Suy ngẫm về hai chữ “nhất” của cao tốc Nội Bài – Lào Cai
Đời sống - Ngày đăng : 07:45, 28/09/2014
Cao tốc dài nhất Việt Nam
Sau 5 năm khởi công xây dựng, sáng ngày 21/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã chính thức phát lệnh thông xe dự án đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại xã Gia Phú, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai.
Với chiều dài 245km từ Hà Nội qua các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai. Tuyến đường rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Lào Cai xuống còn 3,5 tiếng so với 7 tiếng nếu đi theo quốc lộ 70 hiện nay.
Khởi công ngày 25/4/2009, Dự án cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái xây dựng 4 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100 km/giờ và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai xây dựng cao tốc 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp tốc độ thiết kế 80 km/giờ.
Dự án có diện tích giải phóng mặt bằng hơn 2.062 ha, đền bù cho 25.031 hộ dân bị ảnh hưởng, xây dựng 99 khu tái định cư.
Để xây dựng đường cao tốc dài nhất Việt Nam, ngoài phần đường, các nhà thầu trong và ngoài nước đã xây 120 cầu lớn nhỏ (có 2 cầu lớn là cầu Sông Hồng và Sông Lô với chiều dài 1,68 km, rộng 16,5m); 1 hầm xuyên núi dài 530m, cao 9m, rộng 14m; 1 hầm chui (giao cắt quốc lộ 2) dài 645m; 12 nút giao thông khác mức, 13 trạm thu phí, 5 trạm dừng nghỉ rộng 23 ha.
Tổng mức đầu tư là 1,464 tỉ USD bao gồm vay ưu đãi 236,21 triệu USD, vay thông thường 1,034,5 tỉ USD từ Ngân hàng phát triển Châu Á và vốn đối ứng 170,31 triệu USD cho giải phóng mặt bằng.
Trong bài phát biểu tại lễ thông xe tuyến đường, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Đây là tuyến đường cao tốc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với các tỉnh Tây Bắc, tiểu vùng sông Mê Kông, phát triển kinh tế xã hội quốc phòng an ninh đối ngoại của các tỉnh có dự án đi qua”
Cao tốc... nứt sớm nhất sau thông xe
Vừa thông xe được 2 ngày thì cao tốc dài nhất VN đã bị nứt dài 73m tại km83 là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến. Với sự cố này khiến cao tốc Nội Bài - Lào Cai đang trở thành “đường nứt sớm nhất” tại Việt Nam.
Vấn đề này, ngày 26/9, Bộ trưởng Giao thông vận tải Ðinh La Thăng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về vết nứt mặt đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai tại Km 83.
Bộ trưởng Thăng cho biết, trong quá trình đầu thầu, dự án bị thiếu vốn nên hai gói thầu A4, A5 do nhà thầu Keangnam thi công thuộc địa bàn tỉnh Phú Thọ, Yên Bái bị chậm. Trên tuyến có 10 đoạn đi qua vùng đất yếu, theo quy trình xử lý nền đất yếu phải đến cuối năm 2015 dự án mới hoàn thành.
Tuyến cao tốc 4 làn xe đoạn từ Nội Bài đến Yên Bái.
Về vị trí phát hiện vết nứt dài 73m tại km83 là một trong 10 đoạn xung yếu trên toàn tuyến. Bộ GTVT cho hay, vết nứt tại km83 tương đối lớn là bất thường. Để xác định nguyên nhân chính xác và có biện pháp xử lý triệt để, chủ đầu tư đã tổ chức khoan bổ sung địa chất với mật độ dày hơn.
Kết quả cho thấy, vết nứt nằm trên triền đá yên ngựa dưới tầng đất yếu, có độ nghiêng khoảng 30 độ. Trong điều kiện nền đường đắp cao 7 đến 9m cùng hai bên bị tích nước sau các cơn bão số 3, số 4 đã tạo thêm vết nứt nêu trên.
Trước đó, vào ngày 24/9 ông Lê Kim Thành – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty đường cao tốc VN giải thích nguyên nhân xảy ra lún, nứt: Sau hai đợt mưa lớn do ảnh hưởng của 2 cơn bão đã xuất hiện các cung nứt nhỏ nằm trong phạm vi 75m.
Do nằm ở vị trí chờ xử lý đất yếu với hai bên là ruộng ngập nước nên tình trạng gây nứt nền mặt đường có thể xảy ra sớm hơn so với dự kiến. “Cái này đã tiên lượng rồi, nhưng qua hai đợt mưa chồng mưa có thể bão hòa nên đã xảy ra lún, nứt nhanh hơn”, ông Thành nói.
Suy ngẫm về hai chữ Niềm tin
Một cao tốc xây dựng kéo dài 5-10 năm, giãn tiến độ nhiều lần, nhưng khi thông lộ rồi vẫn còn tới “10 đoạn đi qua vùng đất yếu, theo quy trình xử lý nền đất yếu phải đến cuối năm 2015 dự án mới hoàn thành”.
Theo các chuyên gia, về nguyên tắc, việc quan sát sụt lún phải thực hiện trong giai đoạn thiết kế, thi công và xử lý ngay chứ không được để sang giai đoạn vận hành. Vậy thì tại sao khi đi vào vận hành rồi mới quan sát sụt lún trong khi đáng ra phải xử lý từ giai đoạn trước.
Với phần lớn các công trình xây dựng trên thế giới, nếu được xây dựng theo đúng quy trình thì sẽ có chất lượng tốt và tồn tại lâu dài. Trong khi, mới vừa qua một cơn mưa bão ở mức độ không lấy gì làm nghiêm trọng mà đã nứt, lún, thì không hiểu rằng Cao tốc Nội Bài - Lào Cai với 30.000 tỷ còn tồn tại được bao lâu?
Một điều rất rõ ràng là, việc dùng vốn vay có hiệu quả hay không sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội phát triển của từng người dân, cũng như những phúc lợi xã hội mà đáng ra họ được hưởng.
Cũng chính con đường này, Chính phủ đang vay vốn ADB và không ai khác là người dân sẽ là đối tượng đóng phí để trả nợ. Do đó, họ có quyền được hưởng một thành quả có chất lượng, chứ không phải một tuyến đường hàng chục ngàn tỷ với công sức khó có thể đong đếm của các nhà thầu, kỹ sư và hàng ngàn lao động vừa thông lộ đã gặp sự cố.
Hỏi rằng đường nứt, niềm tin của người dân còn lành không?