Văn hóa - Du lịch

Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Mạnh Hùng 30/04/2023 - 13:58

11 năm sau khi được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2012 – 2023), tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ngày càng có sức lan tỏa, mãi trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc.

621e9fc9-3ec5-4364-b0d6-6561aabf866b.jpeg
Các nghi thức Giỗ Tổ được tổ chức trang nghiêm thành kính thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Trao đổi với phóng viên Báo Công lý, ông Lê Trường Giang - Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành bản sắc văn hóa trong đời sống tinh thần của cộng đồng. Thờ cúng Hùng Vương, thờ cúng thủy tổ của dân tộc là biểu tượng kết nối giữa quá khứ với hiện tại, biểu hiện cho tinh thần đại đoàn kết dân tộc và truyền thống biết ơn tổ tiên, nơi hội tụ tinh thần đưa các thế hệ con cháu về cùng một cội nguồn.

Giỗ Tổ Hùng Vương và việc tổ chức tế lễ, rước, cầu cúng, các sinh hoạt diễn xướng văn hóa dân gian đã được cộng đồng gìn giữ, duy trì, bảo tồn cho đến ngày nay.

Với những đặc trưng ý nghĩa đó, ngày 6/12/2012, tại kỳ họp thứ 7 của Ủy ban liên chính phủ Công ước 2003 Paris, UNESCO đã chính thức ghi danh tín ngưỡng “Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Kể từ đó, không chỉ người dân ở tỉnh Phú Thọ, các vùng miền trong cả nước mà cả cộng đồng quốc tế nhận thức sâu sắc thêm về sức sống của di sản văn hóa phi vật thể trong đời sống tinh thần. Không chỉ các hoạt động lễ, hội trong dịp Giỗ Tổ đã được nâng lên tầm quốc gia, mà những nghi thức thờ cúng Hùng Vương ở các cộng đồng địa phương cùng với tín ngưỡng phồn thực, diễn xướng dân gian thể hiện niềm ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, cầu bình an cũng được nhận thức như là những di sản văn hóa quốc gia đặc biệt.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với chức năng, nhiệm vụ được giao đã bám sát nội dung cam kết trong Chương trình hành động phát huy giá trị Di tích lịch sử Đền Hùng và bảo vệ sức sống, sự lan tỏa rộng rãi của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Nhìn lại 10 năm qua, kể từ khi được ghi danh, công tác tuyên truyền về Đền Hùng, thời đại Hùng Vương và di sản tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ trên phương tiện thông tin đại chúng phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức; phát huy hiệu quả hoạt động của Đài phát thanh Đền Hùng, các bảng điện tử, màn hình led; công tác tuyên truyền trực quan đậm nét tại khu vực di tích.

Đồng thời, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng cũng lựa chọn, củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng đội ngũ cán bộ, viên chức thực hiện nhiệm vụ thuyết minh viên, hướng dẫn viên tại điểm, trung bình mỗi năm đã giới thiệu, hướng dẫn cho hàng triệu lượt khách; qua đó, giúp đồng bào và du khách nhận thức sâu sắc hơn, nâng cao trách nhiệm cá nhân trong bảo tồn và phát huy giá trị Di sản, ý thức nguồn cội ngày càng thấm sâu. Lượng khách hành hương về Đền Hùng thắp hương bái Tổ ngày càng tăng là minh chứng cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

af4f789f-1bb5-439e-b1f1-7620719f302b.jpeg
c8d6f5d2-668a-46b1-b9da-af8a88e28333.jpeg

Cũng theo ông Lê Trường Giang, với mục tiêu trở thành lễ hội mẫu mực của cả nước, hàng năm, Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng sâu sắc.

Tỉnh Phú Thọ đã và đang tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện chủ trương kết hợp hài hòa giữa vai trò của Nhà nước và sự tham gia của cộng đồng. Không chỉ người dân địa phương tham gia tích cực, mà cộng đồng cư dân các tỉnh, thành phố trong cả nước cùng dâng cúng lễ vật trong dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Phần lễ được tổ chức trang nghiêm thành kính theo nghi lễ truyền thống với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố. Phần hội vui tươi lành mạnh với nhiều hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc vùng đất cội nguồn.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với hàng triệu lượt đồng bào và du khách tham dự, là minh chứng cho sự hội tụ sâu sắc của nghĩa “đồng bào” đối với mỗi người con dân đất Việt.

“Uống nước nhớ nguồn”

Cùng thời điểm Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương ở Đền Hùng, tại các tỉnh, thành trong cả nước, người Việt sống ở nước ngoài đều làm lễ dâng hương tưởng niệm các vua Hùng - đó là biểu hiện cho sức sống và sự lan tỏa mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, các gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng tại nhà để thắp hương tri ân công đức các Vua Hùng. Đây cũng là dịp để gia đình nhắc nhở, giáo dục con cháu về lòng biết ơn với Tổ tiên, gia đình, dòng họ, hình thành nên đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Để nâng cao vai trò của cộng đồng với tư cách là chủ thể sáng tạo, để bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị của di sản, tỉnh Phú Thọ đã tạo mọi điều kiện để nhân dân thực hành nghi lễ cúng giỗ Hùng Vương, tế lễ ngày giỗ Quốc Tổ Lạc Long Quân (6/3 âm lịch), ngày “Tiên Thăng” và “Tiên Giáng” của Tổ Mẫu Âu Cơ (25 tháng Chạp và ngày 7 tháng Giêng). Cùng với đó, nhiều hoạt động văn hóa dân gian được tổ chức như: Lễ rước kiệu về Đền Hùng của các xã vùng ven Khu di tích, hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh dày, đánh trống đồng, đâm đuống, vật dân tộc, múa rối nước... và các hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng

Để gìn giữ, phát huy giá trị của Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng - Trung tâm thực hành “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương”, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm đặc biệt, thể hiện qua các chủ trương, chính sách và các văn bản về công tác quản lý, bảo vệ, đầu tư tu bổ, tôn tạo xây dựng và tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hằng năm.

Bằng nguồn đầu tư của Nhà nước và xã hội hóa, nhiều di tích, công trình cảnh quan, cơ sở hạ tầng khu di tích được đầu tư, tôn tạo: Các công trình đền, đài, lăng tẩm được tu bổ khang trang, trên cơ sở giữ nguyên các giá trị của di tích gốc nhằm bảo tồn, giữ gìn “không gian thiêng”; dự án hạ tầng kỹ thuật giai đoạn 2016-2020; dự án hoàn thiện tu bổ, tôn tạo cảnh quan khu trung tâm lễ hội và trục hành lễ; cải tạo Bảo tàng Hùng Vương, cảnh quan đồi Công Quán; cải tạo cảnh quan khu vực Ngã 5 Đền Giếng; cổng Trung tâm lễ hội và cầu đi bộ Mai An Tiêm… qua đó tạo diện mạo mới, đáp ứng mong mỏi của hàng triệu người dân khi về Giỗ Tổ.

Hoạt động nghiên cứu khoa học, chuẩn hóa kịch bản, trao truyền thực hành nghi lễ và lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được quan tâm: Hàng năm, xây dựng kịch bản tổ chức Lễ dâng hương theo nghi thức truyền thống cho các đối tượng khác nhau; tổ chức tốt công tác thống kê di tích, di sản văn hóa, nghiên cứu khoa học liên quan đến thời đại Hùng Vương và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tổ chức thực hiện đề tài khoa học cấp cơ sở: “Đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp phát triển du lịch tại Di tích lịch sử Đền Hùng giai đoạn đến 2020”, “Ứng dụng công nghệ thông tin trong xây dựng phần mềm quản lý và phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương”, “Nghiên cứu, sưu tầm và đề xuất các giải pháp tuyên truyền, phát huy giá trị của truyền thuyết Hùng Vương tại Di tích lịch sử Đền Hùng”; Đề tài khoa học cấp tỉnh “Điều tra, nghiên cứu, đề xuất giải pháp quản lý khai thác tư liệu Hán Nôm về thời đại Hùng Vương” và Đề tài cấp Bộ “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và phát triển bền vững Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng”…

Các đề tài khoa học này có tính ứng dụng cao trong thực tiễn và góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Hàng năm, Khu Di tích phối hợp với UBND xã Hy Cương (TP. Việt Trì) và thị trấn Hùng Sơn (huyện Lâm Thao) tổ chức tập huấn, hướng dẫn trao truyền thực hành nghi lễ Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để chọn ông từ tại các đền trên núi Nghĩa Lĩnh hướng dẫn đồng bào thực hành nghi thức cúng lễ tổ tiên; tổ chức triển lãm chuyên đề, trưng bày hiện vật tại Bảo tàng Hùng Vương - Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Qua đó giới thiệu với du khách về lễ hội Đền Hùng từ thời phong kiến nhà Nguyễn đến ngày nay. Từ Đền Hùng - nơi khởi nguồn của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã lan tỏa ra cả nước, vượt qua biên giới lãnh thổ đến những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống trên thế giới. Đó chính là sức sống mạnh mẽ của Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương- tín ngưỡng của người Việt.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương mãi trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc

Theo Giám đốc Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, với mục đích trao truyền, lan tỏa tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, giáo dục thế hệ trẻ tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc, biết ơn các bậc tiền nhân đã có công dựng nước, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu xây dựng chương trình giáo dục về giá trị di sản, đưa giáo dục di sản vào chương trình trong các trường học, đổi mới và nâng cao nội dung chương trình học lịch sử, ngữ văn cho học sinh, chú trọng giáo dục giúp nâng cao nhận thức về giá trị và sự cần thiết bảo vệ di sản, về các truyền thuyết lịch sử, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương; triển khai Chương trình tour du lịch học đường “Hướng về cội nguồn”; thực hiện kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo với chủ đề: “Đưa di sản vào trường học” và “Tăng cường giáo dục chính trị, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030”.

Đến nay, các trường học trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận phía Bắc đã tổ chức các chương trình ngoại khóa đưa hàng vạn học sinh trải nghiệm thực tế tại di tích lịch sử đền Hùng, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về lịch sử thời Hùng Vương.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã và đang nỗ lực cùng các ngành, các cấp triển khai thực hiện nhiều biện pháp cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy và lan tỏa giá trị của di sản, khẳng định sự trường tồn, bất diệt, đạo lý uống nước nhớ nguồn, cùng đoàn kết yêu thương, xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu mạnh, nhân dân ấm no, hạnh phúc. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ mãi trường tồn cùng sự phát triển của dân tộc và lan toả trong đời sống cộng đồng.

Mạnh Hùng