Tiết lộ chi tiết về lễ đăng quang của Vua Charles III
Lễ đăng quang của Charles III và phối ngẫu, Camilla, trở thành Quốc vương và Vương hậu của Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland và 14 vương quốc khác thuộc Khối Thịnh vượng chung, được lên kế hoạch tổ chức vào thứ Bảy, ngày 6/5/2023 tại tu viện Westminster. Đây sẽ là lễ đăng quang với nhiều tín ngưỡng và nhiều ngôn ngữ.
Vua Charles III, muốn chứng tỏ rằng ông sẽ là nhân vật thống nhất mọi người ở Vương quốc Anh, sẽ đăng quang trong một buổi lễ lần đầu tiên có sự tham gia của các tín ngưỡng khác ngoài Giáo hội Anh.
Các nhà lãnh đạo Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo, Do Thái và đạo Sikh sẽ tham gia vào các nghi thức của lễ đăng quang, Văn phòng Tổng Giám mục Canterbury cho biết hôm thứ Bảy.
Buổi lễ cũng sẽ lần đầu tiên có sự góp mặt của các nữ giám mục, cũng như các bài thánh ca và lời cầu nguyện được hát bằng tiếng Wales, tiếng Gaelic của Scotland và tiếng Gaelic của Ireland, cũng như tiếng Anh.
“Buổi lễ chứa đựng những yếu tố mới phản ánh sự đa dạng của xã hội đương đại của chúng ta,” Đức Tổng Giám mục Justin Welby, lãnh đạo tinh thần của Giáo hội Anh, cho biết trong một tuyên bố. “Tôi cầu nguyện rằng tất cả những ai tham gia vào buổi lễ này, dù họ có đức tin hay không có đức tin, sẽ tìm thấy trí tuệ cổ xưa và niềm hy vọng mới mang lại nguồn cảm hứng và niềm vui.”
Lễ đăng quang phản ánh những nỗ lực của Vua Charles nhằm chứng tỏ rằng chế độ quân chủ 1.000 năm tuổi vẫn còn phù hợp ở một đất nước đa dạng hơn nhiều so với khi mẹ ông lên ngôi 70 năm trước. Mặc dù quốc vương theo đạo Thiên chúa nhưng cuộc điều tra dân số mới nhất cho thấy chưa đến một nửa dân số Anh hiện tự nhận mình là người theo đạo Thiên chúa.
Được dàn dựng xoay quanh chủ đề “Đến để phục vụ”, lễ đăng quang sẽ bắt đầu với một trong những thành viên trẻ nhất của giáo đoàn - một ca viên hợp xướng của Nhà nguyện Hoàng gia - chào đón nhà vua. Charles sẽ đáp lại bằng cách nói: “Nhân danh Ngài và theo tấm gương của Ngài, tôi đến không phải để được phục vụ mà để phục vụ.”
Buổi lễ đăng quang cũng sẽ bao gồm nhiều yếu tố lịch sử mang đậm truyền thống cổ xưa mà qua đó quyền lực đã được truyền lại cho các vị vua và hoàng hậu mới trong suốt nhiều thế kỷ.
Trong phần thiêng liêng nhất của buổi lễ, Tổng Giám mục Canterbury sẽ xức dầu cho nhà vua. Một tấm bình phong sẽ bao phủ Charles vào lúc này và việc xức dầu sẽ không được hiển thị trên truyền hình hoặc hầu hết mọi người trong tu viện sẽ không nhìn thấy, ngoại trừ một số thành viên cấp cao của giáo sĩ.
Người phát ngôn của Cung điện Lambeth cho biết: “Khi tấm bình phong bao quanh chiếc ghế đăng quang được gỡ bỏ, nhà vua lúc đó sẽ xuất hiện với tư cách là người đảm nhận trách nhiệm phụng sự Chúa và phục vụ người dân”.
Tiếp theo đó là phần nhận vương khí đăng quang, các vật linh thiêng như quả cầu và vương trượng tượng trưng cho quyền lực và trách nhiệm của quốc vương.
Một trong những nghi thức mới phản ánh bối cảnh tôn giáo đã thay đổi ở Anh là các thành viên từ Viện nguyên lão của Ấn Độ giáo, Do Thái, Hồi giáo và đạo Sikh sẽ dâng lên nhà vua những đồ vật không có biểu tượng rõ ràng của Cơ đốc giáo.
Vua Charles sau đó sẽ được trao vương miện và điệp khúc "God Save the King" sẽ vang vọng khắp Tu viện.
Vương hậu Camilla sau đó sẽ được xức dầu, theo hình thức tương tự như của Hoàng thái hậu Elizabeth, mẹ của nữ hoàng Elizabeth II, vào năm 1937. Tuy nhiên, việc xức dầu của bà sẽ không bị che khuất sau một bức bình phong như của nhà vua.
Ngay trước khi Vua Charles lên cỗ xe Gold State Coach để diễu hành trên đường phố London, các nhà lãnh đạo và đại diện của các cộng đồng tín ngưỡng sẽ đồng thanh chào mừng đức vua. Cung điện Lambeth cho biết lời chào sẽ được thực hiện một cách nhẹ nhàng vì tôn trọng ngày Sabat (ngày yên nghỉ) của người Do Thái .