Thường Xuân - Thanh Hóa: Nỗi lo học sinh qua sông bằng bè, mảng
Đời sống - Ngày đăng : 09:59, 28/09/2014
Trong khi đó, nhiều bến đò ngang không được cấp phép, người điều khiển phương tiện chưa qua đào tạo, chở quá tải... dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông (ATGT) đường thủy, đe dọa tới tính mạng người dân. Đặc biệt là các em học sinh mỗi lần qua sông khi năm học mới đã bắt đầu.
Theo kết quả kiểm tra, rà soát hiện có 6 bến đò ngang đang hoạt động nhưng chỉ có bến đò thôn Xuân Thắng, xã Ngọc Phụng trên sông Âm, do ông Nguyễn Văn Tuấn làm chủ, chuyên chở khách đi làng Chu, xã Phùng Minh (Ngọc Lặc) được UBND huyện cấp phép hoạt động. Các bến còn lại nằm trên dòng sông Chu chưa được cấp phép, như bến đò Đìn, xã Thọ Thanh hoạt động không an toàn, phương tiện chuyên chở là mảng, hay như ở khu vực lòng hồ Cửa Đạt 7/64 phương tiện, người điều khiển phương tiện chưa được cấp phép tham gia hoạt động giao thông đường thủy, dẫn đến việc mất ATGT nội địa tại vùng lòng hồ là rất lớn. Các bến đò ở Thường Xuân ra đời xuất phát từ nhu cầu đi lại của người dân và phục vụ các cháu học sinh đi học qua sông. Theo thống kê của huyện có 193 học sinh ở các thôn, hàng ngày phải qua sông bằng đò ngang. Trong đó, bến đò Thác Mạ có 43 học sinh; bến đò Tổ Rồng có 60 học sinh; bến đò Đìn có 50 học sinh và bến đò Ngọc Phụng có 40 học sinh.
Mất an toàn khi học sinh tới trường bằng bè, mảng
Để bảo đảm ATGT đường thủy trong mùa mưa, lũ, huyện Thường Xuân đã và đang chỉ đạo các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT đường thủy, nhằm nâng cao ý thức của chủ các bến đò, người dân, đồng thời, cảnh báo những hiểm họa về tai nạn giao thông đường thủy có thể xảy ra nếu còn dùng các phương tiện như bè, mảng để chở khách qua sông. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường thủy, tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các chủ phương tiện chưa có giấy phép hoạt động, phương tiện chưa đăng ký, đăng kiểm vẫn chở khách qua sông. Huyện sẽ đầu mối với Sở Giao thông - Vận tải mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, cấp giấy phép điều khiển phương tiện giao thông đường thủy cho các chủ đò trên địa bàn.
Làng Mạ thuộc xã Xuân Cẩm, huyện Thường Xuân nơi sinh sống của 52 hộ dân tộc Thái, với 215 nhân khẩu, nằm biệt lập bên kia con sông Chu. Con đường giao thương với thế giới bên ngoài duy nhất bằng chiếc thuyền độc mộc. Vào mùa mưa lũ ngôi làng bị chia cắt hoàn toàn, cuộc sống thiếu thốn, học sinh phải nghỉ học, người ốm đau chỉ biết cầu trời cho nước rút để vượt sông chữa bệnh…
Ngồi bên bụi cây đợi thuyền, em Hà Thị Hường, học sinh lớp 4 trường Tiểu học xã Xuân Cẩm, đôi mắt trong veo, không giấu được nỗi buồn cho biết: “Ngày nào chúng cháu cũng phải vượt sông đi học, sợ lắm chú ơi, nhất là mùa mưa lũ nước cuộn xiết, không liều mình vượt sông thì không có cái chữ. Nhà cháu nghèo lắm, bố mẹ làm quanh năm suốt tháng mà chẳng đủ ăn. Nếu không phải là học sinh giỏi có khi cháu đã bị buộc thôi học từ lâu. Ở xóm cháu nhiều anh chị cứ lớn hơn chút là nghỉ học đi làm kiếm cái ăn. Nhiều hôm đi học trong bụng đói meo, nó cứ sôi sùng sục, cháu cũng muốn nghỉ học lên đồi chặt luồng, trồng sắn. Nhưng bố, mẹ cháu cứ bảo, đời chúng tao khổ vì không biết chữ, giờ cho mày ăn học để lớn lên thoát cái cảnh nghèo. Không phải đói quanh năm, suốt tháng nữa. Cháu ước mơ lớn lên làm bác sỹ, vì làng cháu chưa có ai làm bác sỹ để giúp người nghèo trong xóm.”
Còn em Lữ Thị Oanh, học sinh lớp 3, thì bẽn lẽn đứng vân vê tà áo chằng chịt các mũi vá. Ước mơ của em bình dị và thực tế: “Cháu ước làng cháu có một cây cầu bắc qua sông, để các cháu đi học không phải lênh đênh trên thuyền nữa. Bố cháu có bán con lợn cũng không phải gọi mãi mới có người mua hoặc phải đóng củi, khiêng lên bè bơi đẩy qua sông. Mẹ cháu hàng ngày có thể chở lá kè, các thứ khác sang bên chợ huyện bán lấy tiền. Các cháu sẽ được bố mẹ mua cho quần áo, sách vở mới.”
Người chèo thuyền qua sông tại làng Mạ, xã Xuân Cẩm là ông Vi Văn Bành, 61 tuổi, tâm sự: Tôi chèo đò gắn bó gần hết đời người bên bến sông này. Năm 2012 tổ chức “Tầm nhìn” tài trợ cho xóm chiếc thuyền sắt và dây cáp vắt qua sông, bà con đi lại bớt nguy hiểm hơn. Ông Bành được xóm hợp đồng chèo thuyền hàng tháng 80 kg lúa. Ông dựng chiếc lều tranh ngay cạnh bờ sông để túc trực lỡ khi trái gió trở trời, ai đó trong xóm đau, ốm, sinh nở còn kịp thời đưa sang sông. Ông Bành cho hay: “Bao nhiêu năm chèo đò, tôi thấy thương người dân làng Mạ quá, nhất là các cháu học sinh. Người dân đã nghèo rồi còn cách trở đò ngang. Chẳng buôn, bán giao thương cái gì được. Các anh, chị qua xóm thời điểm này là mùa cạn, chứ mùa lũ thì không thể sang được. Các cháu cũng phải nghỉ học. Nếu không thì làng phải huy động lực lượng trai tráng, trẻ, khoẻ, người chống, người chèo may mới sang được bờ bên kia. Chẳng may nhà nào có người ốm, đau thì khổ trăm bề. Nhiều người đành bó tay chờ chết bởi sự cách trở này.”
Cách trung tâm huyện có hơn 6 km, chỉ vì con sông Chu chảy qua mà cả làng Mạ bị cô lập, cách trở, cái đói, nghèo, thất học cứ đằng đẵng bao đời nay. Ngồi trên con thuyền sắt trở ra, làng Mạ cứ khuất dần trong những tán kè xanh mơn mởn. Cảnh đẹp nên thơ của làng Mạ không che lấp nổi sự khốn khó, lam lũ. Về lâu dài, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa cần khảo sát, kiểm tra, bố trí nguồn vốn để đầu tư các cầu cứng vừa đảm bao an toàn vừa tạo động lực phát triển kinh tế xã hội cho các địa phương có sông chia cắt.