to lớn của hơn 5,3 triệu người Việt Nam ở nước ngoài; nhất là, thu hút các nhà khoa học tự nhiên, khoa học cơ bản, các chuyên gia về quản trị quốc gia.

Để làm được như vậy, cần có môi trường làm việc đủ sức thu hút, để các nhà khoa học, các chuyên gia tự tin trở về, gắn bó và hết mình công hiến cho quê hương, cho đất nước.

"Chúng ta sẽ có lỗi với các thế hệ mai sau nếu không có chính sách chống lãng phí, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả và phát huy tối đa tài sản nguồn nhân lực để phát triển đất nước trong thời kỳ "dân số vàng", ông Nghĩa khẳng định.

anh-chup-man-hinh-2023-04-30-luc-1.58.16-ch.png
sinhvien1.jpg
sv.jpeg
1920x1080-1.png
sinhvien1.jpg

Ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm

UNFPA cũng chỉ ra những thách thức khi cả tỷ lệ tử vong và mức sinh đều giảm, Việt Nam sẽ sớm hoàn thành tiến trình quá độ dân số. Mọi người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỉ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng.

"Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân. Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059", UNFPA nhận định.

UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.

Theo UNFPA, cần nhấn mạnh con người là giải pháp, không phải là vấn đề. Vấn đề không nằm ở số lượng người nhiều hơn hay ít hơn, mà là đảm bảo tất cả mọi người được tiếp cận các cơ hội một cách bình đẳng hơn. 

Theo đó, mọi người dân phải được hỗ trợ thực hiện các quyền, trong đó có quyền đưa ra quyết định về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cũng như bình đẳng giới. Các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. 

Để hưởng trọn vẹn lợi ích mà lợi thế dân số mang lại, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước. 

Nội dung: Nguyên Thảo

Ảnh: Tư liệu, TTXVN

Nguyên Thảo